Hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc bệnh thiếu máu huyết tán (Thalassemia) tại nhà

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Và Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thalassemia là bệnh thiếu máu tán huyết di truyền hay thiếu máu tán huyết bẩm sinh. Biểu hiện chính của bệnh là thiếu máu. Bệnh thalassemia gây ra những biến chứng nặng nề và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng chế độ chăm sóc bệnh nhân thalassemia hợp lý.

1. Tình hình bệnh Thalassemia ở Việt Nam và thế giới

Các bệnh về huyết sắc tố được xem là nhóm bệnh lý di truyền phổ biến nhất trên thế giới, trong đó bao gồm cả bệnh tan máu bẩm sinh (hay còn gọi là thalassemia). Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh huyết sắc tố ảnh hưởng đến 71% quốc gia trên thế giới. Trong đó, có khoảng 7% thai phụ mang gen bệnh huyết sắc tố và khoảng 1,1% các cặp vợ chồng sẽ có nguy cơ di truyền gen bệnh cho con. Trên toàn thế giới hiện có đến 80 - 90 triệu người đang mang gen bệnh thalassemia (chiếm khoảng 1,5% dân số toàn cầu), trong đó khu vực Đông Nam Á chiếm đến 50%. Hàng năm trên thế giới có khoảng 60.000 - 70.000 trẻ em sinh ra mắc bệnh Thalassemia mức độ nặng.

Hiện nay tại Việt Nam, ước tính có khoảng 10 triệu bệnh nhân đang mang gen bệnh thiếu máu huyết tán, tỷ lệ thường cao hơn ở một số tỉnh, thành phố và một số dân tộc như Stiêng (khoảng 63,9%), Êđê (khoảng 32,2%), Khmer (khoảng 28,2%), Mường (khoảng 21,74%). Số trường hợp thalassemia thể nặng cần điều trị thường xuyên là trên 20.000 người, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ sinh ra có mang gen bệnh. Chính vì vậy, việc chăm sóc đúng cách bệnh nhân Thalassemia là vô cùng cần thiết.

2. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân Thalassemia

Người bệnh Thalassemia hoàn toàn có thể sinh hoạt, làm việc, kết hôn và thậm chí sinh con khi được điều trị đầy đủ, liên tục, tuân thủ theo các phác đồ điều trị và có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý.

2.1. Bệnh thalassemia nên ăn gì?

  • Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân thalassemia, cần lưu ý bổ sung các thức ăn giàu dinh dưỡng.
  • Người mắc bệnh này dễ gặp tình trạng dư thừa sắt, do đó không nên ăn thức ăn chứa nhiều sắt (như thịt bò, mộc nhĩ, rau cải xoong).
  • Để hạn chế hấp thu sắt từ thức ăn, bệnh nhân có thể uống 1 cốc nước chè xanh sau bữa ăn.
  • Nên bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm (bao gồm sò, củ cải đường, đậu nành...).
Chăm sóc bệnh nhân thalassemia
Sữa đậu nành là loại thực phẩm rất tốt và bổ dưỡng với người bệnh Thalassemia

2.2. Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân thalassemia

Bên cạnh vấn đề “bệnh thalassemia nên ăn gì” thì chế độ sinh hoạt cũng khá quan trọng:

  • Có thể sinh hoạt bình thường, nhưng hạn chế lao động nặng và thực hiện các hoạt động gắng sức.
  • Tránh để xảy ra nhiễm trùng: Thực hiện rửa tay thường xuyên, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ.
  • Vận động, tập luyện với các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp.

3. Làm sao hạn chế bệnh Thalassemia?

  • Tư vấn tiền hôn nhân: Các cặp đôi nên thực hiện thăm khám và xét nghiệm bệnh Thalassemia trước khi kết hôn.
  • Nếu trường hợp cả hai người cùng mang một thể bệnh Thalassemia và muốn đi đến hôn nhân, nên được tư vấn trước khi quyết định có thai.
  • Nếu cả vợ và chồng cùng mang một thể bệnh Thalassemia và đã có thai, nên được chẩn đoán trước sinh trong tuần thai thứ 12 - 18 tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
  • Quá trình thăm khám và tư vấn nên được các bác sĩ chuyên khoa huyết học, nhi khoa và di truyền thực hiện.

Mặc dù tỷ lệ xảy ra không hiếm, nhưng bệnh thalassemia là hoàn toàn có thể hạn chế và phòng tránh được. Do đó, việc tìm hiểu và được tư vấn, tầm soát gen bệnh từ sớm, trước khi kết hôn sẽ hạn chế được nguy cơ sinh ra những em bé mang gen bệnh, từ đó góp phần đảm bảo chất lượng dân số cho toàn cộng đồng.

Trường hợp khi đã mắc bệnh, người thân nên thực hiện chăm sóc bệnh nhân thalassemia đúng cách thì tình hình sẽ khả quan hơn.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh Thalassemia

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan