Chế độ dinh dưỡng sau khi tán sỏi thận

Chế độ ăn sau khi tán sỏi thận được nhiều bệnh nhân quan tâm. Vậy ăn gì sau khi tán sỏi thận để nhanh chóng hồi phục sức khỏe, đạt hiệu quả điều trị, và tránh tái phát sỏi? Câu trả lời sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây.

1. Ý nghĩa của chế độ ăn sau khi tán sỏi thận

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân sau khi tán sỏi thận. Các chất dinh dưỡng thiết yếu sẽ giúp làm lành tổn thương niêm mạc đường tiết niệu xảy ra khi tán sỏi, hỗ trợ đào thải mảnh sỏi, nhân sỏi nhỏ, cặn máu,... ra khỏi cơ thể qua đường tiểu.

Một số thức ăn có thể tác động không tốt đến bệnh nhân sau khi tán sỏi, do đó cần tuân thủ chế độ ăn uống mà bác sĩ tư vấn, cần lưu ý những thực phẩm không nên ăn để hạn chế tối đa các vấn đề bất thường, các biến chứng có thể xảy ra ở giai đoạn này.

2. Ăn gì sau khi tán sỏi thận?

Nhiều bệnh nhân vẫn băn khoăn không biết tán sỏi thận xong nên ăn gì, bài viết sẽ đưa ra lời khuyên dinh dưỡng về chế độ ăn cho bệnh nhân sau khi tán sỏi.

2.1. Uống đủ nước

Nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cơ thể. Đối với bệnh nhân vừa được tán sỏi thận, nước giúp tăng cường bài tiết nước tiểu để đào thải cặn sỏi trong quá trình tán sỏi. Mặt khác, việc bổ sung đủ nước cho cơ thể làm hạn chế khả năng lắng đọng nước tiểu, ngăn cản các tinh thể trong nước tiểu kết tụ thành sỏi, từ đó giảm nguy cơ tái phát sỏi thận.

Mỗi ngày bệnh nhân cần bổ sung 2-3 lít nước, có thể từ nhiều nguồn khác nhau như: Nước lọc, nước đun sôi để nguội, nước trái cây, nước canh/ súp trong bữa ăn.

2.2. Bổ sung các loại trái cây

Trái cây nên được bổ sung vào thực đơn “tán sỏi thận nên ăn gì” của bệnh nhân, bởi chúng chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp tăng cường miễn dịch và nâng cao sức khỏe ở giai đoạn phục hồi

Các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, ổi, đu đủ, kiwi,... rất tốt cho bệnh nhân sau khi tán sỏi thận. Vitamin C có tác dụng chống oxy hóa mạnh, tăng cường miễn dịch và nâng cao sức khỏe, giúp người bệnh giảm cảm giác mệt mỏi, khó chịu sau các can thiệp ngoại khoa hay tán sỏi ngoài cơ thể.

Trái cây họ cam, quýt (Citrus) còn được chứng minh ngăn ngừa sự hình thành của sỏi thận do cung cấp citrat tự nhiên cho cơ thể, mà citrat lại cạnh tranh với oxalat để liên kết với calci, từ đó ngăn cản hình thành hợp chất calci oxalat và giảm tái phát sỏi thận.

2.3. Thực phẩm giàu vitamin A, D, B6

Vitamin D giúp cho việc hấp thụ và chuyển hóa calci tốt hơn, ngăn cản sỏi thận tái phát. Các loại thực phẩm giàu vitamin D có thể kể đến như: Sữa, lòng đỏ trứng gà, hải sản,...

Các loại hạt, gạo nguyên cám hay trái cây giàu vitamin B6 có thể giảm khả năng hình thành oxalat - một trong những “nguyên liệu” tạo sỏi thận.

Còn vitamin A thì có tác dụng điều hòa bài tiết nước tiểu, từ đó hạn chế hình thành sỏi tiết niệu. Vitamin A có nhiều trong các loại rau, củ, quả như: gấc, rau diếp cá, khoai lang, cà rốt,...

2.4. Thực phẩm lợi tiểu

Các loại thực phẩm có tác dụng lợi tiểu như: cần tây, củ cải đường, rau cải, cam, chanh, nước râu ngô hay nước ngô non luộc, nước đậu đen,... giúp bệnh nhân bài xuất các nhân sỏi, mảnh sỏi vụn, cặn máu,... ra khỏi cơ thể qua đường tiểu.

2.5. Thực phẩm giàu chất xơ

Các thực phẩm giàu chất xơ như: Rau xanh, cần tây, ớt chuông,... giúp hỗ trợ tiêu hóa, và góp phần hạn chế sự phát triển của sỏi.

3. Chế độ ăn sau khi tán sỏi thận nên kiêng gì?

3.1. Hạn chế muối sau tán sỏi thận

Ăn nhiều muối gây tích tụ oxalate, là tiền đề hình thành sỏi thận và có thể làm nặng thêm tình trạng suy thận. Sau tán sỏi chỉ nên ăn tối đa 3 gam muối mỗi ngày.

3.2. Hạn chế đường

Cần hạn chế các loại thực phẩm ngọt như bánh kẹo, sôcôla,... sau khi tán sỏi, do đường sucrose và fructose làm tăng nguy cơ sỏi thận và các bệnh lý khác như đái tháo đường. Đặc biệt, ăn nhiều socola còn làm tăng gốc oxalate và tích tụ sỏi.

3.3. Hạn chế thực phẩm giàu oxalat

Bệnh nhân sau tán sỏi cũng nên hạn chế ăn nhiều thực phẩm giàu oxalat như: cải bó xôi, socola,... vì nguy cơ tái phát sỏi.

3.4. Hạn chế lượng đạm

Đạm rất cần thiết cho cơ thể, giúp phục hồi năng lượng sau các phẫu thuật, can thiệp. Tuy nhiên, bệnh nhân sau khi tán sỏi không nên lạm dụng các thực phẩm giàu đạm, việc tiêu thụ đạm quá nhiều có thể gây tích tụ acid uric trong máu, hình thành muối urat tích tụ tại thận và tăng nguy cơ tạo sỏi.

3.5. Tránh ăn thức ăn cứng, cay nóng

Thức ăn cay, nóng hay các loại thực phẩm khó tiêu có thể khiến bệnh nhân táo bón. Do đó cần tránh các loại thực phẩm này sau khi tán sỏi để lưu thông tiêu hoá được dễ dàng hơn.

3.6. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ

Việc tiêu thụ nhiều dầu mỡ có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, do đó bệnh nhân mới tán sỏi xong cần hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ như món chiên, rán hay các loại thức ăn nhanh. Thay vào đó nên ưu tiên cách chế biến hấp, luộc thay vì chiên, xào.

3.7. Hạn chế thức uống có cồn

Bệnh nhân sau khi tán sỏi không được sử dụng rượu bia, thức uống có cồn hay các chất kích thích vì sẽ khiến thận làm việc liên tục để thải độc.

Tóm lại, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân sau khi tán sỏi thận. Một số thức ăn có thể tác động không tốt đến bệnh nhân sau khi tán sỏi, do đó cần tuân thủ chế độ ăn uống mà bác sĩ tư vấn, lưu ý những thực phẩm không nên ăn để hạn chế tối đa các vấn đề bất thường, các biến chứng có thể xảy ra ở giai đoạn này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan