Giảm rủi ro dị tật bẩm sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa.

Dị tật bẩm sinh là nỗi muộn phiền của các cặp vợ chồng muốn có con vì nó gây ra các hậu quả hết sức nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh trong những năm đầu đời. Vậy làm thế nào để giảm rủi ro dị tật bẩm sinh khi mang thai? Bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích cũng như cách phòng ngừa hiệu quả dị tật bẩm sinh.

1. Dị tật bẩm sinh là gì?

Dị tật bẩm sinh là sự bất thường của cấu trúc hoặc chức năng (ví dụ như rối loạn chuyển hóa) ở thai nhi và có thể được xác định trước khi sinh, lúc mới sinh hoặc sau này trong cuộc sống. Một số dị tật bẩm sinh có thể được nhìn thấy ngay sau khi em bé được sinh ra, chẳng hạn như bàn chân khoèo hoặc có thêm ngón tay, ngón chân phụ.

2. Nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh?

Một số dị tật bẩm sinh là do yếu tố di truyền, nó có thể truyền từ cha mẹ sang con cái. Ngoài ra, nếu người mẹ sử dụng các loại thuốc không có chỉ định của bác sĩ, hoặc tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp dị tật bẩm sinh không xác định được rõ nguyên nhân gây ra.

3. Những yếu tố làm tăng nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh?

Hầu hết phụ nữ mang thai đều có nguy cơ sinh con mắc dị tật bẩm sinh. Dưới đây là những yếu tố làm tăng mức độ rủi ro:

  • Phụ nữ nhiều tuổi (trên 35 tuổi)
  • Có tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị dị tật bẩm sinh
  • Đã có một đứa con bị dị tật bẩm sinh
  • Sử dụng một số loại thuốc không có chỉ định của bác sĩ trong khi mang thai
  • Gặp các tình trạng sức khỏe như đái tháo đường hoặc béo phì
  • Sử dụng chất kích thích như ma túy, rượu, hoặc thuốc lá khi mang thai.

4. Các cách giảm nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh trước khi mang thai

khám sức khỏe tiền hôn nhâ
Khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Để làm giảm nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh, người mẹ có thể làm theo những điều sau đây:

  • Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân và tiền mang thai để xác định tình trạng sức khỏe của các cặp vợ chồng.
  • Uống vitamin tổng hợp hàng ngày trước và trong khi mang thai.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Không tùy tiện dùng thuốc trong quá trình mang thai mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Đảm bảo môi trường an toàn, tránh các yếu tố độc hại.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh: không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, hay các loại thực phẩm không an toàn.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng.

5. Tại sao nên dùng vitamin tổng hợp trước và trong khi mang thai?

Các loại vitamin
Mẹ bầu nên bổ sung nhiều loại vitamin để giúp thai nhi khỏe mạnh

Các bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ các loại vitamin tổng hợp như vitamin A, C, D, axit folic và các khoáng chất như sắt trước và trong khi mang thai để giúp cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Uống 400 microgam axit folic mỗi ngày trong ít nhất 1 tháng trước và trong khi mang thai giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh (những khiếm khuyết của não và cột sống ở thai nhi).

  • Lưu ý về việc dùng thuốc khi mang thai

Một vài loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh, vì vậy việc sử dụng thuốc khi mang thai cần được bác sĩ cân nhắc, đánh giá ảnh hưởng của thuốc tới thai nhi. Bạn nên kiểm tra mức độ an toàn trước khi sử dụng các loại thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau, thuốc nhuận tràng, thuốc cảm cúm hoặc dị ứng, các loại vitamin, hoặc các sản phẩm thảo dược và điều trị da.

  • Ảnh hưởng của bệnh béo phì tới thai kỳ

Phụ nữ béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên, khi mang thai thường có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh cao hơn so với phụ nữ có cân nặng bình thường. Các dị tật bẩm sinh liên quan đến béo phì phổ biến nhất là dị tật ống thần kinh, khuyết tật tim và hở vòm miệng. Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai, cách để ngăn ngừa các vấn đề gây ra bởi béo phì là duy trì cân nặng ở mức phù hợp trước khi bạn mang thai.

  • Vì sao không nên uống rượu khi mang thai?

Rượu có thể làm cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi và gây ra dị tật bẩm sinh. Nếu mẹ bầu uống rượu khi mang thai, thai nhi có thể bị mắc các khuyết tật về thể chất, trí tuệ, hành vi và học tập. Những vấn đề này gây ra những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của trẻ. Tốt nhất không nên uống rượu trong thai kỳ, hoặc nếu bạn bị “nghiện” rượu, hãy cố gắng cai để đảm bảo thai nhi được phát triển toàn diện.

  • Ảnh hưởng của các loại thuốc bất hợp phát tới thai kỳ

Sử dụng các loại thuốc như heroin, cocaine, methamphetamine và thuốc theo toa được sử dụng vì lý do phi y học trong thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh và sảy thai. Trong những tuần cuối của thai kỳ, các loại thuốc bất hợp pháp có thể cản trở sự phát triển của thai nhi, gây ra tình trạng sinh non và tử vong thai nhi.

Nếu mẹ bầu sử dụng cần sa trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu và cân nặng bất thường khi sinh ra. Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng cần sa để không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.

6. Ảnh hưởng của các bệnh nhiễm trùng tới thai kỳ

Một số bệnh nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và các vấn đề khác khi mang thai:

  • Rubella (sởi Đức) là một bệnh nhiễm virus thường gây phát ban và sốt nhẹ. Bị rubella khi mang thai có thể gây sảy thai hoặc dẫn đến điếc, thiểu năng trí tuệ, dị tật tim và mù ở trẻ sơ sinh. Mặc dù đã có vắc-xin chống lại rubella, nhưng nó không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai. Nếu bạn chưa mắc bệnh hoặc đã được tiêm phòng, bạn nên chủng ngừa rubella ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.
  • Toxoplasmosis là một bệnh gây ra bởi một loại ký sinh trùng sống trong đất. Bạn có thể bị nhiễm bệnh do ăn thịt sống hoặc nấu chưa chín, rau chưa rửa sạch hoặc tiếp xúc với phân động vật như chó, mèo. Toxoplasmosis có thể gây dị tật bẩm sinh, bao gồm mất thính giác, các vấn đề về thị lực và thiểu năng trí tuệ.
  • Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Bạn nên điều trị STI trước khi có thai.
  • Cytomegalovirus (CMV) là một bệnh nhiễm virus phổ biến. Hầu hết các nhiễm trùng CMV không gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Trong một số ít trường hợp, nhiễm trùng có thể gây ra thiểu năng trí tuệ, giảm thính lực và các vấn đề về thị lực. CMV có thể lây lan qua tiếp xúc với nước tiểu trẻ em bị nhiễm bệnh hoặc các chất dịch cơ thể khác.

Một số biện pháp phòng ngừa dị tật bẩm sinh: Một vài biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ mang thai bao gồm:

  • Hạn chế tiếp xúc với thủy ngân bằng cách không ăn cá mập, cá kiếm, cá thu hoặc cá ngói.
  • Tránh tiếp xúc với chì. Chì thường có trong sơn, vật liệu xây dựng, đồ trang sức và đồ gốm.
  • Hạn chế sử dụng vitamin A vì hàm lượng vitamin A quá cao có thể gây ra các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Bạn nên tiêu thụ không quá 10.000 IU mỗi ngày.

Xét nghiệm NIPT là phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn hiệu quả đang được các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tư vấn với các mẹ bầu, giúp phát hiện các bất thường về số lượng và cấu trúc nhiễm sắc thể của thai trong thai kỳ. Nhờ phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn dựa trên xét nghiệm ADN của thai nhi trong máu mẹ, các bác sĩ có thể phát hiện được dị tật thai nhi từ khi mới được 9 tuần tuổi thay vì phải đợi tới 12 tuần tuổi như trước đây, đồng thời làm giảm nguy cơ sảy thai so với phương pháp chọc ối thông thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn Acog

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan