Ăn hạt mít có độc không?

Mít là một loại trái cây được tiêu thụ phổ biến tại nhiều nơi ở Châu Á. Đây là một loại quả nổi tiếng có hương vị thơm ngon, ngọt ngào và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngoài múi mít thì hạt mít cũng được sử dụng để làm nhiều món ăn. Vậy ăn hạt mít có tác dụng gì và chúng có độc hay không?

1. Thành phần dinh dưỡng của hạt mít

So với nhiều hạt loại trái cây nhiệt đới khác, hạt mít được xem là một loại hạt bổ dưỡng, chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm protein, tinh bột, khoáng chất và chất chống oxy hoá. Theo nghiên cứu cho thấy, trong khẩu phần hạt mít tương đương với 28 gram sẽ chứa:

  • Calo: 53
  • Carbs: 11 gram
  • Chất béo: 0 gram
  • Chất đạm: 2 gram
  • Chất xơ: 0,5 gram
  • Thiamine: 7% RDI (lượng tham chiều hàng ngày)
  • Magie: 5% RDI
  • Riboflavin: 8% RDI
  • Phốt pho: 4% RDI

Trong hạt mít có chứa một lượng lớn cả hai loại vitamin B, bao gồm riboflavin và thiamine. Cả hai loại vitamin này đều giúp cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể, đồng thời tham gia vào nhiều chức năng quan trọng khác. Ngoài ra, hạt mít cũng cung cấp một nguồn chất xơ và tinh bột kháng rất lớn.

Những chất này khi được tiêu thụ vào cơ thể sẽ trở thành nguồn thức ăn bổ dưỡng cho các vi khuẩn có lợi ở đường ruột (lợi khuẩn). Bên cạnh đó, chất xơ và tinh bột kháng cũng liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời khác, bao gồm giảm lượng đường trong máu, kiểm soát cơn đói, cải thiện tiêu hoá và độ nhạy insulin của cơ thể.

2. Ăn hạt mít có tác dụng gì?

Trong nền y học cổ truyền Trung Hoa thời xưa đã sử dụng hạt mít như một phương thuốc giúp hỗ trợ tình dục và điều trị các bệnh lý về đường tiêu hoá. Hiện nay, nhiều nghiên cứu cũng đã phát hiện thêm một số đặc tính hữu ích khác của loại hạt nhỏ bé này.

2.1.Tác dụng kháng khuẩn

Trong y học cổ truyền, hạt mít đôi khi được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của bệnh tiêu chảy. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn hạt mít có tác dụng kháng khuẩn rất hiệu quả. Trên bề mặt của loại hạt này được bao phủ bởi một lớp các hạt nhỏ li ti có công dụng như một chất kháng khuẩn, giúp chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn thông thường, chẳng hạn như E.coli. Nhờ vào tác dụng kháng khuẩn này, hạt mít đang trở thành một loại hạt tiềm năng, có thể được điều chế ra các chất giúp ngăn ngừa một số bệnh lây truyền qua đường thực phẩm.

Ăn hạt mít
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, hạt mít có tác dụng kháng khuẩn tốt

2.2.Có đặc tính chống ung thư

Một số nghiên cứu đã cho thấy, hạt mít có chứa các đặc tính chống ung thư do nồng độ các hợp chất thực vật và chất chống oxy hoá vô cùng phong phú trong chúng. Những chất chống oxy hóa lành mạnh trong hạt mít thường bao gồm flavonoid, phenol và sapoin. Các hợp chất này có tác dụng chống viêm, tăng cường hệ thống miễn dịch và thậm chí có khả năng sửa chữa được các tổn thương DNA một cách hiệu quả.

Trong một cuộc nghiên cứu trên ống nghiệm gần đây đã phát hiện ra rằng, việc sử dụng chiết xuất từ hạt mít có thể làm giảm thiểu đáng kể tới 61% nguy cơ hình thành nên các mạch máu ung thư. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này chỉ giới hạn trong các nghiên cứu ống nghiệm và trên thực vật, do đó chúng ta cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định chính xác xem liệu ăn hạt mít có thực sự chống lại bệnh ung thư ở người hay không?

2.3.Hỗ trợ các chức năng của hệ tiêu hoá

Như nhiều loại hạt khác, trong hạt mít cũng có chứa các loại chất xơ, bao gồm cả hoà tan và không hòa tan. Chất xơ khi được hấp thụ vào cơ thể không bị tiêu hoá sẽ giúp tăng cường các chức năng của nhu động ruột bằng cách bổ sung một lượng lớn chất xơ vào phân và làm cho kết cấu phân trở nên mềm hơn, từ đó tăng tần suất đại tiện của bạn. Mặt khác, chất xơ trong hạt mít còn được coi là một prebiotic, giúp nuôi dưỡng các loại lợi khuẩn sinh sống trong đường ruột. Những vi khuẩn có lợi này giúp hỗ trợ hệ tiêu hoá khoẻ mạnh và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, việc tăng cường bổ sung lượng chất xơ đến từ hạt mít có thể giúp bạn giảm tình trạng táo bón. Hơn nữa, loại hạt này cũng giúp bạn ngăn ngừa bệnh viêm ruột cũng như các triệu chứng của bệnh trĩ một cách hiệu quả.

2.4.Giảm mức cholesterol xấu

Hạt mít được nhiều người sử dụng rộng rãi nhằm giúp cải thiện mức độ cholesterol trong máu. Điều này là do trong hạt mít có một lượng lớn các chất xơ và các chất chống oxy hoá. Các chuyên gia cho biết, mức cholesterol xấu (LDL) tăng cao có liên quan đến các tình trạng như cao huyết áp, tiểu đường và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trái lại, mức cholesterol tốt cao trong cơ thể có tác dụng bảo vệ tim rất tuyệt vời.

Ăn hạt mít giảm cholesterol xấu
Chất xơ và chất chống oxy hóa trong hạt mít giúp giảm cholesterol xấu

3. Một số lo ngại về sức khỏe khi tiêu thụ hạt mít

Mặc dù, hạt mít có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, tuy nhiên việc tiêu thụ chúng vẫn tồn tại một số mối lo ngại tiềm ẩn.

3.1.Tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng cùng với một số loại thuốc

Những người đang sử dụng các loại thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu nên thận trọng khi tiêu thụ hạt mít. Chiết xuất hạt mít được cho là có khả năng làm chậm quá trình đông máu, thậm chí ngăn ngừa hình thành các cục máu đông ở người. Do đó, việc dùng chung hạt mít cùng với các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Dưới đây là một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, bao gồm:

3.2.Chứa chất kháng dinh dưỡng

Hạt mít dạng thô có chứa các chất dinh dưỡng tanin và chất ức chế trypsin, những chất này có thể làm cản trở sự hấp thụ và tiêu hoá các chất dinh dưỡng của cơ thể bạn.

Tannin là một loại polyphenol, thường xuất hiện nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Khi chúng liên kết với các khoáng chất, chẳng hạn như sắt và kẽm, sẽ tạo ra một khối không hoà tan, từ đó khiến cơ thể bạn gặp khó khăn trong việc hấp thụ các khoáng chất này.

Ngoài ra, chất ức chế trypsin là một loại protein, có chủ yếu trong các loại hạt như đậu nành, hạt mít và hạt đu đủ. Tương tự như tannin, loại chất ức chế này có thể làm cản trở quá trình tiêu hoá protein và thức ăn của cơ thể.

Với những lý do trên, các chuyên gia khuyến cáo rằng bạn không nên ăn hạt mít sống. Tốt nhất, trước khi sử dụng chúng, bạn nên rang hoặc luộc hạt mít, vì nhiệt độ cao có thể làm bất hoạt các chất phản dinh dưỡng như tannin và trypsin có trong loại hạt này.

Hạt mít là một loại thực phẩm bổ dưỡng. Theo đó, bạn có thể kết hợp hạt mít với nhiều món ăn khác nhau, chẳng hạn như:

  • Thêm hạt mít vào món salad
  • Xay hạt mít thành bột và sử dụng để làm bánh cũng như nấu ăn
  • Cho hạt mít vào sinh tố
  • Làm bơ hạt mít
  • Sử dụng hạt mít để làm món ăn nhẹ
Ăn hạt mít
Hạt mít sống chứa chất kháng dinh dưỡng

Hạt mít không nên ăn sống do chứa nhiều chất kháng dinh dưỡng. Do đó, hai phương pháp chế biến món hạt mít phổ biến nhất hiện nay là luộc và rang. Đối với phương pháp luộc, bạn cần luộc hạt mít trong một nồi nước lớn và đun trong khoảng 20 – 30 phút. Khi hạt mít đã chín mềm, bạn có thể vớt hạt ra và để ráo nước. Nếu bạn thích ăn món hạt mít rang, bạn có thể cho hạt mít vào lò nướng ở nhiệt độ 400 ° F (205 ° C) và nướng trong vòng 20 phút hoặc cho đến khi chúng chuyển thành màu vàng nâu bắt mắt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan