Hen suyễn dễ tái đi tái lại, đặc biệt lúc giao mùa

Hen suyễn là bệnh lý mạn tính có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời khi lên cơn hen. Người bệnh không nên chủ quan với căn bệnh này, kể cả khi đã được chữa khỏi vì hen suyễn dễ tái đi tái lại, đặc biệt lúc giao mùa.

1. Vì sao bệnh hen suyễn tái phát?

Bệnh hen suyễn có thể tái đi tái lại nhiều lần nếu bệnh nhân không điều trị dứt điểm và không có sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ. Đặc biệt là ở nước ta hiện nay khi môi trường ngày càng ô nhiễm, tỷ lệ tử vong do hen suyễn đang không ngừng gia tăng.

Các triệu chứng của hen suyễn mà người bệnh rất dễ nhận biết như:

  • Ho
  • Khó thở
  • Thở khò khè
  • Nặng ngực...

Bệnh có thể bắt nguồn do yếu tố môi trường hoặc di truyền. Hen suyễn khiến người bệnh khó thở, ảnh hưởng đáng kể tới công việc và cuộc sống, hạn chế các hoạt động của người bệnh.

Hen suyễn rất nguy hiểm, có thể gây đột tử do bệnh diễn biến rất nhanh. Người bệnh khi lên cơn hen không thể hít đủ không khí để cung cấp oxy cho cơ thể. Nếu không có thuốc cắt cơn hen hoặc không được bác sĩ can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến thiếu oxy lên não, hôn mê, mất ý thức. Trong vài phút, người bệnh có thể tử vong.

Một số nguyên nhân khiến hen suyễn tái phát gồm:

1.1. Lạm dụng thuốc kháng sinh khi điều trị hen

Ở Việt Nam hiện nay, người dân có thể tự ý mua thuốc kháng sinh mà không cần bác sĩ kê đơn hay thăm khám. Nhiều người chỉ thấy các dấu hiệu ho, thở khò khè đã tự ý mua kháng sinh về sử dụng. Việc lạm dụng kháng sinh xảy ra rất phổ biến ở bệnh nhân hen suyễn.

Thực tế, thuốc kháng sinh không có tác dụng với đa số các thể hen. Lạm dụng thuốc kháng sinh không những không hiệu quả mà còn khiến bệnh nhân thêm mệt mỏi, giảm sức đề kháng, rối loạn tiêu hóa, thiếu chất... Thậm chí, một số loại thuốc kháng sinh còn có thể dẫn đến các cơn hen cấp tính. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc kháng sinh khi có các dấu hiệu bội nhiễm để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Khi dùng kháng sinh phải chú ý uống đủ liều và đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý ngưng dùng thuốc.

hen-suyen-de-tai-di-tai-lai-dac-biet-luc-giao-mua-1
Lạm dụng thuốc kháng sinh

1.2. Chỉ sử dụng thuốc cắt cơn hen không không điều trị dự phòng

Nhiều người bị hen suyễn thường chủ quan, không điều trị mà chỉ sử dụng thuốc cắt cơn hen khi lên cơn là xong. Điều này tưởng chừng đơn giản, hiệu quả nhưng lại rất nguy hiểm. Sử dụng thuốc liên tục dễ gây nhờn thuốc. Thuốc có thể không còn tác dụng bất chợt khiến người bệnh bất ngờ, không kịp ứng phó. Vì vậy, người bệnh cần điều trị dự phòng để ngăn ngừa cơn hen tái phát, duy trì chức năng phổi.

1.3. Không hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng

Các chất gây dị ứng như: Bụi bặm, nấm mốc, nước hoa, phấn hoa, lông động vật, các chất hóa học... có thể là nguyên nhân khiến hen suyễn tái phát.

1.4. Sử dụng thuốc dự phòng hen phế quản không đúng chỉ dẫn

Việc sử dụng thuốc dự phòng hen phế quản không theo hướng dẫn của bác sĩ, tự ý ngưng thuốc khi thấy bệnh đã thuyên giảm có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn, trở nên nhờn thuốc.

Thuốc dự phòng hen phế quản giúp duy trì hoạt động của phổi, ổn định tình trạng hô hấp, ngăn ngừa cơn hen tái phát. Do đó, kể cả khi tình trạng bệnh đã cải thiện, bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc đầy đủ và đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ. Thậm chí, nhiều trường hợp cần phải dùng thuốc cả đời. Chỉ ngừng sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

1.5. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Nhiều bệnh nhân vì có chế độ ăn uống không hợp lý dẫn đến tình trạng hen suyễn ngày càng nặng hơn.

  • Người bệnh hen suyễn cần lưu ý trong chế độ ăn uống bao gồm:
  • Ăn nhạt, hạn chế lượng muối dưới 6g/ngày
  • Hạn chế các thực phẩm dễ gây đầy bụng như: dưa muối, rau cải ngâm dấm, đồ uống có ga...
  • Ăn nhiều các loại rau, củ quả, đặc biệt các loại chứa vitamin C
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu beta caroten như: bí đỏ, đu đủ, gác, cà rốt, khoai lang, rau ngót, ớt chuông vàng...
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin E như: các loại đậu, các loại hạt...
  • Ăn nhiều hành tây, tỏi, nghệ, các loại ngũ cốc... giúp tăng sức đề kháng, tăng sức khỏe đường hô hấp
  • Cân đối dinh dưỡng hợp lý...

2. Làm gì khi cơn hen tái phát?

Người bệnh cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo khởi phát cơn hen như:

  • Người mệt mỏi
  • Ngứa, rát cổ họng
  • Nghẹt mũi
  • Chảy nước mũi
  • Ho
  • Thở khò khè
  • Thở nhanh, thở gấp
  • Khó thở
  • Nặng ngực, ngực căng tức như bị bó chặt
  • Thường xuyên lo lắng
  • Thức giấc ban đêm

Cách xử lý khi cơn hen suyễn tái phát:

  • Tránh xa các yếu tố khiến cơn hen tái phát (nếu có) như: nước hoa, lông động vật, khói thuốc, phấn hoa...
  • Giữ ấm cho cơ thể nếu khởi phát cơn hen do bị nhiễm lạnh
  • Dùng thuốc cắt cơn hen theo đúng mức độ của cơn hen
  • Nghỉ ngơi ít nhất 1 giờ hoặc cho đến khi cảm thấy dễ thở hơn
  • Nếu mức độ cơn hen nặng, ho và khò khè liên tục thì bệnh nhân tự xịt thuốc vào họng của mình khoảng 2- 4 lần, mỗi lần cách nhau 20 phút
  • Nếu tình trạng vẫn không cải thiện hoặc có các dấu hiệu nguy hiểm như: Co kéo cơ liên sườn, hõm ngực, môi tím, khó nói, khó đi lại... thì cần đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt
hen-suyen-de-tai-di-tai-lai-dac-biet-luc-giao-mua-2
Nghỉ ngơi điều độ nếu hen suyễn tái phát

3. Làm gì để ngăn ngừa cơn hen suyễn tái phát

Bệnh hen suyễn tái phát có thể do nhiều tác nhân dị ứng, đặc biệt là do yếu tố thay đổi thời tiết. Do đó, bệnh nhân hen suyễn cần phải chú ý giữ gìn sức khỏe, tăng sức đề kháng, giữ ấm cho cơ thể nhất là khi giao mùa hoặc thời tiết lạnh. Việc mắc các bệnh đường hô hấp cấp như: ho, cảm cúm... khiến phế quản co thắt rất dễ dẫn đến cơn hen.

Những người có cơ địa dễ dị ứng cần chú ý tránh tiếp xúc với các dị nguyên dễ gây dị ứng. Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang. Nếu môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với các chất dị ứng, hóa chất thì nên chuyển đổi nghề nghiệp để đảm bảo sức khỏe.

Người bệnh không nên hoạt động gắng sức, làm việc quá mức, lao động năng. Vận động mạnh sẽ khiến nhu cầu oxy của cơ thể tăng lên. Bệnh nhân sẽ phải thở nhanh để cung cấp đủ oxy cần thiết. Luồng khí đi vào phế quản nhanh và mạnh, ít được làm ấm dễ gây kích ứng tiểu phế quản dẫn đến cơn hen. Bảo vệ sức khỏe, nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ là phương pháp hiệu quả ngăn ngừa bệnh tái phát.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã có gói tầm soát hen cho những bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản. Gói tầm soát bệnh hen phế quản của Vinmec giúp:

  • Tầm soát phát hiện bệnh sớm để kịp thời kiểm soát và điều trị bệnh
  • Thực hiện khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh, đo chức năng hô hấp, khám tai mũi họng và sàng lọc hen phế quản.

Khi đăng ký Gói tầm soát hen phế quản, khách hàng sẽ được:

  • 01 lần khám có đặt hẹn trước với bác sĩ chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng
  • 01 lần thực hiện các xét nghiệm tầm soát:
  • Đo chức năng hô hấp
  • Đo FeNo
  • Nội soi tai mũi họng
  • Xét nghiệm dị nguyên

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City có đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ các phương tiện thiết bị hiện đại để chẩn đoán xác định bệnh và xếp giai đoạn trước điều trị một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt khi đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân không cần phải chờ đợi lâu, thời gian khám nhanh gọn và được đội ngũ cán bộ y tế giàu kinh nghiệm hướng dẫn kỹ càng việc sử dụng các các thuốc, các loại bình phun- xịt được thiết kế đặc biệt, hướng dẫn thay đổi lối sống một cách tích cực giúp bệnh nhân có thể dễ dàng tuân thủ quản lý điều trị bệnh hen phế quản của mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

14.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan