WHO xem xét biện pháp “phòng ngừa lây nhiễm qua không khí” đối với nhân viên y tế sau nghiên cứu cho thấy coronavirus có thể tồn tại trong không khí

Bài dịch bởi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Y học tái tạo Vinmec (VIASRM) và tham vấn chuyên môn với Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Phương Thúy - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

WHO đang xem xét các biện pháp “phòng ngừa lây nhiễm qua không khí” đối với nhân viên y tế sau một nghiên cứu mới cho thấy coronavirus có thể tồn tại trong không khí ở một số điều kiện. Coronavirus có thể lơ lửng trong không khí tùy thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ và độ ẩm, chuyên gia WHO cho biết.

1. Coronavirus có thể tồn tại trong không khí

Tổ chức Y tế Thế giới đang xem xét các biện pháp “phòng ngừa lây nhiễm qua không khí” đối với nhân viên y tế, sau một nghiên cứu mới cho thấy coronavirus có thể tồn tại trong không khí ở một số điều kiện.

Virus này lây truyền qua các giọt bắn chủ yếu tạo khi hắt hơi hoặc ho, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia WHO, nói với phóng viên trong cuộc họp báo trực tuyến hôm thứ Hai. “Quy trình khí dung trong cơ sở y tế có thể tạo ra các hạt khí dung, nghĩa là những giọt nhỏ có khả năng tồn tại trong không khí lâu hơn một chút.”

Maria nói thêm: “Nhân viên y tế phải thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa khi chăm sóc bệnh nhân và thực hiện quy trình tạo khí dung.”

Chuyên gia của tổ chức y tế thế giới cho biết, bệnh hô hấp lây lan qua tiếp xúc giữa người với người, những giọt nhỏ tạo ra khi hắt hơi và ho mang theo vi trùng sẽ bắn ra và nằm lại trên bề mặt vật dụng. Coronavirus có thể bay vào không khí, lơ lửng trên không khi gặp nhiệt độ và độ ẩm thích hợp.

2019-nCoV lây nhiễm qua đường giọt bắn
Virus corona chủng mới lây truyền qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi

Kerkhove cho biết một số nghiên cứu đã xem xét các điều kiện môi trường khác nhau cho phép COVID-19 tồn tại. Các nhà khoa học đang chú trọng vào tác động của độ ẩm, nhiệt độ và tia cực tím đối với khả năng nhiễm bệnh, cũng như thời gian tồn tại của virus trên các bề mặt khác nhau, bao gồm cả bề mặt thép.

2. Biện pháp “phòng ngừa lây nhiễm qua không khí” đối với nhân viên y tế

Những thông tin này liên tục được cập nhật để đảm bảo mức độ phù hợp trong hướng dẫn của WHO và “cho đến nay, chúng tôi tin rằng hướng dẫn hiện hành vẫn phù hợp”, cô nói thêm. Chuyên gia khuyến cáo nhân viên y tế nên đeo khẩu trang N95 vì loại khẩu trang này có khả năng loại bỏ 95% giọt bắn hoặc hạt nhỏ trong không khí.

Cô nói: “Trong các cơ sở y tế, chúng tôi muốn đảm bảo rằng nhân viên y tế sử dụng các biện pháp phòng ngừa hạt bắn tiêu chuẩn, trừ khi họ thực hiện quy trình tạo khí dung”. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi thực hiện quy trình này.

Robert Redfield, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, nói với Quốc hội vào tháng trước rằng cơ quan này đang khẩn trương đánh giá thời gian tồn tại của COVID-19, đặc biệt là trên các bề mặt.

Redfield nói :”COVID-19 có khả năng tồn tại trên đồng và thép lên tới 2 giờ”. “Nhưng thời gian tồn tại sẽ cao hơn trên các bề mặt khác như bìa carton hoặc nhựa, và chúng tôi đang xem xét điều này.”

Redfield bổ sung thêm là lây nhiễm qua bề mặt, thay vì qua không khí, có thể góp phần bùng phát dịch trên tàu du lịch Diamond Princess.

Khẩu trang 3M N95
WHO khuyến cáo nhân viên y tế nên đeo khẩu trang N95 vì loại khẩu trang này có khả năng loại bỏ 95% giọt bắn hoặc hạt nhỏ trong không khí.

Trong một sự kiện khác, Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết hôm thứ Hai rằng số ca nhiễm COVID-19 đã gia tăng nhanh chóng trong tuần qua, thêm vào đó, “chúng tôi chưa thấy các biện pháp thiết yếu nhất như xét nghiệm, cách ly và theo dấu tiếp xúc được thực hiện đủ khẩn trương.”

Chúng tôi có một thông điệp đơn giản cho tất cả các quốc gia: xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm. Xét nghiệm mọi trường hợp nghi ngờ, nếu dương tính hãy cách ly người bị nhiễm, tìm ra và xét nghiệm những người đã tiếp xúc với ca nhiễm trong vòng 2 ngày trước khi ca dương tính xuất hiện triệu chứng,” Tedros nói.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: Cnbc.com

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan