Trạng thái “bình thường mới” trong Y tế

Bài viết bởi Bác sĩ Lê Thị Thanh Thủy - Bác sĩ Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tương tự các ngành nghề khác, đại dịch COVID-19 đã buộc ngành y tế đối mặt với những thách thức to lớn. Trong bối cảnh khủng hoảng, ngành y tế bắt buộc phải chuyển sang trạng thái “bình thường mới” để để đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn, hiệu quả và kiểm soát bệnh dịch tốt.

1. Trạng thái “bình thường mới” là gì?

Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007-2008, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ từ năm 2007 và bùng phát mạnh vào cuối năm 2008, bao gồm sự đổ vỡ hàng loạt của hệ thống ngân hàng, tình trạng hạn chế tín dụng, sụt giá chứng khoán, mất giá tiền tệ quy mô lớn tại Mỹ và nhiều nước Châu Âu. Năm 2010, các chuyên gia thế giới không trông đợi tình hình sẽ hồi phục bình thường mà chuyển biến sang một trạng thái mới, khác lạ hơn. Họ gọi đó là “New normal”, tức “Bình thường mới”.

Năm 2020, đại dịch COVID -19 xảy ra toàn cầu, tạo nên cuộc khủng hoảng đa chiều, tác động đến nhiều ngành nghề khác nhau, cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của con người. Từ đó, thuật ngữ trạng thái “bình thường mới” cũng được sử dụng rộng rãi để nói đến một thứ bất thường nhưng lại trở nên bình thường sau đó.

Virus corona trên bề mặt vải
Năm 2020, đại dịch COVID -19 xảy ra toàn cầu, tạo nên cuộc khủng hoảng đa chiều

2. Ngành y tế cần chuyển sang trạng thái “bình thường mới” như thế nào?

Tương tự các ngành nghề khác, đại dịch COVID-19 đã buộc ngành y tế đối mặt với những thách thức to lớn. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã phải trải qua tình trạng thiếu vật tư y tế, phương tiện phòng hộ y tế và sự đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng, ngành y tế bắt buộc phải chuyển sang trạng thái “bình thường mới” để để đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn, hiệu quả và kiểm soát bệnh dịch tốt.

2.1 Tốc độ nghiên cứu, sản xuất y tế

Sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 với tốc độ lây lan mạnh mẽ ở 215 quốc gia và cướp đi sinh mạng của hơn 900 nghìn người đã khiến các phòng xét nghiệm và công ty y tế đẩy mạnh tốc độ nghiên cứu, sản xuất thiết bị y tế, vắc-xin phòng bệnh. Một trong những thách thức lớn nhất mà y tế toàn cầu phải đối mặt với đại dịch COVID-19 là cứu được nhiều người bệnh nhất. Trong đó, máy thở là thiết bị y tế tối cần thiết để cứu sống những người bệnh đã ở giai đoạn bị virus tấn công, tàn phá nghiêm trọng nhu mô phổi. Tình trạng thiếu máy thở còn đặc biệt nghiêm trọng hơn tại những nước có hệ thống y tế hạn hẹp. Các nhà sản xuất máy thở đã phải tăng sản lượng ngay cả khi đại dịch COVID-19 cắt đứt nhiều mắt xích vận chuyển cũng như nguồn cung các linh kiện thiết yếu như ống thở, van, động cơ và bảng mạch điện tử.

Các hãng sản xuất ô tô như BAE Systems, General Motors, Ford và 7 đội đua xe Công thức 1 cũng tham gia gấp rút sản xuất máy thở. Với tốc độ thần tốc, sau hơn 3 tuần công bố kế hoạch sản xuất máy thở phục vụ điều trị Covid 19, ngày 28/4/2020, Tập đoàn Vingroup đã hoàn tất và đưa ra thị trường hai mẫu máy thở xâm nhập có tỷ lệ nội địa hóa cao: VFS-410 và VFS-510.

Tại London, dịch vụ Y tế Quốc gia đã chuyển đổi Trung tâm Hội nghị Excel đồ sộ thành một đơn vị chăm sóc đặc biệt với 2.900 giường - được đổi tên thành Bệnh viện Nightingale London - nơi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên chỉ 18 ngày sau khi bắt đầu lập kế hoạch cho trung tâm mới này. Trong vòng vài tuần sau khi bệnh COVID-19 xảy ra, Trung tâm bệnh dịch Hoa Kỳ đã đưa ra các hướng dẫn chăm sóc lâm sàng chi tiết. Các hướng dẫn chính thức trước đây sẽ mất vài tháng hoặc vài năm. Trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế Việt Nam cũng đưa ra các hướng dẫn phòng dịch nhanh chóng và cập nhật cho các cơ sở y tế áp dụng thống nhất.

Các nghiên cứu sản xuất kit chẩn đoán và vắc-xin phòng Covid-19 cũng đang được các phòng xét nghiệm đẩy nhanh tốc độ. Trong đó, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup) vừa phát triển thành công 02 bộ Kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (VinKit), đạt chất lượng tương đương các sinh phẩm chẩn đoán theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

2.2 Khám chữa bệnh từ xa

Trước đây, người bệnh sẵn sàng và chấp nhận thụ động các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bắt buộc phải gặp nhân viên y tế trực tiếp. Ngày nay, người dân không coi bác sĩ là nguồn tri thức duy nhất nữa. Họ đã trở thành khách hàng lựa chọn dịch vụ y tế quan trọng và tự tin. Cùng với tác động của dịch bệnh Covid-19, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa triển khai một cách nhanh chóng và lựa chọn ưu tiên đối với khách hàng mắc bệnh mạn tính.

Telemedine
Cùng với tác động của dịch bệnh Covid-19, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa triển khai một cách nhanh chóng

2.3 Ứng dụng trí tuệ nhân tạo

AI (Artificial Intelligence) là một công nghệ máy tính đang phát triển nhanh chóng đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế để cải thiện trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc lâm sàng. Trung Quốc đã sử dụng AI để dự đoán nguy cơ bệnh trở nặng ở những bệnh nhân mắc Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình can thiệp và điều trị sớm đối với bệnh nhân. Mỹ cũng công bố giải pháp mới để xác định các trường hợp mắc Covid-19 là sự kết hợp giữa hình ảnh chụp CT và các dữ liệu y tế khác gồm triệu chứng, độ tuổi, mẫu máu và vết tiếp xúc của đối tượng chẩn đoán. Tháng 8/2020, Công ty VinBrain (Tập đoàn Vingroup) đã trao trặng và chuyển giao phần mềm AI đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ chẩn đoán các bất thường dựa trên phim X quang phổi, đặc biệt là khả năng phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến bệnh Covid-19. Các chuyên gia cho rằng, sau đại dịch Covid-19, AI trong y tế sẽ tăng tốc, nhất là với những quốc gia đang nghiên cứu sản xuất vắc xin, áp dụng AI sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm vắc-xin và thuốc điều trị.

2.4 Bảo vệ nhân viên y tế

Trong dịch bệnh SARS, MERS và Ebola, nhân viên y tế là đối tượng nguy cơ cao bị phơi nhiễm trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh. Với đại dịch COVID-19, mối đe dọa với nhân viên y tế càng tăng do quy mô của dịch bệnh và tình trạng thiếu phương tiện phòng hộ. Tỷ lệ nhân viên y tế phơi nhiễm/mắc bệnh Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh cho Chính phủ và các nhà quản lý. Nếu không có một lực lượng nhân viên lành mạnh và an toàn về thể chất và tâm lý, thì không thể có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt. Vì vậy, việc bảo vệ nhân viên y tế là một trong ưu tiên hàng đầu trong trạng thái “bình thường mới” của ngành y tế.

Vinmec Times City tại Hà Nội nghiêm túc tuân thủ thực hiện sàng lọc với 100% khách hàng, đối tác và cán bộ, nhân viên y tế
Việc bảo vệ nhân viên y tế là một trong ưu tiên hàng đầu trong trạng thái “bình thường mới” của ngành y tế

Chuyển đổi nhanh chóng sang trạng thái “bình thường mới” sẽ giúp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiếp tục duy trì hoạt động an toàn và ngày càng tiến xa hơn với kỹ thuật khoa học.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: beckershospitalreview.com, jamanetwork.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

559 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan