Những kiến thức cơ bản cần biết về bệnh COVID-19 ở trẻ em - Phần 1

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Ninh - Bác sĩ cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Virus gây ra COVID-19 chủ yếu lây từ người sang người. Sự lây lan thường xảy ra khi người bị bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện gần người khác. Virus có thể lây truyền dễ dàng giữa những người sống chung. Hiện tại thì các nghiên cứu vẫn chưa trả lời được liệu virus có thể truyền sang con qua sữa mẹ hay không nếu người mẹ bị bệnh.

1.Trẻ em có thể bị nhiễm COVID-19 không?

Có. Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm COVID-19. Trẻ em vẫn có thể bị COVID 19 thể nặng nhưng trẻ em có khả năng bị bệnh nặng thấp hơn người lớn.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể lây virus cho người khác. Điều này có thể nguy hiểm, đặc biệt đối với những người lớn tuổi hoặc người có các bệnh lý mãn tính.

2. Các triệu chứng COVID-19 ở trẻ em có khác với người lớn không?

Không hẳn là khác biệt. Ở người lớn, các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt và ho. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, người lớn bị COVID 19 có thể bị viêm phổi và khó thở. Trẻ em bị COVID-19 cũng có thể có những triệu chứng này, nhưng ít có khả năng bị bệnh nặng hơn. Một số trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào.

Khách hàng có thể tham khảo thêm:

>>> Triệu chứng và cách phòng ngừa covid-19 mới nhất của Bộ Y tế

Các triệu chứng khác cũng có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn như cảm thấy rất mệt mỏi, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, tiêu chảy hoặc nôn ói. Trẻ nhỏ bị COVID-19 có thể biểu hiện bú kém.

Cũng đã có một số báo cáo về triệu chứng phát ban hoặc các triệu chứng ngoài da khác. Ví dụ, một số người bị COVID-19 bị những chấm tím đỏ trên ngón tay hoặc ngón chân. Song các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết rõ tại sao hoặc tần suất xảy ra các triệu chứng này.

Trẻ ốm, trẻ sổ mũi, dị ứng, cảm cúm trẻ
Trẻ mắc Covid-19 có thể xuất hiện triệu chứng sổ mũi

Các triệu chứng nghiêm trọng thường xảy ra ở những người có những bệnh lý nền, kể cả trẻ em. Các bệnh lý nền này bao gồm bệnh tim nặng, bệnh hồng cầu hình liềm, béo phì, đái tháo đường type 2 hoặc suy giảm hệ miễn dịch do cấy ghép nội tạng (ví dụ như ghép tim hoặc ghép thận).

Những người có suy giảm hệ miễn dịch vì nguyên nhân khác (ví dụ: nhiễm HIV hoặc đang dùng một số thuốc gây suy giảm miễn dịch), hen phế quản, xơ nang, đái tháo đường type 1, tăng huyết áp cũng có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng nặng do COVID 19.

3. COVID-19 có thể gây ra các vấn đề khác ở trẻ em không?

Điều này rất hiếm gặp nhưng nó có thể xảy ra. Đã có những báo cáo về trẻ em nhiễm COVID-19 bị tình trạng viêm toàn bộ cơ thể. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương tạng nếu bệnh không được điều trị sớm.

Các chuyên gia gọi tình trạng này là "Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em" (multisystem inflammatory syndrome in children). Các triệu chứng có thể xuất hiện tương tự như một tình trạng khác được gọi là "Bệnh Kawasaki". Các dấu hiệu bao gồm:

  • Sốt kéo dài hơn 24 giờ
  • Đau bụng, nôn ói hoặc tiêu chảy
  • Phát ban
  • Mắt đỏ
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi nhiều, kích thích hoặc lừ đừ
  • Khó thở

Bạn hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc cơ quan y tế địa phương nếu con bạn có những triệu chứng này.

Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh
Bên cạnh đó, trẻ có thể kèm theo dấu hiệu phát ban

4. Tôi nên làm gì nếu con tôi có triệu chứng?

Nếu con của bạn bị sốt, ho, hoặc các triệu chứng khác của COVID-19, hãy gọi cho bác sĩ hoặc cơ quan y tế địa phương. Họ sẽ cho bạn biết bạn phải làm gì.

Nếu bạn đang chăm sóc trẻ tại nhà, bác sĩ sẽ cho bạn biết những triệu chứng cần theo dõi. Một số trẻ bị COVID-19 đột nhiên trở nặng sau khi bị bệnh khoảng một tuần. Bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào bạn nên gọi trợ giúp khẩn cấp. Bạn nên gọi trợ giúp khẩn cấp nếu con bạn có các dấu hiệu sau:

  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Môi hoặc mặt xanh
  • Đau bụng dữ dội
  • Trẻ li bì hay có những hành vi bất thường
  • Lơ mơ hay gọi mà không tỉnh thức

Nếu bạn có con nhỏ và bé khó bú hơn bình thường, bạn cũng nên gọi cho bác sĩ hoặc y tá để được tư vấn.

5. Con tôi có cần làm xét nghiệm COVID 19 không?

Nếu bác sĩ nghi ngờ con bạn bị COVID-19, họ có thể dùng tăm bông để lấy mẫu xét nghiệm từ trong mũi của con bạn để kiểm tra. Các xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ xác định xem con bạn có mắc bệnh COVID-19 hay một bệnh khác.

Tại Việt Nam, bạn chỉ được làm xét nghiệm khi có chỉ định. Một số quốc gia, bạn có thể yêu cầu được làm xét nghiệm kiểm tra COVID 19, tùy vào chính sách chống dịch của quốc gia bạn đang ở. Tùy thuộc vào phòng xét nghiệm, kết quả xét nghiệm sẽ có sau một cho đến vài ngày.

Nếu khu vực bạn ở đang có dịch mà bạn nghĩ rằng con mình có thể đã tiếp xúc với virus gây COVID 19 thì tốt nhất bạn không nên tự đưa con đi khám. Bạn nên gọi cho bác sĩ hay cơ quan y tế địa phương. Họ sẽ cho bạn biết bạn phải làm gì? Họ có thể yêu cầu bạn giữ con ở nhà và tránh xa những người khác, họ có thể sẽ cho xe cấp cứu đến tận nhà bạn, hoặc cũng có thể họ sẽ hướng dẫn bạn cách tự theo dõi tại nhà.

Khẩu trang
Nên đeo khẩu trang cho trẻ, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh

6. COVID-19 ở trẻ em được điều trị như thế nào?

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị chuyên biệt cho COVID-19. Hầu hết trẻ khỏe mạnh bị nhiễm bệnh đều có thể tự khỏi bệnh và thường sẽ khỏi bệnh trong vòng một hoặc 2 tuần.

Điều quan trọng là giữ con bạn ở nhà (hay ở phòng cách ly trong bệnh viện – tùy theo chính sách phòng chống dịch của địa phương bạn) và tránh xa những người khác, cho đến khi bác sĩ báo rằng con bạn có thể an toàn để trở lại các sinh hoạt thông thường. Quyết định này sẽ phụ thuộc vào thời gian trẻ có các triệu chứng và có kết quả xét nghiệm tìm virus âm tính (cho thấy virus không còn trong cơ thể trẻ).

Các chuyên gia y tế đang nghiên cứu một số phương pháp điều trị để tìm ra liệu pháp điều trị COVID-19 tối ưu. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thử các phương pháp điều trị này hoặc tham gia thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là một nghiên cứu khoa học thử nghiệm các loại thuốc mới để xem chúng hoạt động tốt như thế nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

Uptodate - patient education: Coronavirus disease 2019 (COVID-19) and children (The Basics)

562 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan