Kiến ba khoang... khoan lo sợ

Thời gian qua, do các điều kiện thuận lợi về khí hậu, thời tiết và môi trường, loại kiến ba khoang đuôi nhọn đã phát triển, xuất hiện tại một số địa phương trên cả nước như khu chung cư, cư xá, ký túc xá, tái định cư, nhà ở tập thể tại TP.HCM, Huế, Hà Nội... làm phiền hà trong sinh hoạt và gây bệnh viêm da cho cộng đồng người dân. Vấn đề này hiện nay tuy không còn mới lạ nhưng cộng đồng cần biết rõ đặc điểm của loại kiến ba khoang để chủ động phòng chống.

Đặc điểm loại kiến ba khoang đuôi nhọn

Kiến ba khoang đuôi nhọn, tên khoa học là Paederus fuscipes curtis (Staphylinidae, Coleoptera). Loại côn trùng này có hình dạng giống như hạt thóc với kích thước dài từ 1 - 1,2cm; ngang từ 2 - 3mm; có nhiều khoang với màu sắc khác nhau trông gần giống các loại kiến thông thường. Kiến ba khoang còn có các tên gọi khác theo tiếng từng địa phương như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong...

Thân kiến ba khoang có từng khoang màu đen và màu da cam với đầu màu đen. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ. Kiến ba khoang có thể bò trên mặt nước, thích ăn côn trùng bọ hóng, thường bay vào ánh đèn ban đêm ở trong nhà. Kiến trưởng thành có thể sống trong thời gian vài tháng và sinh sản ra khoảng từ 2 - 3 thế hệ mỗi năm.


Kiến ba khoang

Vào mùa mưa, chúng thường di trú đến sống ở nơi khô ráo như các loài kiến khác. Đặc điểm của kiến ba khoang xuất hiện vào đầu mùa mưa khi có độ ẩm cao, nhất là sau các đám mưa lớn đầu mùa. Chúng thường sống trong ruộng lúa, ăn rầy nâu. Thời gian qua, loại kiến ba khoang xuất hiện rầm rộ ở một số nơi trên cả nước làm phiền hà trong sinh hoạt và gây nên bệnh viêm da cho người dân ở khu chung cư Bình Khánh, quận 2, TP.HCM; khu tái định cư Hương Sơ, khu ký túc xá sinh viên Trường Bia, thành phố Huế... Tại Hà Nội, kiến ba khoang cũng phát triển, xuất hiện ở khu dân cư gần cánh đồng Ngọc Thụy; chung cư Đặng Xá, Gia Lâm; khu tập thể Khương Thượng, Đống Đa... Vấn đề này làm cho cộng đồng người dân hoang mang, lo lắng như từng lo lắng, hoang mang đối với sự xuất hiện của loại bọ xít hút máu người.

Kiến ba khoang trưởng thành có thể sống vài tháng và sinh sản ra khoảng 2 - 3 thế hệ mỗi năm. Con cái có độc tố pederin (C24H43O9N, còn được gọi là cantharidin, thuộc loại alkaloid) chứa trong một đôi tuyến ở phần cuối bụng với tác dụng bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các loài sinh vật khác tấn công để ăn trứng. Vì vậy nếu kiến ba khoang đậu bám vào người, bị đập chết và chà xát hoặc va chạm mạnh thì độc tố trên cơ thể kiến có thể tiết ra ngoài, dính vào da người gây nên cảm giác cháy da, đau đớn, viêm tấy...

Độc tố pederin có độc tính gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ. Các nhà khoa học cho rằng khi kiến đã chết khô và để trong vòng 8 năm thì độc tính này vẫn còn tồn tại. Pederin có tính xuyên thấm qua da, đây là độc chất tự nhiên có hiệu lực như chất chống ung thư và virút. Độc tố là phương tiện phòng vệ chống lại động vật khác tấn công và ăn chúng như loài nhện.

Tại sao kiến ba khoang bây giờ mới xuất hiện nhiều?

Về lĩnh vực nông nghiệp, loại kiến ba khoang thường ăn các loài côn trùng, sâu bọ, rầy nâu... gây hại mùa màng nên chúng là loài côn trùng có ích và không phải là đối tượng cần phải hủy diệt. Kiến ba khoang thường phát triển, xuất hiện vào mùa thu, phù hợp với thời gian của dịp thu hoạch vụ mùa lúa. Kiến ba khoang trú ẩn ở những vùng đất trống, gần các cánh đồng có nhiều ruộng lúa bị thu hút bởi ánh đèn, hoặc sẽ nhờ sức gió có thể bay được lên cao và đột nhập vào các phòng ở trên tầng cao của khu chung cư, ký túc xá, cư xá, nhà tập thể, khu tái định cư. Sau khi bay được vào phòng ở của các nhà cao tầng, chúng sẽ rụng cánh và trú đậu luôn tại đó.

Kiến ba khoang gây bệnh viêm da

Kiến ba khoang không gây độc bằng cách cắn, đốt người bệnh. Kiến ba khoang có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng tùy theo độc chất pederin hiện diện trên cơ thể kiến xâm nhập qua da. Vị trí viêm da thường xảy ra ở vùng đầu, mặt, cổ, tay, chân, hông, lưng... Nếu tay bị dính chất độc pederin khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt, kết mạc, giác mạc, võng mạc... Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước ngoài da có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với độc tố pederin từ 12 - 36 giờ. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau như đường dài thẳng, hình chữ y, hình tròn, hình đa giác... tùy theo động tác khi ta thực hiện việc đập, giết và chà xát kiến trên da.

Kiến ba khoang... khoan lo sợ

Kiến ba khoang không phải là loại côn trùng lạ mà chúng đã có từ rất lâu.

Nếu biết rõ các đặc điểm sinh lý, sinh thái của loại kiến ba khoang, người dân khoan lo sợ, đừng hoang mang để chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh hiệu quả như dùng cửa lưới chống muỗi và các loại côn trùng. Trong mùa kiến ba khoang và các loại côn trùng khác phát triển vào thời điểm cuối mùa hè, trong mùa thu; sinh hoạt gia đình nên hạn chế bớt ánh đèn điện thắp sáng, tắt bớt đèn điện; thường xuyên vệ sinh, quét dọn nhà cửa, đồ dùng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Khuyên trẻ em chơi buổi tối tránh xa chỗ có nhiều ánh sáng đèn điện. Nếu phát hiện thấy kiến ba khoang đậu bám trên người nên thổi nhẹ cho chúng bay đi, không nên đập chết và chà xát mạnh trên da vì độc tố pederin trên cơ thể kiến có thể xuyên thấm, xâm nhập qua da gây bệnh.

Khi thiết kế xây dựng các khu chung cư, cư xá, ký túc xá, nhà ở tập thể, khu tái định cư cao tầng ở vùng đất mới, chung quanh có ruộng đồng, đặc biệt là ruộng lúa nên bố trí, sắp xếp hệ thống đèn điện chiếu sáng một cách hợp lý. Chỗ xa nhà ở, phòng ở cần lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng mạnh để thu hút côn trùng và loài kiến ba khoang; càng đến gần khu vực nhà ở, phòng ở nên dùng hệ thống đèn chiếu sáng có ánh sáng dịu mát hơn; có thể dùng đèn màu vàng, hạn chế ánh sáng trắng.

Những trường hợp bị kiến ba khoang cắn, lỡ tay đập chết, chà xát trên da thì cần nhanh chóng rửa ngay bằng nước sạch với xà phòng tại phần da nghi ngờ bị độc chất pederin xâm nhập; có thể rửa bằng thuốc tím sát trùng. Nếu chỗ da bị viêm chuyển sang tổn thương loét, cần đắp gạc sạch, ướt, mát, vô trùng; có thể xoa thêm dung dịch calamin totion hay kem xoa corticoides ở vết loét. Khi có bội nhiễm với các bọng nước dưới da, có thể dùng phối hợp với kháng sinh. Triệu chứng viêm da sẽ khỏi trong vòng từ 2 đến 3 tuần. Trong những trường hợp cần thiết, nên đi khám chuyên khoa da liễu và sử dụng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Theo TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh - SKĐS

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Chủ đề: Da liễu
Bài viết liên quan