Những câu hỏi thường gặp về vắc xin Covid-19 thai phụ cần biết

Vắc xin phòng Covid-19 được chỉ định tiêm phòng ngừa virus SARS - COV2gây bệnh Covid-19 ở thai phụ. Để hiểu rõ hơn về loại vắc xin này bạn hãy tham khảo những câu hỏi thường gặp trong quá trình tiêm trong bài viết dưới đây.

1. Những câu hỏi thường gặp về vắc xin Covid-19 thai phụ cần biết

Câu hỏi 1: Hiện tại có những loại vắc xin COVID nào đã được cấp phép sử dụng cho thai phụ?

Trả lời: Tại Hoa Kỳ, hai vắc xin mRNA (Pfizer-BioNTech, Moderna) và một vắc xin dựa trên vector tái tổ hợp adenovirus không có khả năng sao chép (Janssen Ad26.COV2.S của Johnson &Johnson ). Các loại vắc xin khác hiện có trên toàn thế giới cũng đã được Tổ chức y tế cấp phép để tiêm cho phụ nữ mang thai thuộc các loại vắc xin khác nhau (vắc xin bất hoạt, vắc xin sống giảm độc lực, vắc xin protein tái tổ hợp, vắc xin vector, DNA vắc xin và RNA vaccine).

Câu hỏi 2: Liệu có rủi ro nhiễm COVID do vắc xin gây ra cho thai phụ hay không?

Trả lời: Không có loại vắc xin nào trong tất cả các loại vắc xin chứa vi rút có thể tái tạo. Do đó, chúng không gây bệnh, nhưng các tác dụng phụ không đặc hiệu do kích hoạt hệ thống miễn dịch có thể xảy ra.

Dựa trên cách thức hoạt động của mRNA, vectơ vi-rút và protein / tiểu đơn vị vắc xin và dữ liệu lâm sàng sơ bộ, các chuyên gia tin rằng việc tiêm vắc xin không có khả năng gây rủi ro cho những người có kế hoạch mang thai, người đang mang thai, thai nhi hoặc trẻ sơ sinh đang cho con bú.

Câu hỏi 3: Các tá dược hay chất bổ trợ trong vắc xin có gây nguy cơ gì cho mẹ và thai hay không?

Trả lời: Nếu bạn băn khoăn về các chất bổ trợ trong vắc xin có thể có ảnh hưởng đến thai kỳ hoặc cho con bú. Bạn cần biết rằng một số vắc xin COVID-19 bất hoạt có chứa chất bổ trợ, tuy nhiên thường là chất bổ trợ đã được sử dụng rộng rãi trong vắc xin tiêm trong thai kỳ (ví dụ, muối nhôm không hòa tan trong vắc xin cúm hay uốn ván Tdap vẫn được sử dụng tiêm cho phụ nữ có thai và cho con bú), các chất bổ trợ này đã được chứng minh an toàn. Các loại vắc xin có chất bổ trợ mới thường được tránh sử dụng trong thai kỳ vì thiếu dữ liệu an toàn. Tuy nhiên cần cân nhắc nếu nguy cơ dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, bởi nguy cơ cho thai phụ nhiễm COVID-19 nghiêm trọng hơn so với phụ nữ bình thường, đồng thời nguy cơ suy hô hấp nặng cao hơn và nguy cơ tử vung cao hơn.

Câu hỏi 4: Đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng sinh miễn dịch của vắc xin với thai phụ hay không?

Trả lời: Dữ liệu từ các nghiên cứu trên động vật, người mang thai được tiêm phòng và các nghiên cứu đoàn hệ nhỏ trong tương lai không cho thấy tác dụng có hại. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã chứng minh phản ứng miễn dịch của người mẹ tốt và chuyển các kháng thể qua nhau thai và vào sữa mẹ để tạo miễn dịch thụ động chống lại virus SARS-CoV-2 trong trẻ sơ sinh sau khi mẹ tiêm vắc xin mRNA. Các kháng thể bảo vệ đã được ghi nhận trong máu cuống rốn 15 ngày sau lần tiêm chủng mRNA đầu tiên của người mẹ.

Đáp ứng miễn dịch do vắc xinmRNA gây ra là tương đương ở phụ nữ có thai so với phụ đang cho con bú và phụ nữ không mang thai. Hiệu giá kháng thể do vắc xin cao hơn hiệu giá do nhiễm SARS-CoV-2 trong thai kỳ và các kháng thể do vắc xin tạo ra cũng được tìm thấy trong máu cuống rốn và các mẫu sữa mẹ. Trong một nghiên cứu khác, các đáp ứng kháng thể cũng như các đáp ứng của tế bào T CD4 và CD8 sau khi tiêm chủng có ở những phụ nữ mang thai, cho con bú tương đương với phản ứng sinh miễn dịch của các phụ nữ không mang thai. Ngoài ra, những người được tiêm chủng khi mang thai cũng phát triển các phản ứng miễn dịch phản ứng chéo chống lại các biến thể SARS-CoV-2 khác nhau.

Câu 5. Liệu tiêm vắc xin có nguy cơ gây sinh non, sảy thai hay dị tật không?

CDC Hoa Kỳ báo cáo không có dữ liệu rõ ràng liên quan đến sảy thai, dị tật bẩm sinh, sự phát triển của thai nhi, sinh non, thai chết lưu hoặc sơ sinh chết liên quan đến vắc xin.

Liên kết dữ liệu an toàn vắc xin (VSD) của CDC và Đánh giá an toàn tiêm chủng lâm sàng (CISA) cũng đang thu thập dữ liệu. Các dữ liệu ban đầu cho thấy không gây độc tính trên sự phát triển và sinh sản (DART) của của các vắc xin đang sử dụng.

Nghiên cứu trên 2456 người mang thai được tiêm vắc xin mRNA COVID-19 trước khi mang thai 20 tuần, nguy cơ sảy thai tích lũy theo tuổi được chuẩn hóa tương đương với phụ nữ mang thai bình thường không tiêm vắc xin là 12,8. Trong một nghiên cứu khác bao gồm hơn 92.000 ca đang mang thai và 13.000 ca sẩy thai, những bệnh nhân bị sảy thai có tỷ lệ phơi nhiễm với vắc xin COVID-19 trong 28 ngày trước tương tự như những người đó với các trường hợp đang mang. Dữ liệu an toàn tương tự đã được báo cáo đối với vắc-xin AstraZeneca.

những câu hỏi thường gặp về vắc xin covid-19
Những câu hỏi thường gặp về vắc xin Covid-19 thai phụ cần biết

Câu 6. Phụ nữ mang thai có nên tiêm vắc xin Covid?

Trả lời: Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng tất cả bệnh nhân mang thai cần tiêm vắc xin COVID-19. Những bệnh nhân có nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 cao (sống trong vùng dịch) hoặc có nguy cơ mắc bệnh nặng nếu bị nhiễm (ví dụ bệnh nhân tiểu đường, béo phì hoặc tăng huyết áp) là những người được hưởng lợi nhiều nhất.

Khuyến nghị này dựa trên dữ liệu ngày càng đảm bảo về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin COVID-19 trong thời kỳ mang thai cũng như dữ liệu rằng, bản thân việc mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ bệnh lý nặng khi nhiễm COVID-19.

Câu 7. Khoảng cách giữa mũi tiêm Covid với các mũi tiêm phòng khác trong lúc mang thai như thế nào để đảm bảo an toàn?

Trả lời: Các chuyên gia cho biết tiêm chủng COVID-19 có thể được sử dụng cùng lúc với các loại vắc xin khác được tiêm thường quy trong thai kỳ (ví dụ: cúm, Tdap). Theo đó, khoảng thời gian tách biệt giữa các lần tiêm chủng là không cần thiết.

Câu 8. Nguy cơ huyết khối sau khi tiêm vắc xin covid của phụ nữ có thai có gặp hay không?

Trả lời: Các trường hợp hiếm gặp của huyết khối liên quan đến giảm tiểu cầu đã được báo cáo sau khi tiêm vắc xin của AstraZeneca và vắc xin của Johnson & Johnson, và phụ nữ có thể có nguy cơ cao hơn nam giới. Phụ nữ mang thai thuộc nhóm nguy cơ tăng đông máu cao (mang gen tăng đông...) cần được tư vấn bác sĩ để lựa chọn vắc xin phù hợp.

Câu 9. Với các thai phụ có Rh âm, việc tiêm phòng có thay đổi liệu trình tiêm dự phòng kháng huyết thanh Anti D hay không?

Trả lời: Đối với các bệnh nhân Rh âm, Globulin miễn dịch anti D không can thiệp vào phản ứng miễn dịch với vắc xin. Vì vậy thời điểm sử dụng để dự phòng tiêm chủng dựa trên các quy trình lâm sàng tiêu chuẩn và không liên quan đến việc tiêm anti D theo phác đồ.

Câu 10. Nếu tôi tiêm mũi vắc xin covid đầu tiên sau đó biết có thai, vậy liều vắc xin tiếp theo tôi nên tiêm lúc nào?

Trả lời: Nếu một người có thai sau khi nhận liều đầu tiên của loạt vắc xin COVID-19 hai liều thì liều thứ hai nên được tiêm vào thời điểm do nhà sản xuất khuyến cáo. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi tùy theo chương trình tiêm chủng tại từng nước để đảm bảo việc theo dõi quản lý thai được an toàn.

Câu 11. Vắc xin Covid-19 có gây ảnh hưởng gì cho trẻ sơ sinh khi tiêm cho bà mẹ cho con bú hay không? Tôi có cần vắt sữa bỏ đi sau khi tiêm hay không?

Trả lời: Đối với bà mẹ cho con bú: Mặc dù bệnh nhân đang cho con bú không được đưa vào các thử nghiệm vắc xin lớn ban đầu, nhưng các vắc xin hiện có không có khả năng gây rủi ro cho trẻ đang bú mẹ. Các loại vắc xin này không chứa vi rút truyền nhiễm và lượng vắc xin đi vào sữa mẹ rất thấp, sau đó trẻ uống vào có thể bị bất hoạt tại hệ tiêu hóa của trẻ. Kháng thể COVID-19 do mẹ tiêm chủng có thể truyền vào sữa mẹ và có thể bảo vệ thụ động cho trẻ sơ sinh.

CDC Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất phụ nữ cho con bú để có thể bảo vệ cho người mẹ và trẻ sơ sinh. Bởi vậy, bạn không cần vắt sữa bỏ đi sau khi tiêm vắc xin Covid

những câu hỏi thường gặp về vắc xin covid-19
Bà bầu cũng có thể có các triệu chứng phản ứng nhẹ như mệt mỏi sau tiêm vắc xin COVID

2. Các phản ứng phụ xuất hiện sau tiêm vắc xin COVID bà bầu cần biết

CDC Hoa Kỳ khuyến cáo các vấn đề sau về tiêm vắc - xin COVID liên quan tới việc mang thai, dự định mang thai các bạn cần biết như sau:

  1. Những người mang thai và mới mang thai có nhiều khả năng bị bệnh nặng với COVID-19 hơn những người không mang thai.
  2. Tiêm vắc xin COVID-19 có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh nặng do COVID-19. Tiêm phòng COVID-19 được khuyến nghị cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên, bao gồm cả những người đang mang thai, đang cho con bú, đang cố gắng mang thai hoặc có thể có thai trong tương lai.
  3. Bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm chủng COVID-19 trong thai kỳ ngày càng tăng. Những dữ liệu này cho thấy rằng, lợi ích của việc tiêm vắc xin COVID-19 vượt trội hơn bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn hoặc đã biết nào của việc tiêm phòng trong thời kỳ mang thai.
  4. Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vắc xin nào, bao gồm cả vắc xin COVID-19 gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản ở phụ nữ hoặc nam giới

Bởi vậy, bạn đừng lo lắng khi chuẩn bị tiêm vắc xin. Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám và chỉ định tiêm loại vắc xin an toàn. Tuy nhiên, sau khi tiêm, bà bầu cũng có thể có các triệu chứng phản ứng nhẹ có thể gặp dưới đây.

  • Tại chỗ tiêm: Có thể đau nhẹ, sưng hoặc đỏ
  • Phản ứng toàn thân: Mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, sốt, buồn nôn, ớn lạnh

Nếu xảy ra phản ứng trên, bạn có thể chườm mát nhẹ vùng tiêm sưng đau, uống nhiều nước liên tục sau khi tiêm. Thuốc giảm đau, hạ sốt paracetamol sẽ giúp bạn cải thiện triệu chứng sốt, đau mỏi. Nếu dị ứng với thuốc Paracetamol thì bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có biện pháp xử trí thích hợp.

Đa phần các triệu chứng sau tiêm sẽ mất đi sớm. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất nếu có các dấu hiệu:

  • Nếu vết đỏ hoặc vết thương nơi bạn tiêm trở nên nặng hơn sau 24 giờ.
  • Nếu các tác dụng phụ khiến bạn lo lắng hoặc dường như không biến mất sau một vài ngày.
  • Nếu cảm thấy thai nhi giảm cử động, đau bụng hoặc có cơn co tử cung thì có thể không liên quan đến việc tiêm vắc xin nhưng cũng cần được đánh giá sớm để phát hiện những bất thường và có hướng xử trí kịp thời.

Tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai là cần thiết để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên thăm khám và tư vấn tiêm chủng để lựa chọn loại vắc xin tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

368 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan