Virus Corona gây dịch ở Vũ Hán có thực sự quá đáng sợ?

Bài viết được dịch, tổng hợp bởi TS Nguyễn Xuân Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Y học tái tạo Vinmec (VIASRM)

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính cho tới thời điểm hiện tại (ngày 05/02/2020), Virus Corona mới gây dịch tại Vũ Hán (2019-nCoV) đã lây nhiễm cho 24.597 người và gây tử vong cho 493 người (1). Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Nhiều nước đã tuyên bố các biện pháp phòng dịch khác nhau, từ đóng cửa biên giới tới đóng cửa chuyến bay, hạn chế du lịch tới và từ vùng dịch...

Các biện pháp phòng dịch của chính phủ và khuyến cáo của các tổ chức y tế đang tỏ ra là hữu hiệu và cần thiết. Vậy ở góc độ cộng đồng, chúng ta có nên quá hoảng loạn và sợ hãi? Liệu 2019-nCoV có thật sự quá nguy hiểm? Bài viết này cung cấp một số thông tin về độc lực của 2019-nCoV và tính nguy hiểm thực sự của virus này đối với cộng đồng.

Hình ảnh virus corona chủng mới 2019 (2019-nCoV)
Hình ảnh virus corona (2019-nCoV)

Số ca tử vong cao chủ yếu do quá tải hệ thống y tế tại Vũ Hán

Theo thống kê của đại học Johns Hopkins, cho tới thời điểm hiện tại (5/2/2020) ngoài tỉnh Hồ Bắc nơi có tâm dịch là thành phố Vũ Hán thì chưa tỉnh nào (trong và ngoài Trung Quốc) có trên 2 người chết vì 2019-nCoV (1). Đáng chú ý là những tỉnh có trên 500 ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc cũng chưa nơi nào có quá 2 ca tử vong (Bảng 1). Số ca tử vong cao tại Vũ Hán rất có thể là do hệ thống y tế bị quá tải (2) khi cùng lúc có hàng ngàn người bệnh cần điều trị và hàng ngàn người khác tới khám. Nói cách khác, khi hệ thống y tế không bị quá tải và người nhiễm không bị các loại bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch hay là người cao tuổi thì nguy cơ tử vong không cao.

Ở Việt Nam, đến 5/2/2020 có 10 ca xác nhận nhiễm virus Corona. Con số này rất có thể sẽ còn tăng nhưng mặc dù như vậy thì mức độ phổ biến trong cộng đồng chưa cao. Để so sánh, 11 tháng đầu năm 2019 Việt Nam ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm thông thường với 10 ca tử vong (8). Với các biện pháp kịp thời và hiệu quả của các cơ quan chức năng và nhận thức tốt của cộng đồng hiện tại, nguy cơ do 2019-nCoV mang lại là không quá lo ngại.

Bảng 1. Số ca nhiễm và tử vong tính đến ngày 4/2/2020 tại các tỉnh có trên 500 ca nhiễm tại Trung Quốc

500 ca nhiễm tại Trung Quốc

Một số người chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng khi nhiễm 2019-nCoV

Cho tới nay, hầu hết mọi người chỉ chú trọng vào các thông tin về các ca tử vong và bệnh nặng, tuy nhiên một số người tại Nhật Bản (3) và Trung Quốc (4) bị nhiễm 2019-nCoV mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tức là có những người nhiễm virus này mà không làm sao cả. Ngoài ra 4 ca nhiễm virus này ở Đức chỉ có triệu chứng cảm nhẹ (5). Điều này cho thấy hệ miễn dịch của chúng ta có khả năng chống lại virus này. Thực vậy, nghiên cứu mới đây tìm thấy kháng thể kháng 2019-nCoV trong huyết thanh của bệnh nhân bị nhiễm (6). Như vậy việc duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ có vai trò rất lớn đối với việc giảm nguy cơ khi nhiễm các bệnh truyền nhiễm nói chung và 2019-nCoV nói riêng.

Phòng tránh corona
Khuyến cáo phòng ngừa lây nhiễm 2019-nCoV

Điều trị và phòng ngừa nhiễm 2019-nCoV

Hiện tại cộng đồng y tế đang làm việc tích cực với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất nhằm tìm kiếm các loại thuốc đặc hiệu và vaccine phòng chống 2019-nCoV. Tuy cho tới nay chưa có kết quả, đã có một số dấu hiệu tích cực.

Một điều đáng chú ý là ít người để ý đến con số 927 người nhiễm 2019-nCoV đã khỏi bệnh (1), gấp 1,88 lần số ca tử vong và tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy các biện pháp điều trị đang trở nên có hiệu quả hơn. Tại Việt Nam hiện tại cũng đã có 2 ca được điều trị khỏi bệnh và chưa có ca nào tử vong. Mới đây Thái Lan đã công bố biện pháp điều trị của họ dùng tổ hợp thuốc chống cúm và HIV của Thái giúp bệnh nhân đang dương tính thành âm tính với 2019-nCoV trong 48h (7). Tổng số 8 bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV ở Thái đã khỏi bệnh và xuất viện. Nghiên cứu mới cũng cho thấy 2019-nCoV có hệ gen giống 79,5% so với SARS và cách thức xâm nhiễm vào tế bào người của 2 loại virus này giống nhau (6). Như vậy các loại thuốc đã được phát triển hoặc nghiên cứu sử dụng để điều trị SARS rất có thể có hiệu quả với 2019-nCoV.

Ngoài thuốc điều trị, vaccine phòng chống 2019-nCoV cũng đang được tích cực nghiên cứu. Mới đây nhất, hãng công nghệ sinh học Gilead, nơi tạo ra thuốc điều trị HIV và viêm gan C, đã hợp tác với Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản để thử nghiệm một loại thuốc chống 2019-nCoV có tên là remdesivir trên người bệnh ở Vũ Hán (9). Ngoài ra nhiều hãng dược khác cũng đang nghiên cứu sản xuất vaccine dựa trên trình tự gen của 2019-nCoV đã công bố. Việc sản xuất thành công và kịp thời vaccine sẽ giúp kiểm soát dịch 2019-nCoV một cách triệt để.

Tóm lại, số ca nhiễm 2019-nCoV được điều trị khỏi đang ngày càng tăng, vượt quá số ca tử vong. Các biện pháp kiểm soát và phòng dịch kịp thời từ các cơ quan chức năng, và nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng khoa học trong việc nghiên cứu thuốc và vaccine đặc hiệu sẽ kiểm soát tốt dịch 2019-nCoV. Từ phía cộng đồng, thái độ bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn từ cơ quan chức năng và nâng cao sức khoẻ và kiến thức phòng chống dịch bệnh nói chung, 2019-CoV nói riêng, sẽ có tác dụng không chỉ với đợt dịch này mà còn với sức khoẻ lâu dài của mỗi người.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

NGUỒN THAM KHẢO:

  1. https://gisanddata.maps.arcgis.com/apps/opsdashboard/index.html?fbclid=IwAR1S9_EFXW8MS2r3CRDiCFmuUsWZCvE0RLvdOpTRxtxBPX8Wyy5YWrwHaUw#/bda7594740fd40299423467b48e9ecf6
  2. https://www.chinadaily.com.cn/a/202001/30/WS5e321687a310128217273a60.html
  3. Infection without symptoms in Japan: https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/20200130_37/
  4. Infection without symptoms in China: https://www.statnews.com/2020/01/24/coronavirus-infections-no-symptoms-lancet-studies/
  5. https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMc2001468?query=featured_home
  6. https://www.nature.com/articles/s41586-020-2012-7
  7. https://www.japantimes.co.jp/news/2020/02/03/asia-pacific/science-health-asia-pacific/thailand-sees-apparent-success-treating-virus-drug-cocktail/#.XjgrphcxW-4
  8. https://moh.gov.vn/thong-cao-bao-chi/-/asset_publisher/kp1jYbzNp2X6/content/thong-tin-bao-chi-chu-ong-phong-chong-benh-cum-mua
  9. https://fortune.com/2020/02/03/coronavirus-vaccine-testing-in-china/?utm_medium=social&utm_campaign=fortunemagazine&utm_source=facebook.com&xid=soc_socialflow_facebook_FORTUNE

34.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan