Bị nứt gót chân phải làm sao?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nứt gót chân là một tình trạng gây nhiều phiền toái. Người bệnh thường chịu nhiều đau đớn và gặp khó khăn trong quá trình di chuyển. Do đó, trị nứt gót chân hiệu quả là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.

1. Tổng quan về nứt gót chân

Một cuộc khảo sát cho thấy, 20% người trưởng thành ở Hoa Kỳ phải đối diện với tình trạng nứt gót chân. Điều này có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, nhưng dường như ảnh hưởng đến phụ nữ thường xuyên hơn nam giới.

Đối với hầu hết mọi người, nứt gót chân không quá nghiêm trọng. Nó có thể gây khó chịu khi đi chân trần. Trong một số trường hợp, các vết nứt ở gót chân có thể trở nên rất sâu và gây nhiều đau đớn. Vì vậy, người bệnh nên tìm hiểu các biện pháp để trị nứt gót chân hiệu quả nhất tại nhà.

2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng nứt gót chân?

Dấu hiệu đầu tiên của gót chân nứt nẻ là có những vùng da khô, dày sừng và có hiện tượng đứt tế bào liên kết của da, ở xung quanh vùng gót chân. Khi bạn đi bộ, lớp đệm mỡ dưới gót chân của bạn sẽ nở ra. Điều này làm cho các lớp da dễ bị nứt.

Các yếu tố khác có thể gây nứt gót chân bao gồm:

  • Đứng trong nhiều giờ.
  • Đi chân trần hoặc đi dép hở gót.
  • Tắm nước nóng lâu.
  • Sử dụng xà phòng mạnh có thể làm mất lớp dầu tự nhiên trên da.
  • Mang giày không vừa hoặc không bảo vệ được gót chân.
  • Da khô do khí hậu, chẳng hạn như nhiệt độ lạnh hoặc độ ẩm thấp.

Nếu bạn không dưỡng ẩm chân thường xuyên, chúng có thể bị khô nhanh hơn.

Các nguyên nhân bệnh lý khác gây nứt gót chân như sau:

trị nứt gót chân hiệu quả
Người bệnh nên tìm hiểu các biện pháp để trị nứt gót chân hiệu quả nhất tại nhà.

3. Nứt gót chân có thể đi kèm với các triệu chứng nào khác?

Ngoài nứt gót chân, người bệnh cũng có thể gặp phải các tình trạng như:

  • Da bong tróc.
  • Ngứa.
  • Có thể đau ở mức độ nghiêm trọng.
  • Chảy máu.
  • Da đỏ và bị viêm.
  • Vết loét.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể bị các biến chứng của tình trạng nứt gót chân, đặc biệt nếu nguyên nhân do bệnh lý gây ra. Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Bệnh chàm tăng sừng, nứt nẽ.
  • Mất cảm giác ở gót chân.
  • Viêm mô tế bào, đây là một bệnh nhiễm trùng nặng.
  • Loét chân do tiểu đường.

Các triệu chứng của nhiễm trùng bao gồm đau, nóng, đỏ và sưng. Khi có các dấu hiệu này, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

4. Trị nứt gót chân hiệu quả

Nếu bạn còn thắc mắc “nứt gót chân phải làm sao?” Thì dưới đây là câu trả lời cho bạn:

4.1. Sử dụng kem dưỡng gót chân hoặc kem dưỡng ẩm kết cấu dày

Phương pháp điều trị nứt gót chân hiệu quả đầu tiên cần nhắc đến đó là sử dụng kem dưỡng gót chân. Những loại dầu dưỡng này có chứa các thành phần giúp dưỡng ẩm, làm mềm và tẩy tế bào chết. Hãy ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chứa những thành phần sau:

  • Urê.
  • Axit salicylic.
  • Axit alpha-hydroxy.
  • Saccharide isomerate.

Bạn có thể tìm thấy những loại kem dưỡng da gót chân này ở quầy thuốc hoặc trên mạng. Tuy nhiên, khi sử dụng cần lưu ý một số điều như sau:

  • Thoa kem dưỡng gót chân vào buổi sáng để tăng độ đàn hồi cho da trước khi bắt đầu ngày mới.
  • Dưỡng ẩm gót chân của bạn hai đến ba lần một ngày.
  • Đi giày bảo vệ gót chân.

Một số loại kem dưỡng gót chân có thể gây ra cảm giác châm chích hoặc kích ứng nhẹ, nhưng điều này là bình thường. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu dầu dưỡng tiếp tục làm phiền bạn hoặc gây ra các phản ứng nghiêm trọng. Những trường hợp nghiêm trọng bị nứt gót chân có thể cần dùng kem dưỡng có độ mạnh theo toa của bác sĩ hoặc kem steroid để giúp giảm viêm và ngứa.

4.2. Ngâm và tẩy tế bào chết cho bàn chân

Ngâm và tẩy tế bào chết cho bàn chân là câu trả lời nếu bạn còn thắc mắc “bị nứt nẻ gót chân phải làm sao?”. Theo đó, vùng da xung quanh gót chân bị nứt thường dày và khô hơn các vùng da còn lại trên cơ thể. Da này có xu hướng tách ra khi bạn áp dụng lực. Ngâm và dưỡng ẩm cho đôi chân của bạn có thể giúp ích. Tuy nhiên, khi ngâm chân, bạn nên lưu ý:

  • Giữ chân của bạn trong nước ấm, xà phòng tối đa 20 phút.
  • Dùng xơ mướp, dụng cụ chà chân hoặc đá bọt để loại bỏ lớp da dày và cứng.
  • Nhẹ nhàng vỗ nhẹ cho chân khô.
  • Thoa kem dưỡng gót chân hoặc kem dưỡng ẩm dày lên vùng da bị nứt.
  • Thoa dầu khoáng lên chân để khóa ẩm. Đi tất để tránh làm loang dầu mỡ ra xung quanh.
  • Tránh chà chân khi chúng đang khô. Điều này làm tăng nguy cơ da bị tổn thương. Bạn cũng có thể thử dùng tay áo thay thế tất khi dưỡng ẩm cho gót chân.

4.3. Băng cá nhân dạng lỏng

Bạn cũng có thể sử dụng băng cá nhân dạng lỏng lên vết nứt để làm kín vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc nứt sâu thêm. Sản phẩm này có dạng xịt, có nghĩa là bạn có thể đi cả ngày mà không cần lo lắng về việc băng bị bong ra.

Băng dạng lỏng là một lựa chọn để điều trị nứt gót chân hiệu quả, đặc biệt là tình trạng nứt gót chân sâu có chảy máu. Đắp băng lỏng lên vùng da sạch và khô. Khi vết nứt lành lại, lớp phủ buộc phải bám vào bề mặt da. Bạn có thể mua sản phẩm này mà không cần đơn thuốc tại cửa hàng hoặc mua trực tuyến.

Một số người ghi nhận sự thành công khi sử dụng keo siêu dính để đóng các vết nứt trên da. Một nghiên cứu điển hình năm 1999 đã quan sát thấy, mười người sử dụng hai đến ba giọt keo siêu dính dọc theo mỗi vết nứt. Họ khép vết nứt lại với nhau trong 60 giây để cho phép chúng đóng kín miệng. Khoảng một tuần sau, họ thông báo rằng các vết nứt đã đóng lại và không gây đau đớn gì cho người bệnh. Nhưng keo siêu dính thương mại có thể độc hại, tùy thuộc vào thương hiệu. Vì thế, bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi thử phương pháp này.

trị nứt gót chân hiệu quả
Phương pháp điều trị nứt gót chân hiệu quả đầu tiên đó là sử dụng kem dưỡng gót chân.

4.4. Sử dụng mật ong

Mật ong có thể hoạt động như một phương thuốc tự nhiên cho gót chân nứt nẻ. Theo một đánh giá vào năm 2012, mật ong có đặc tính kháng khuẩn và kháng vi sinh vật. Nghiên cứu cho thấy mật ong có thể giúp chữa lành và làm sạch vết thương, đồng thời dưỡng ẩm cho da. Bạn có thể sử dụng mật ong như một hỗn hợp tẩy tế bào chết cho chân sau khi ngâm, hoặc đắp nó như một mặt nạ cho chân qua đêm.

4.5. Dầu dừa trị nứt gót chân hiệu quả

Dầu dừa thường được khuyên dùng cho da khô, bệnh chàm và bệnh vảy nến. Nó có thể giúp làn da giữ được độ ẩm. Sử dụng dầu dừa sau khi ngâm chân cũng có thể là một lựa chọn tốt. Đặc tính chống viêm và kháng khuẩn của dầu dừa có thể chữa gót chân bị nứt nẻ nếu chúng dễ chảy máu hoặc nhiễm trùng.

4.6. Các biện pháp tại nhà khác

Có nhiều phương pháp điều trị nứt gót chân tại nhà khác, mặc dù không có phương pháp nào được chứng minh là có thể điều trị cụ thể vết nứt. Hầu hết các thành phần đều tập trung vào việc dưỡng ẩm và làm mềm da, bao gồm các nguyên liệu như:

  • Giấm để ngâm chân dầu.
  • Dầu ô liu hoặc dầu thực vật để dưỡng ẩm.
  • Bơ hạt mỡ để dưỡng ẩm.
  • Chuối nghiền để dưỡng ẩm.
  • Sáp để duy trì độ ẩm.
  • Bột yến mạch trộn với dầu để tẩy da chết.

Tuy nhiên, người dùng cần thận trọng khi sử dụng và không tự ý điều trị nứt gót chân nếu liên quan đến các bệnh lý khác. Các trường hợp nứt gót chân nghiêm trọng cũng nên được bác sĩ đánh giá, bất kể tiền sử bệnh trước đó. Bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị tốt nhất cho tình trạng của bạn.

5. Các biện pháp ngăn ngừa tình trạng nứt nẻ gót chân

Giày dép đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa. Nếu bạn đã có tiền sử bị nứt gót chân trước đó, hãy cố gắng tìm những đôi giày vừa vặn và bảo vệ, nâng đỡ gót chân. Bất cứ khi nào có thể, hãy đi giày có phần gót rộng và chắc chắn để hỗ trợ và đệm cho gót chân.

Điều bạn nên tránh để bảo vệ gót chân như sau:

  • Dép xỏ ngón và dép xăng đan có thể làm tăng nguy cơ khô chân, do đó bạn không nên sử dụng.
  • Giày hở lưng thường không cung cấp đủ sự hỗ trợ gót chân, vì thế bạn cũng không nên dùng loại giày này.
  • Tránh đi giày gót cao và nhọn, vì có thể khiến gót chân lệch sang một bên.
  • Giày quá chật khiến chân bị nứt nẻ, do đó bạn hãy mang giày vừa vặn.

Các cách khác để ngăn ngừa gót chân nứt nẻ:

  • Tránh đứng một tư thế hoặc ngồi khoanh chân quá lâu.
  • Thoa kem dưỡng ẩm cho chân vào ban đêm, sau đó dùng tất để khóa ẩm cho chân.
  • Kiểm tra bàn chân hàng ngày, đặc biệt nếu bạn bị tiểu đường hoặc một bệnh khác gây khô da.
  • Mang đệm lót giày tùy chỉnh (nẹp chỉnh hình) để đệm gót chân của bạn và phân bổ đều trọng lượng cơ thể trên chân.
  • Mang vớ có đệm chất lượng tốt hoặc đã được kiểm nghiệm lâm sàng.
  • Sử dụng miếng lót gót chân silicon để giữ ẩm và giúp phần đệm gót chân không bị giãn nở.
  • Uống nhiều nước.
  • Sử dụng đá bọt sau khi tắm để giúp ngăn da dày lên. Tuy nhiên, cần tránh tự loại bỏ vết chai ở chân nếu bạn bị tiểu đường hoặc các bệnh lý thần kinh ngoại biên. Việc làm này có thể vô tình tạo ra vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Tóm lại, trong nhiều trường hợp, gót chân nứt nẻ không phải là tình trạng đáng lo ngại. Bạn có thể làm giảm bệnh bằng các biện pháp không kê đơn hoặc tại nhà. Đi khám bác sĩ nếu bạn bị nứt gót chân nghiêm trọng hoặc mắc các bệnh tiềm ẩn như tiểu đường. Mục đích quan trọng của việc đi khám bác sĩ là ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Mặc dù các dấu hiệu cải thiện sẽ xuất hiện sau lần điều trị đầu tiên, nhưng có thể phải mất vài ngày hoặc vài tuần để các vết nứt lành lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

197.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan