Điểm mặt các nguyên nhân phổ biến gây đau bụng kinh

Đau bụng kinh là một triệu chứng phổ biến xảy ra ở phụ nữ khi đến kỳ hành kinh. Tùy cơ địa từng người, người sẽ bị đau nhẹ, người lại bị đau bụng kinh dữ dội, thậm chí là ngất xỉu.

1. Tìm hiểu về chu kỳ kinh nguyệt

Kinh nguyệt là hiện tượng tự nhiên xảy ra có tính chất định kỳ hàng tháng khi cơ thể chuẩn bị cho việc thụ thai. Hiện tượng này sẽ diễn ra mỗi tháng một lần ở phụ nữ ở trong độ tuổi sinh sản. Ở giai đoạn đầu của chu kỳ, tử cung hình thành một lớp niêm mạc mô máu để chuẩn bị cho trứng từ buồng trứng.

Nếu trứng này được thụ tinh sẽ phát triển thành thai nhi. Còn nếu quá trình thụ tinh không xảy ra thì lớp niêm mạc mô máu này sẽ bong ra và được tử cung co bóp đẩy ra qua đường âm đạo.

Hầu hết phụ nữ khi đến ngày hành kinh đều bị đau bụng. Đau bụng kinh thường bắt đầu trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt. Các cơn đau thường kéo dài trong khoảng từ 2 -3 ngày, ngày đầu tiên bao giờ cũng đau nhất. Các cơn đau này thường ở bụng dưới kèm theo đau mỏi lưng, đùi.

Có người sẽ chỉ bị đau âm ỉ không đáng lo ngại, nhưng có những người có thể bị đau bụng kinh dữ dội, chân tay bị lạnh, thậm chí là đau quằn quại dẫn đến hôn mê.

2. Tại sao bị đau bụng kinh?

Vòng tránh thai chữ T
Đặt vòng tránh thai có thể là nguyên nhân đau bụng kinh

Đau bụng kinh do nhiều nguyên nhân gây ra:

  • Có thể do sự co thắt quá mạnh của cơ trong tử cung để đẩy máu kinh đi ra ngoài.
  • Một số phụ nữ có cổ tử cung hẹp khiến máu kinh khó đi ra ngoài cũng là nguyên nhân gây đau bụng kinh.
  • Do dị tật bẩm sinh ở tử cung như tử cung ngả sau hoặc ngả trước gây ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu kinh gây đau bụng kinh.
  • Do di truyền từ mẹ sang con, nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết các mẹ bị đau bụng kinh thì khi sinh con, con gái đều sẽ bị đau khi đến ngày hành kinh.
  • Do đặt vòng tránh thai.
  • Do chế độ ăn uống không khoa học trong những ngày hành kinh như ăn đồ cay nóng, ăn đồ lạnh, bụng không được giữ ấm...
  • Do nội tiết tố thay đổi như: Gia tăng bất thường progesterone và prostaglandin trong máu tác động đến tử cung.
  • Đau bụng kinh có thể do một số bệnh phụ khoa gây ra như lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, u nang cơ tử cung... đây cũng là nguyên nhân chính gây ra những cơn đau bụng kinh dữ dội.
  • Do vận động quá mạnh trong ngày hành kinh.

3. Làm gì để giảm đau bụng kinh hiệu quả?

Đau
Chườm ấm bụng và nằm thư giãn là một cách giảm đau bụng kinh hiệu quả

Có thể áp dụng một số cách đơn giản sau đây để giảm đau bụng kinh, sẽ rất hiệu quả đấy:

  • Chườm ấm bụng: Có thể dùng túi giữ nhiệt hoặc cho nước ấm vào chai rồi chườm nhẹ nhàng ở vùng bụng dưới. Đây được coi là phương pháp hiệu quả nhất trong việc giảm đau bụng kinh.
  • Massage bụng: Nếu bạn bị đau bụng âm ỉ, đau nhẹ thì có thể dùng phương pháp này. Hãy đặt tay lên bụng dưới và tiến hành massage nhẹ nhàng theo hình vòng tròn. Cách làm này vừa giúp giảm co thắt đột đột ngột của tử cung lại vừa giảm đau bụng kinh hiệu quả.
  • Vệ sinh sạch sẽ trong những ngà hành kinh, hãy tắm bằng nước ấm vào những ngày nhạy cảm này. Không nên tắm nước lạnh. Đặc biệt là không quan hệ tình dục vào những ngày hành kinh này nhé.
  • Không làm nặng quá sức hoặc vận động quá mạnh: Những ngày hành kinh bạn không nên làm việc quá sức, không nên chơi các môn thể thao vận động quá mạnh. Bạn nên nghỉ ngơi và có các hoạt động nhẹ nhàng, vừa sức.
  • Giữ ấm cơ thể: Việc giữ ấm cơ thể sẽ giúp máu dễ được lưu thông hơn, các cơ được thư giãn, quá trình co bóp của tử cung cũng sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn, chắc chắn các cơn đau sẽ thuyên giảm.
  • Chế độ ăn uống khoa học: Bạn nên bổ sung các loại vitamin, chất khoáng có chứa nhiều canxi như trái cây, rau xanh, cá,.. Các cơn đau bụng kinh sẽ đến theo từng cơn, do vậy bạn cũng không nên để bụng quá đói hoặc ăn quá no nhé, như vậy cũng sẽ khiến bạn dễ đau bụng hơn đấy. Bạn cũng cần hạn chế ăn đồ cay nóng.
  • Uống thuốc giảm đau: Đây là phương pháp bất đắc dĩ bạn có thể áp dụng khi tất cả những phương pháp trên bạn đã thử mà không có tác dụng. Sở dĩ gọi là phương pháp bất đắc dĩ vì khi sử dụng nhiều thuốc giảm đau có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, hơn nữa chúng chỉ có tác dụng tức thời.
  • Nếu bị đau bụng kinh dữ dội trong thời gian dài, đau quằn quại dai dẳng thì hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp nhất nhé.

Khi đến ngày hành kinh hãy để đầu óc được thư giãn. Đồng thời, nên tập luyện thể dục thể thao đều đặn với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga. Điều này sẽ rất hữu ích trong việc làm tăng lưu lượng máu đến vùng lưng, xương chậu. Từ đó sẽ giúp giảm các cơn đau hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

287.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan