Hội chứng ruột kích thích lành tính nhưng khó trị dứt điểm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nhiều người thường điều trị hội chứng ruột kích thích tức thời để giảm nhẹ triệu chứng... Tuy nhiên, hội chứng ruột kích thích và cách chữa này chỉ điều trị được phần ngọn, không loại trừ tận gốc của bệnh nên các triệu chứng sẽ tiếp tục tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Đây cũng là một lý do khiến hội chứng đại tràng kích thích khó điều trị dứt điểm.

1. Vì sao hội chứng ruột kích thích khó trị dứt điểm?

Theo các bác sĩ, hội chứng ruột kích thích thường tái đi tái lại nhiều lần và khó điều trị dứt điểm. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho thực trạng này. Đó là:

1.1 Biểu hiện bệnh đa dạng, khó chẩn đoán chính xác

Khi mắc hội chứng đại tràng kích thích, người bệnh có triệu chứng nổi bật tại hệ tiêu hóa cùng nhiều cơ quan khác.

  • Các triệu chứng về tiêu hóa: bệnh nhân thường bị đau bụng vùng hạ vị và hố chậu trái, đôi khi có thể bị đau bên phải hoặc thượng vị, đau dọc theo khung đại tràng. Đau bụng thường liên quan đến đại tiện: Thay đổi số lần đại tiện, hình thái phân. Đôi khi cơn đau không rõ vị trí gây khó xác định nguyên nhân thực sự. Bên cạnh đó, người bệnh còn có triệu chứng chướng bụng, tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen lẫn với táo bón theo từng đợt. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có biểu hiện nóng ở vùng thượng vị, buồn nôn, ăn nhanh no,...
  • Các triệu chứng ở cơ quan khác: bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích còn có thể có những biểu hiện như đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, rối loạn vị giác, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, liệt dương ở nam, tiểu nhiều lần trong ngày, đau khi sinh hoạt tình dục, tiểu đêm, hồi hộp, đau ngực, nóng mặt, chóng mặt,...

Triệu chứng hội chứng ruột kích thích rất khác nhau giữa các bệnh nhân hay thậm chí trên một người bệnh cũng có triệu chứng không cố định ở từng thời điểm cụ thể. Bên cạnh đó, các phương pháp chẩn đoán như siêu âm bụng, chụp X-quang đại tràng, soi toàn bộ đại tràng, xét nghiệm phân,... đều không thấy có dấu hiệu bất thường. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào việc loại trừ các bệnh gây tổn thương thực sự ở hệ thống tiêu hóa . Cũng vì không chẩn đoán chính xác vấn đề mà người bệnh gặp phải nên sẽ không có phương án điều trị cụ thể được đưa ra. Đây là một nguyên nhân giải thích vì sao hội chứng ruột kích thích khó điều trị dứt điểm.

Biểu hiện hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích và cách chữa cần sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

1.2 Khó kiểm soát nguyên nhân gây bệnh

Các bác sĩ đề cập tới một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn tới hội chứng ruột kích thích như:

  • Yếu tố tâm lý: người bị lo âu, căng thẳng, mất ngủ kéo dài,... dễ mắc bệnh đại tràng co thắt.
  • Thực phẩm tiêu thụ: một số người mắc hội chứng ruột kích thích vì thói quen ăn đồ sống, đồ tanh, sữa, đồ chua cay, sử dụng rượu bia hoặc chế độ ăn nhiều gia vị, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.
  • Giới tính: phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng đại tràng kích thích cao gấp 2 – 3 lần nam giới. Nguyên nhân do đặc thù về nội tiết tố và cấu tạo giải phẫu đại tràng của phụ nữ.

Những nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích trên đây đều là vấn đề khó kiểm soát triệt để. Cụ thể, về vấn đề tâm lý, người sống trong xã hội hiện đại sẽ khó tránh có những thời điểm bị mệt mỏi, stress vì công việc, gia đình. Về vấn đề ăn uống, nếu kiêng khem quá mức để điều trị hội chứng ruột kích thích

thì người bệnh có thể bị thiếu dinh dưỡng, suy yếu sức khỏe hoặc stress vì không được ăn các món hợp khẩu vị. Về vấn đề giới tính, phụ nữ buộc phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới. Đó là lý do giải thích vì sao khó điều trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích.

1.3 Người bệnh chủ quan trong việc điều trị

Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy, hội chứng đại tràng kích thích có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, người bệnh thường chủ quan với các vấn đề rối loạn tiêu hóa, không coi đây là bệnh lý nghiêm trọng nên chỉ áp dụng các phương pháp điều trị tức thời để giảm nhẹ triệu chứng khi có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài, táo bón,... Hội chứng ruột kích thích và cách chữa này chỉ chữa được phần ngọn, không loại trừ tận gốc của bệnh nên các triệu chứng sẽ tiếp tục tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Đây cũng là một lý do khiến hội chứng đại tràng kích thích khó điều trị dứt điểm.

2. Biến chứng của hội chứng ruột kích thích

Chính vì sự chủ quan và cách điều trị không đúng, để càng lâu bệnh đại tràng co thắt sẽ càng nặng hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Khi bị hội chứng đại tràng kích thích, ban đầu người bệnh sẽ có những rối loạn tiêu hóa, tạo phân, bài tiết,... Khi những rối loạn này lặp đi lặp lại nhưng không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ gây ra những tổn thương thực thể và dễ dẫn đến những hậu quả xấu.

Ruột có chức năng hấp thu chất dinh dưỡng nên những người bị hội chứng ruột kích thích dễ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng và suy kiệt sức khỏe. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị rối loạn tâm lý, luôn lo lắng, chán nản và dẫn tới suy nhược cơ thể trầm trọng.

3. Hội chứng ruột kích thích và cách chữa

Khi được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thuốc để điều trị bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan