Tiếp xúc với F0 đã khỏi bệnh có sao không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hiện nay mỗi ngày có hàng nghìn ca bệnh COVID-19 mới và cũng có hàng nghìn người được công bố khỏi bệnh. Một câu hỏi cũng được nhiều người quan tâm đó là tiếp xúc với F0 đã khỏi bệnh có sao không?

1. Tiếp xúc với F0 đã khỏi bệnh có sao không?

Các chuyên gia khẳng định tiếp xúc với F0 đã khỏi bệnh sẽ không bị lây bệnh. Bởi F0 muốn được ra viện phải có đủ tiêu chuẩn an toàn như sau:

Thời gian cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ít nhất là 5 ngày, các triệu chứng lâm sàng đỡ, giảm nhiều, hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt) trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên và:

Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30, bất kỳ gen đặc hiệu nào) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2, người bệnh được ra viện.

Nếu kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 với nồng độ vi rút cao (Ct < 30, bất kỳ gen đặc hiệu nào) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên còn dương tính với vi rút SARS-CoV-2 thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm).

Người bệnh sau khi ra viện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38oC ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Tuân thủ thông điệp 5K.

Như vậy, F0 đã khỏi bệnh là người an toàn ngay khi ra viện. Tuy nhiên nếu bạn tiếp xúc gần trong điều kiện cả hai đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m thì khả năng bạn bị lây nhiễm cực thấp hoặc không có.

Theo một nghiên cứu của Mỹ, F0 đã khỏi bệnh là an toàn nhất vì họ không mắc bệnh nên cũng không lây cho ai. Trong cơ thể họ cũng đã có đủ kháng thể tự nhiên sau khi mắc bệnh nên họ an toàn ít nhất từ 08 - 11 tháng.

Vì vậy, mọi người không nên có tư tưởng kỳ thị, xa lánh người từng là F0. Chính vì thái độ kỳ thị F0 đã khiến cho một số người tự test COVID-19 tại nhà, khi bị dương tính không dám khai báo, do sợ mọi người biết nên họ tự mua thuốc về uống. Việc làm này không những gây nguy hiểm đến tính mạng mà còn trở thành là nguồn lây cho gia đình mình và cho xã hội.

Đối với người từng là F0, không cần phải lo lắng chuyện mình mang bệnh về lây cho người thân trong gia đình, người chưa bị bệnh. Tuy nhiên, trong sinh hoạt hàng ngày, bạn vẫn phải chú ý việc rửa tay thường xuyên, đặc biệt là khi trong nhà có người chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19. Bởi vì khả năng bàn tay bạn đã tiếp xúc với môi trường bên ngoài, rồi vô tình mang những giọt bắn có chứa vi rút dính trên tay về tận nhà.

2. F0 khỏi bệnh tái nhiễm hay không?

Tái nhiễm vi rút gây bệnh COVID-19 có nghĩa là một người đã bị bệnh (đã từng là F0), được điều trị khỏi bệnh và sau đó bị nhiễm lại. Sau khi khỏi COVID-19, hầu hết các bệnh nhân sẽ có một số biện pháp bảo vệ để khỏi bị tái nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tái nhiễm sau khi mắc COVID-19 vẫn xảy ra. Cho nên ngay cả những người F0 khỏi bệnh vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh để không bị tái nhiễm trở lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan