Tất cả những gì bạn cần biết về thực phẩm giàu lưu huỳnh

Lưu huỳnh là một trong những nguyên tố chính trong bầu khí quyển, trở thành một phần không thể thiếu của nhiều loại thực phẩm. Thực phẩm giàu lưu huỳnh có tác dụng gì với sức khỏe?

1. Lưu huỳnh là gì?

Lưu huỳnh, canxi và phốt pho là ba loại khoáng chất phong phú nhất trong cơ thể con người. Lưu huỳnh đóng vai trò quan trọng trong các chức năng quan trọng của cơ thể như là:

  • Tạo ra protein
  • Điều chỉnh biểu hiện gen
  • Xây dựng và sửa chữa ADN
  • Giúp cơ thể chúng ta chuyển hóa thức ăn
  • Lưu huỳnh cũng rất cần thiết để tạo ra và tái chế glutathione - một trong những chất chống oxy hóa chính của cơ thể giúp giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương tế bào do quá trình oxy hóa gây ra.
  • Giúp duy trì tính toàn vẹn của các mô liên kết như da, gân và dây chằng.

Nhiều loại thực phẩm và đồ uống ngay cả nước từ một số nguồn gốc tự nhiên cũng có chứa lưu huỳnh. Một số loại thuốc và chất bổ sung, bao gồm một số loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc khớp cũng chứa lưu huỳnh ở mức độ khác nhau.

2. Các loại đồ uống và thực phẩm giàu lưu huỳnh

Dinh dưỡng trong yến mạch
Yến mạch là một trong số những loại ngũ cốc chứa nhiều lưu huỳnh

Khoáng chất lưu huỳnh được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, các loại thực phẩm giàu lưu huỳnh phải kể đến như:

  • Thịt gia súc, gia cầm: Đặc biệt là thịt bò, giăm bông, thịt gà, thịt gà tây, thịt vịt và các loại nội tạng như tim, gan,...
  • Cá và hải sản: Hầu hết các loại cá, cũng như tôm, sò điệp, trai đều là những loại thức ăn giàu lưu huỳnh.
  • Các loại đậu: Đặc biệt là đậu nành, đậu đen, đậu thận, đậu Hà Lan và đậu trắng chứa hàm lượng lưu huỳnh cao.
  • Các loại hạt: Đặc biệt là hạnh nhân, đậu phộng, quả óc chó, hạt bí ngô và vừng chứa nhiều lưu huỳnh.
  • Trứng và sữa: toàn bộ các loại trứng, phô mai và sữa bò có chứa hàm lượng lưu huỳnh cao.
  • Trái cây sấy khô: Đặc biệt là đào khô, mơ và quả sung cũng là những thực phẩm giàu lưu huỳnh.
  • Một số loại rau: Đặc biệt là măng tây, bông cải xanh, bắp cải đỏ, cải Brussels, tỏi tây, hành tây, củ cải, cải xoong.
  • Một số loại ngũ cốc: Đặc biệt là lúa mạch ngọc trai, yến mạch, lúa mì và bột làm từ những loại ngũ cốc này đều giàu lưu huỳnh.
  • Một số loại đồ uống: Đặc biệt là bia, rượu táo, rượu vang, nước cốt dừa, nước ép nho và cà chua có chứa nhiều lưu huỳnh.
  • Gia vị như: Mù tạt, marmite, bột cà ri và gừng xay có chứa hàm lượng lưu huỳnh cao.

Nước uống cũng có thể chứa một lượng lưu huỳnh đáng kể tùy thuộc vào từng vùng, nơi bạn sinh sống. Điều này có thể đặc biệt đúng nếu bạn lấy nước từ dưới giếng.

Ngoài ra, sulfites là một chất bảo quản thực phẩm có nguồn gốc từ lưu huỳnh thường được sử dụng trong quá trình đóng gói thực phẩm như mứt, dưa chua, trái cây sấy khô để kéo dài thời gian sử dụng. Sulfites cũng có thể phát triển tự nhiên trong thực phẩm và đồ uống lên men như bia, rượu vang và rượu táo.

Rượu vang
Lưu huỳnh cũng phát triển trong những đồ uống lên men như bia, rượu vang, rượu táo

3. Lưu huỳnh có tác dụng gì với sức khỏe?

3.1. Thực phẩm giàu lưu huỳnh có lợi cho sức khỏe

Lưu huỳnh đóng vai trò quan trọng trong biểu hiện gen và duy trì tính toàn vẹn của các mô cơ thể. Khoáng chất này cũng giúp chuyển hóa thức ăn và bảo vệ cơ thể bạn khỏi viêm và stress oxy hóa. Ngoài ra, thực phẩm giàu lưu huỳnh thường có chứa nhiều chất dinh dưỡng khác và các hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe. Nếu bạn cắt giảm những loại thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn của bạn có thể khiến cho việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của bạn trở nên khó khăn hơn.

Đặc biệt là một số thực phẩm giàu lưu huỳnh như tỏi và các loại rau họ cải còn có thể bảo vệ chống loại các bệnh như bệnh tiểu đường type 2, bệnh timbệnh ung thư, cũng như tình trạng mất chức năng não liên quan đến tuổi tác.

Tuy nhiên việc sử dụng các loại thực phẩm giàu lưu huỳnh vào trong thực đơn hàng ngày cần phải được tính toán cân đối. Bởi việc nhận quá nhiều lưu huỳnh có thể gây ra một số tác dụng không tốt cho sức khỏe.

3.2. Những tác dụng không tốt có thể gặp khi có quá nhiều lưu huỳnh

Mặc dù bạn có thể đã tuân theo một chế độ ăn uống có đủ lượng lưu huỳnh rất quan trọng đối với sức khỏe, nhưng việc đưa quá nhiều chất khoáng này vào cơ thể có thể gây ra một số tác dụng không tốt như:

  • Bệnh tiêu chảy: Uống nước có chứa hàm lượng lưu huỳnh cao có thể gây ra phân lỏng và tiêu chảy. Khi có quá nhiều khoáng chất này trong nước uống của bạn cũng có thể mang lại cho nó một hương vị khó chịu và có mùi giống như trứng thối. Mặt khác, cho đến hiện tại chúng ta không có bằng chứng mạnh mẽ nào cho thấy ăn một lượng lớn thực phẩm giàu lưu huỳnh sẽ có tác dụng nhuận tràng.
  • Viêm ruột: Một chế độ ăn giàu lưu huỳnh có thể làm nặng thêm các triệu chứng ở những người bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn. Đây là hai bệnh viêm ruột gây ra tình trạng viêm mãn tính và loét ở ruột. Nghiên cứu mới cho thấy thực phẩm giàu lưu huỳnh có thể giúp một loại vi khuẩn khử sulfate (SRB) phát triển mạnh trong ruột của bạn. Những vi khuẩn này giải phóng ra sulfide, một hợp chất được cho là phá vỡ hàng rào ruột và gây tổn thương, viêm. Tuy nhiên không phải tất cả các loại thực phẩm giàu lưu huỳnh đều có thể có tác dụng tương tự. Chẳng hạn như trong khi chế độ ăn giàu lưu huỳnh từ thực phẩm có nguồn gốc động vật và ít chất xơ có thể làm tăng mức vi khuẩn khử sulfate, thì một loại rau chứa hàm lượng lưu huỳnh cao lại có tác dụng ngược lại. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác ngoài hàm lượng lưu huỳnh trong thực phẩm có thể gây ảnh hưởng đến sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột. Chính vì vậy chúng ta vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận một cách chính xác.
viêm dạ dày ruột người lớn
Bạn có thể bị viêm ruột nếu sử dụng quá nhiều lưu huỳnh

3.3. Một số người nhạy cảm với sulfites - một chất bảo quản có nguồn gốc từ lưu huỳnh

Trước đây, có một số người nói rằng họ cảm thấy tốt hơn khi thực hiện chế độ ăn ít lưu huỳnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện tại bị hạn chế về không dung nạp lưu huỳnh. Các nghiên cứu đang tập trung vào tác dụng phụ của sulfites - một chất bảo quản có nguồn gốc từ lưu huỳnh được thêm vào một số loại đồ uống có cồn và thực phẩm đóng gói để ngăn ngừa hư hỏng và kéo dài thời gian sử dụng.

Có khoảng 1% những người sử dụng những thực phẩm này nhạy cảm với sulfite và có các triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, sưng, buồn nôn hoặc các triệu chứng giống hen suyễn khi tiếp xúc với thực phẩm giàu sulfites. Trong một số trường hợp có thể gây co giật hoặc sốc phản vệ. Những người nhạy cảm với sulfites nên tránh những thực phẩm có chứa chất này. Tuy nhiên, hiện tại có rất ít bằng chứng cho thấy những người này cũng có được cần phải hạn chế thực phẩm giàu lưu huỳnh. Nếu bạn là người nhạy cảm với sulfite, hãy đảm bảo kiểm tra nhãn mác thực phẩm và tránh các thành phần như: natri sulfit, natri bisulfit, natri metabisulfite, sulfur dioxide, kali bisulfite và kali metabisulfite.

Tóm lại lưu huỳnh là một khoáng chất liên quan đến nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể bạn, bao gồm cả việc tạo và sửa chữa ADN. Chính vì vậy ăn đủ thực phẩm giàu lưu huỳnh là điều cần thiết cho sức khỏe của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.4K

Dịch vụ từ Vinmec