Rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Một số bệnh nhân hậu COVID-19 luôn có cảm giác lo lắng, bồn chồn, trí nhớ suy giảm, khó tập trung, cơ thể mệt mỏi, khó thở hay tim đập nhanh, đánh trống ngực... Những biểu hiện trên có thể là hiện tượng rối loạn thần kinh thực vật do COVID-19 gây ra.

1. Rối loạn thần kinh thực vật là gì?

Hệ thần kinh của con người chia làm 2 loại cơ bản là hệ thần kinh là động vật (chủ động) và hệ thần kinh thực vật (thụ động). Chức năng của hệ thần kinh động vật là quyết định các hoạt động có ý thức của cơ thể, trong khi hệ thần kinh thực vật quyết định đến các hoạt động có tính tự động như quá trình cơ tim co bóp, trao đổi oxy ở phổi, sự bài tiết của tuyến mồ hôi... Các hoạt động của hệ thần kinh thực vật diễn ra ngay cả khi chúng ta ngủ say, say rượu, bất tỉnh hay hôn mê.

Rối loạn thần kinh thực vật (Autonomic Nervous System Disorders) là hiện tượng các quá trình tự động của cơ thể như nhịp tim, huyết áp, sự tiết mồ hôi hay chức năng cơ quan tiêu hóa... bị rối loạn. Tuy dạng rối loạn thần kinh này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhưng các triệu chứng cũng gây nhiều tác động tới sinh hoạt và cuộc sống.

Rối loạn thần kinh thực vật được xem là một trong những hậu quả của COVID-19 và có thể đã xuất hiện ngay trong quá trình điều trị. Sau đó, tình trạng rối loạn thần kinh này có thể kéo dài và diễn biến phức tạp trong vài tuần, thậm chí cả tháng sau khi người bệnh đã âm tính với virus SARS-CoV-2.

2. Nguyên nhân rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID

Theo các bác sĩ, hai vấn đề thường xảy ra khi nhiễm virus Corona là phản ứng viêm hệ thống và đông máu lan tỏa từ phổi ra khắp cơ thể. Hệ quả dẫn đến rối loạn hệ thần kinh thực vật. Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 ngoài tấn công vào phổi còn tác động đến chức năng của hệ thần kinh, ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền xung thần kinh, từ đó gây viêm và nhiều tổn thương khác nhau, trong đó bao gồm rối loạn thần kinh thực vật.

3. Biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID

Rối loạn thần kinh thực vật biểu hiện rất nhiều triệu chứng khác nhau:

  • Rối loạn chức năng tim mạch như nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, chỉ số huyết áp thay đổi (lúc cao, lúc thấp), hạ huyết áp tư thế đứng hay hoa mắt, chóng mặt... Khi được thăm khám và thực hiện cận lâm sàng như siêu âm tim hay đo điện tim thì các chỉ số lại hoàn toàn bình thường. Khi đó có thể xem đây là rối loạn thần kinh thực vật thể hiện ở hệ tim mạch;
  • Rối loạn tiêu hóa: Khô miệng hay ngược lại là tiết nước bọt quá nhiều, rối loạn co thắt thực quản, tăng tiết dịch acid dạ dày gây trào ngược dạ dày thực quản, ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn, đau tức thượng vị... Một số ít người lại bị rối loạn co thắt đại tràng, dễ tiêu chảy khi ăn đồ ăn lạ hoặc vừa đi ngoài xong, sau ăn lại muốn đi tiếp;
  • Thường xuyên có cảm giác lo lắng, bồn chồn, cảm xúc dễ thay đổi, hay xúc động hoặc rối loạn giấc ngủ. Một số F0 dù đã âm tính một thời gian than phiền "dễ bị xúc động không đáng có";
  • Biểu hiện thiếu máu lên não, như đau nặng đầu, choáng váng, cảm giác bồng bềnh khi di chuyển, đặc biệt là chứng suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung;
  • Luôn mệt mỏi, chân tay yếu khi vận động, thậm chí luôn cảm giác tay chân bủn rủn thoáng qua. Những biểu hiện này xuất phát từ việc rối loạn đường huyết và điện giải, một trong những tác động của hệ thần kinh thực vật;
  • Chi lạnh nhưng lại hay đổ mồ hôi trộm, nhiều trường hợp tăng đổ mồ hôi về đêm, ngủ dậy thấy ướt hết phần lưng và ngực;
  • Rối loạn chức năng hệ hô hấp như khó thở, thở hụt hơi, thở không sâu, cảm giác ngột ngạt ở nơi đông người... Nguyên nhân xuất phát từ việc hệ thần kinh tự động bị rối loạn dẫn đến rối loạn co thắt khí, phế quản và nhịp thở;
  • Phụ nữ có thể rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da xấu do thiếu hoặc rối loạn nội tiết tố nữ. Chu kỳ kinh nguyệt thể thay đổi dài, ngắn hoặc có thể mất kinh vài tháng.

4. Rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID điều trị thế nào?

Một số biện pháp can thiệp phù hợp cho người bị rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID:

  • Thay đổi chế độ vận động như tăng cường tập luyện thể dục, thể thao đều đặn sẽ hỗ trợ người bệnh có giấc ngủ ngon hơn, hạn chế được căng thẳng, mệt mỏi. Chế độ tập luyện của người bệnh cần phải đều đặn, mỗi ngày thực hiện khoảng 15 - 30 phút với các bài tập từ đơn giản đến nâng cao như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội, yoga...
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế thịt đỏ, tăng cường bổ sung nhiều rau quả tươi, đặc biệt là những loại rau có màu xanh, vàng, đỏ đậm, bổ sung thêm cá giàu các axit béo không no sẽ hỗ trợ hệ thần kinh thực vật hồi phục tốt hơn;
  • Sử dụng các loại thuốc hỗ trợ thần kinh như viên vitamin tổng hợp, acid béo omega-3, kẽm, vitamin D hoặc các thuốc bổ não, tăng cường tuần hoàn não;
  • Thở oxy cao áp: Người bệnh được đưa vào một buồng oxy tinh khiết có áp suất cao hơn 1.5 đến 2 lần so với bình thường. Phương pháp này giúp oxy phân phối tốt hơn đến các mô, cơ quan của cơ thể;
  • Liệu pháp tâm lý có thể mang đến cảm giác dễ chịu như vẽ tranh, nghe nhạc, làm ườn, nấu ăn...

Rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID nếu được điều trị tốt có thể cải thiện ổn định sau khoảng 3-4 tuần. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng bệnh trở lên nghiêm trọng và có bất thường thì người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị, tránh để các di chứng hậu COVID ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Biến chứng hậu COVID-19 tồn tại ở mỗi người khác nhau, thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Bệnh nhân khi thăm khám sớm có thể kịp thời phát hiện và điều trị di chứng do SARS-CoV-2 gây ra, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan