Sử dụng thuốc trong điều trị tiêu chảy hậu COVID-19

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Tấn Phúc - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Tiêu chảy không thường gặp của những người mắc COVID-19 và sau đó. Tuy nhiên, khi mắc tình trạng này có thể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và khiến người bệnh mệt mỏi lo lắng. Việc sử dụng thuốc phù hợp điều trị tiêu chảy hậu COVID-19 có thể kiểm soát triệu chứng và phục hồi sức khỏe.

1. Tiêu chảy hậu COVID-19 là do đâu?

Khi mắc COVID, chỉ một số ít bệnh nhân gặp vấn đề về rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy. Tình trạng này có thể hết sau vài ngày hoặc kéo dài nhiều ngày tới nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Đôi khi các triệu chứng tiêu chảy có thể xuất hiện sau một thời gian âm tính mà không tìm thấy do các nguyên nhân khác. Khi hậu COVID bị tiêu chảy, bạn có thể xuất hiện đi ngoài trên 3 lần mỗi ngày, phân lỏng và kèm theo đau bụng, mệt mỏi.

Nguyên nhân gây hậu COVID-19 bị tiêu chảy bao gồm:

  • Đào thải vi sinh vật gây bệnh: Vì virus có thể tới đường tiêu hoá và gây ra nhiều bất lợi tại đường tiêu hoá, nên cơ thể đáp ứng lại bằng việc đi ngoài nhiều lần để đào thải virus gây bệnh ra ngoài. Nhiều bệnh nhân virus vẫn xuất hiện ở đường tiêu hoá mặc dù đã test dịch mũi họng âm tính. Điều này cũng là nguyên nhân làm cho bạn bị tiêu chảy kéo dài sau khi đã khỏi bệnh.
  • Khi virus xâm nhập vào cơ thể thì có sự tương tác trực tiếp giữa protein S của virus và men chuyển angiotensin 2 (ACE2) trên thụ thể tế bào niêm mạc đường tiêu hoá. ACE2 đóng một vai trò chính trong việc vận chuyển axit amin ở biểu mô ruột, có vai trò trong việc duy trì hàng rào ruột và cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Khi giảm lượng ACE2 làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của ruột đối với một số axit amin trong chế độ ăn uống, giảm miễn dịch tại ruột với tác nhân gây bệnh khác và mất cân bằng hệ vi sinh dẫn tới tiêu chảy.
  • Sử dụng kháng sinh không đúng: Khi chỉ nhiễm COVID-19 thì không cần sử dụng kháng sinh. Vì đây là bệnh do virus gây ra, nên kháng sinh không mang lại hiệu quả, chỉ dùng khi có bội nhiễm vi khuẩn. Việc dùng kháng sinh khiến cho hệ vi sinh đường ruột bị ảnh hưởng và có nhiều người dùng nhiều ngày khiến tác dụng phụ này càng nghiêm trọng. Từ đó bị tiêu chảy trong và sau COVID-19.
  • Do nồng độ chất serotonin tăng: Chất serotonin (đây là chất dẫn truyền thần kinh) trong huyết tương bệnh nhân COVID-19 bị tiêu chảy có nồng độ cao - Đây là yếu tố gây tiêu chảy.
  • Tăng men gan dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá chưa thể phục hồi ngay sau khi khỏi bệnh, vì vậy mà sau khi âm tính các biểu hiện bệnh vẫn kéo dài. Tuy nhiên, đôi khi tiêu chảy xuất hiện có thể do các nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng...nên nếu nó kéo dài

2. Cách điều trị tiêu chảy hậu COVID-19

Tiêu chảy hậu COVID-19 thường khiến cơ thể mất nước từ nhẹ tới nặng, nếu mất nước nặng có thể gây ra nguy hiểm. Đặc biệt là với trẻ em thì bệnh có thể diễn biến nhanh nên nếu đi ngoài nhiều lần, đi ngoài toàn nước, có dấu hiệu mất nước như mắt trũng, môi khô, vật vã kích thích, hôn mê, tiểu ít, nhịp nhanh, nôn nhiều không uống được nước, sốt. Lúc này, cần thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế để được bù dịch đúng.

2.1 Cách chăm sóc khi bị tiêu chảy hậu Covid

Bù nước và điện giải

Mất nước và điện giải do tiêu chảy có thể khiến cho bạn gặp nguy hiểm nếu không bù đủ. Bạn nên dùng oresol để có thể bù lại lượng nước và điện giải đã mất. Trong oresol có chứa các thành phần như glucose, kali clorid, natri citrat giúp cung cấp điện giải mất qua việc tiêu chảy. Khi dùng oresol bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Khi sử dụng, cần hòa tan bột thuốc trong lượng nước theo hướng dẫn ghi trên nhãn của từng loại chế phẩm. Ví dụ loại pha với 1 lít nước thì bạn cần pha đúng với 1 lít nước.
  • Uống theo nhu cầu và mức độ mất nước.
  • Chỉ dùng dung dịch sau khi pha trong 24 giờ.
  • Với trẻ nhỏ cần cho uống ít một, uống chậm và nhiều lần để tránh trẻ nôn.

Chế độ ăn uống

Cung cấp một chế độ ăn uống phù hợp giúp cho người bệnh vừa đủ dinh dưỡng lại giúp cho niêm mạc đường tiêu hoá nhanh phục hồi hơn.

  • Khi bị tiêu chảy, người bệnh nên ăn những thực phẩm giàu tinh bột như gạo, khoai tây, bánh mì...; Thực phẩm chứa các chất lợi khuẩn như sữa chua, sữa đậu nành, sữa không có lactose; các loại trái cây và củ như chuối, táo, cà rốt...nên ăn những thức ăn chứa nhiều kẽm như thịt gà, các loại hạt...
  • Thức ăn nên nấu ở dạng mềm, dạng lỏng nhiều nước như cháo, súp... Khi đỡ hơn có thể ăn đặc hơn. Ăn uống đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
  • Nên tránh những loại rau có tính nhuận tràng như rau cải, rau ngót, trái cây khô, thức ăn ngọt quá hay chua quá, tránh đồ uống như rượu, cà phê. Tránh thức ăn sống, đồ uống chưa chín kỹ, nước chưa sôi.

Chế độ sinh hoạt

Nên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường sống.

2.2 Thuốc giảm tiêu chảy hậu COVID-19

Thuốc điều trị có thể dùng trong các trường hợp xác định tiêu chảy không do nguyên nhân vi sinh khác. Khi dùng thuốc cần dùng dưới chỉ định của bác sĩ, một số loại thuốc trị tiêu chảy hậu covid bao gồm:

  • Men vi sinh: Có thể dùng để giúp cung cấp lợi khuẩn đường ruột, giảm rối loạn tiêu hoá.
  • Kẽm: Việc bổ sung kẽm giúp cho đường ruột nhanh hồi phục hơn. Tuy nhiên, bạn nên bổ sung qua đường ăn uống, khi cần thiết mới dùng các chế phẩm.
  • Loperamid: Thuốc thuộc nhóm opiat, có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ co thắt ở hậu môn. Loperamid còn có tác dụng làm tăng thời gian vận chuyển thức ăn qua ruột và giảm khối lượng phân. Không dùng thuốc nếu như bạn bị mẫn cảm với bất cứ thành phần nào có trong thuốc, bị tổn thương gan, trẻ dưới 6 tuổi và hội chứng lỵ. Thuốc cần dùng dưới chỉ định của bác sĩ. Khi sử dụng quá liều loperamid có thể dẫn đến liệt ruột và ức chế hệ thần kinh trung ương, gây co cứng bụng, táo bón...
  • Diphenoxylate: Thuốc có tác dụng giúp giảm số lượng và tần suất đại tiện. Diphenoxylate tương tự như một loại thuốc giảm đau, nhưng nó lại hoạt động chủ yếu để làm chậm nhu động ruột. Thuốc này không được sử dụng để điều trị tiêu chảy do nguyên nhân nhiễm trùng và trẻ em dưới 13 tuổi không được dùng thuốc dạng viên nén.
  • Spasmaverine: Đây là thuốc giảm co thắt cơ trơn, tác dụng trực tiếp lên cơ trơn (tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục) mà không tác động lên cơ trơn của mạch máu, tim hay phế quản. Thuốc chống chỉ định với các bệnh nhân liệt ruột, tắc ruột, phụ nữ đang có thai và cho con bú.

3. Lưu ý khi bị tiêu chảy hậu COVID-19

Khi bị tiêu chảy hậu COVID-19, chỉ dùng các thuốc cầm tiêu chảy khi có chỉ định. Bởi vì cần xác định nguyên nhân không do vi sinh vật mới nên sử dụng, tránh giữ vi sinh vật gây bệnh trong cơ thể.

Chỉ dùng kháng sinh khi có dấu hiệu tiêu chảy do nhiễm trùng, thường kèm theo sốt, môi khô, lưỡi bẩn, phân có mùi hôi nhiều. Tránh việc tự ý dùng khi chưa cần thiết có thể khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn.

Đối với các trường hợp tiêu chảy kèm sốt, đau quặn bụng từng cơn, mót rặn, đi ngoài phân lỏng có lẫn nhầy máu, nôn mửa nhiều hoặc tiêu chảy nhiều lần khoảng 20-50 lần/ngày, phân toàn nước như nước vo gạo cần nhập viện ngay . Tránh biến chứng mất nước có thể gây tử vong nhanh chóng.

Biến chứng hậu COVID-19 ở mỗi người khác nhau nhưng có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Bệnh nhân khi thăm khám sớm có thể kịp thời phát hiện và điều trị di chứng do SARS-CoV-2 gây ra, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan