Cạo lông vùng kín bị nổi mẩn đỏ phải làm sao

Cạo lông vùng kín là một trong những cách mà chị em phụ nữ sử dụng để làm đẹp vùng bikini của mình. Đây là một phương pháp được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn đặc biệt là những chị em phụ nữ có điều kiện kinh tế eo hẹp. Vậy khi vùng kín bị ngứa đỏ do cạo lông phải làm sao? Nguyên nhân là vì đâu? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân khiến cho vùng kín bị ngứa đỏ khi cạo lông

Khi cạo lông vùng kín, nhiều chị em gặp phải tình trạng rắc rối và điển hình là cạo lông vùng kín bị ngứa đỏ. Tình trạng này khiến cho các chị em vô cùng lo lắng. Khá nhiều người gặp phải hiện tượng mẩn đỏ hay ngứa khi cạo lông vùng kín. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này từ các bước thực hiện cho đến dụng cụ sử dụng. Cùng tìm hiểu nguyên nhân ở phần tiếp theo:

1.1. Sử dụng dao cạo bị cùn

Dao cạo không đủ độ sắc bén khiến lông rất khó đứt, do vậy bạn phải cạo đi cạo lại nhiều lần tại một vùng khiến da bị tổn thương gây rát. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến vùng kín bị mẩn đỏ khi cạo lông.

1.2. Dao cạo không hợp vệ sinh

Dao bạn sử dụng dù có sắc bén nhưng không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ sẽ khiến cho vi khuẩn xâm nhập vào từ bên trong thông qua lỗ chân lông hay vết xước trên da, dẫn đến vùng kín bị mẩn đỏ ngứa ngáy khó chịu. Bởi vậy, bạn nên vệ sinh sạch dao cạo bằng nước muối, cồn sát khuẩn hay nước nóng đế làm sạch dao trước khi thực hiện cạo lông.

1.3. Tần suất cạo lông quá dày

Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng bạn bị mẩn đỏ khi cạo lông vùng kín. Tần suất cạo lông quá dày đặc khiến lỗ chân lông của bạn bị viêm nhiễm dẫn đến việc bạn bị nổi mẩn đỏ vùng kín.

1.4. Dị ứng với các dung dịch vệ sinh, chăm sóc

Không thể không đề cập đến việc bạn có thể bị dị ứng với các sản phẩm dung dịch vệ sinh hay sản phẩm chăm sóc vùng kín. Với việc bị dị ứng các sản phẩm chăm sóc thì cơ thể của bạn sẽ phản ứng lại bằng cách nổi mẩn đỏ tại chỗ và sau đó có thể sẽ lan ra toàn cơ thể tùy vào mức độ dị ứng.

1.5. Không vệ sinh kỹ vùng kín sau khi cạo lông

Sau khi cạo lông, các nang lông bị kích thích và trở nên nhạy cảm. Nếu không được vệ sinh cẩn thận, chắc chắn đây sẽ là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và vi sinh vật gây cảm giác ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, thậm chí còn có thể gặp phải tình trạng lông mọc ngược.

1.6. Viêm nang lông giả

Đây chính là tình trạng lông mọc ngược sau khi cạo gây nên các vết mẩn đỏ trên da, nó không chỉ mất thẩm mỹ mà còn khiến bạn bị đau, gặp vấn đề về da và nguy cơ nhiễm trùng cao.

Cạo lông vùng kín bị nổi mẩn đỏ phải làm sao là thắc mắc của nhiều người
Cạo lông vùng kín bị nổi mẩn đỏ phải làm sao là thắc mắc của nhiều người

2. Điều trị tình trạng nổi mẩn đỏ sau khi cạo lông vùng kín

2.1. Không gãi khi bị mẩn đỏ

Khi da xuất hiện các nốt mẩn đỏ luôn kèm theo triệu chứng ngứa ngáy khó chịu. Bạn tuyệt đối không được gãi ở vùng da này tránh làm tổn thương thêm gây ra nhiều vết xước hơn. Để làm dịu cảm giác khó chịu này, bạn có thể sử dụng các sản phẩm lành tính hay chiết xuất từ thiên nhiên như gel lô hội hoặc dầu Parafin dùng trong y tế để ngăn tình trạng này nặng thêm.

2.2. Vệ sinh vùng kín bằng nước muối pha loãng

Trong thời gian bạn bị nổi mẩn đỏ nên hạn chế việc sử dụng dung dịch vệ sinh có chứa chất tẩy rửa không tốt cho vùng kín, thậm chí chúng còn khiến tình trạng của bạn trầm trọng hơn. Lý do là bởi các hoạt chất này có thể làm mất cân bằng độ pH trong âm đạo và khiến cho vùng kín bị viêm nhiễm nặng hơn.

Cách tốt nhất bạn nên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh, dung dịch này có tính sát khuẩn nhẹ giúp tình trạng viêm nhiễm vùng kín của bạn giảm bớt từ đó làm giảm hiện tượng nổi mẩn đỏ.

2.3. Dùng sản phẩm đặc trị mẩn đỏ chuyên biệt

Các sản phẩm có chứa axit salicylic, axit glycolic, nha đam, cây phỉ hay sản phẩm có kết hợp các thành phần trên đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị tình trạng mẩn đỏ khi cạo lông. Một số sản phẩm thiết kế dạng chai lăn, một số khác thì ở dạng dung dịch, bạn có thể đổ ra bông thấm trước sau đó thoa lên trên da, chỉ nên thoa ít nhất 1 lần mỗi ngày và tránh thoa quá nhiều. Bạn cũng nên thoa sau khi tắm, trước khi da đổ mồ hôi, nên bôi vào buổi tối khi chuẩn bị đi ngủ là hợp lý nhất.

2.4. Dùng thêm các sản phẩm dưỡng da

Thoa kem kháng khuẩn mỗi ngày nếu bạn bị nhiễm trùng do lông mọc ngược. Các loại kem như: Bacitracin, Neosporin và Polysporin là những kem kháng khuẩn có thể bôi tại chỗ.

2.5. Điều trị sẹo bằng Retin - A

Dẫn xuất của vitamin A - Retinoid, có thể làm mềm da và giảm tình trạng để lại sẹo hoặc vết thâm do mẩn đỏ để lại. Nhưng bạn cần lưu ý:

  • Cần được thăm khám và kê đơn của bác sĩ
  • Không dùng sản phẩm này cho phụ nữ manh thai hoặc đang cho con bú vì Retin - A có thể gây dị tật nghiêm trọng cho thai nhi và trẻ nhỏ.
  • Sử dụng kem chống nắng có SPF từ 45 trở nên cho những vùng có thoa loại kem này.
  • Không bôi Retin - A ở vùng da sắp tẩy lông vì tác dụng của Retin - A gây suy yếu đáng kể sức khỏe làn da và khiến da dễ bị tổn thương trong quá trình tẩy lông.

2.6. Tái khám với bác sĩ nếu tình trạng không tiến triển

Nếu tình trạng mẩn đỏ không cải thiện, sau vài tuần bạn nên có cuộc tái khám với bác sĩ da liễu để có hướng điều trị tiếp.

3. Ngăn ngừa mẩn đỏ do cạo lông

3.1. Vứt bỏ dao cùn

Dao cạo quá cùn hay bị gỉ sét không thể cắt đứt lông mà còn gây kích ứng thêm vùng da xung quanh nang lông. Hãy vứt bỏ ngay khi bạn cảm thấy chúng quá cùn.

3.2. Giãn cách các lần cạo lông hết mức có thể

Khi da bạn bị mẩn đỏ mà bạn lại cạo lông mỗi ngày sẽ chỉ càng làm cho tình trạng tồi tệ thêm. Bởi vậy, thay vì cạo mỗi ngày thì vài ba ngày hay thậm chí 1 tuần bạn cạo một lần.

3.3. Tẩy da chết

Tiến hành tẩy da chết là bạn giúp loại bỏ các tế bào da chết cùng những sản phẩm khác trên da, nhờ đó tạo điều kiện cho lông được cạo sát và sạch hơn. Bạn có thể dùng các loại kem tẩy da chết, bàn chải chăm sóc da, bọt biển... hay bất cứ vật dụng nào phù hợp.

  • Nếu da bạn thuộc da nhạy cảm, bạn nên cân nhắc tẩy da chết vào ngày không cạo lông
  • Nếu da bạn ít bị kích ứng và thích ứng tốt với việc tẩy da chết, thì bạn có thể tẩy da chết trước khi cạo lông vùng kín.

3.4. Không ấn dao trong quá trình cạo

Dùng lực lớn khi cạo sẽ khiến cho lông cạo không được đều. Bạn hãy dùng lực vừa phải để dạo lướt trên bề mặt da.

3.5. Không cạo một chỗ hai lần

Nếu bạn sơ xuất cạo sót nhiều chỗ, bạn cần cạo theo chiều lông thay vì cạo ngược chiều lông. Cạo theo chiều lông ít gây kích ứng da hơn nhưng lại không thể cạo sát được chân lông.

3.6. Cạo lông khi tắm dưới vòi hoa sen

Hơi nước ấm từ vòi hoa sen có tác dụng làm lông mềm hơn, lỗ chân lông giãn nhẹ và hạn chế nguy cơ da bị xước, kích ứng.

  • Nếu bạn có thói quen cạo lông trước thì bạn nên sắp xếp lại trình tự tắm để việc cạo lông là cuối cùng. Lý tưởng nhất là tắm xong 5 phút thì cạo lông.
  • Nếu không thích việc cạo lông khi tắm thì bạn có thể dùng khăn nhúng nước ấm vừa phải, sau đó đắp lên vùng kín chừng 2 - 3 phút rồi mới tiến hành cạo.

3.7. Dùng kem cạo

Kem cạo lông được đặc chế với thành phần giúp làm mềm lông, nhờ đó dễ dàng loại bỏ lông hơn (thuận tiện cho việc nhận biết vùng đã cạo và chưa cạo).

Sử dụng loại kem cạo có chứa thành phần nha đam hoặc các hợp chất dưỡng ẩm. Nếu không có mà lại quá cấp bách cần dùng ngay thì bạn có thể chữa cháy bằng cách sử dụng dầu xả tóc.

3.8. Rửa sạch và lau khô

Sau khi cạo xong, rửa sạch lần cuối bằng nước lạnh hoặc dùng khăn lạnh để lau vùng kín giúp co lỗ chân lông đồng thời hạn chế nguy cơ kích ứng và nhiễm trùng.

Để da khô tự nhiên là lựa chọn hợp lý nhất thay vì dùng khăn chà xát mạnh lên da.

Sau khi cạo lông vùng kín xong hãy rửa sạch lần cuối bằng nước lạnh
Sau khi cạo lông vùng kín xong hãy rửa sạch lần cuối bằng nước lạnh

4. Ngăn ngừa mẩn đỏ lâu dài

4.1. Cân nhắc việc tẩy lông

Thay vì cạo nhiều lần bạn có thể cân nhắc việc tẩy lông. Dù bạn vẫn có thể bị lông mọc ngược sau khi tẩy lông nhưng lông mọc lại sẽ mềm hơn thay vì thô cứng như trước và không nhú ngọn.

Nếu bạn đã quyết định tẩy lông thì lần tẩy thứ hai nên cách lần một từ 6 - 8 tuần. Khoảng cách cho những lần tẩy tiếp theo có thể kéo dài lâu hơn.

Da có thể hơi đỏ và bị kích ứng sau khi tẩy, tuy nhiên phải cẩn trọng khi bị vết thương hở hoặc bầm đen lan rộng. Ngoài ra, nếu nhận thấy da bị nhiễm trùng sau 1-2 ngày tẩy, bạn nên bắt đầu thoa kem kháng sinh và thăm khám bác sĩ ngay lập tức

4.2. Triệt lông bằng tia laser

Trong suy nghĩ của nhiều người, triệt lông bằng tia laser sẽ làm lông không mọc được vĩnh viễn. Nhưng câu trả lời là, lông vẫn có thể mọc lại nhưng với số lượng ít hơn thôi.

Phương pháp này phù hợp với lông đen và da trắng. Nếu da và lông đồng màu với nhau (quá sáng hoặc quá tối) thì bạn không nên áp dụng phương pháp này.

Tẩy lông bằng laser khá tốn kém nên bạn cũng cần cân nhắc khi lựa chọn phương pháp này.

5. Những điều cần nhớ

  • Nha đam có tác dụng thần kì. Bạn nên sử dụng ít nhất 2 lần mỗi ngày cho đến khi mẩn đỏ biến mất. Mẩn đỏ do cạo lông sẽ biến mất rất nhanh sau đó.
  • Đừng cạo lông quá thường xuyên! Bạn có thể để gây ra các vết thương cực nhỏ khi cạo và vì vùng kín rất nhạy cảm nên càng dễ bị kích ứng hơn, dễ mẩn đỏ hơn.
  • Thử tắm bằng sữa tắm kháng khuẩn và xơ mướp, lau khô vùng kín, thoa bông tẩm nước cây phỉ, sau đó thoa Hydrocortisone lên vùng lông mọc ngược.
  • Tránh các sản phẩm bột Talc vì những sản phẩm này thường rất mịn và có thể gây kích ứng da nặng hơn.
  • Có một số sản phẩm điều trị sau cạo lông bán sẵn cam kết giảm nguy cơ nổi mẩn đỏ sau khi cạo. Nếu muốn dùng, bạn có thể cân nhắc dùng loại phù hợp với da nhạy cảm (càng ít thành phần càng tốt) và có thể chứa Lidocaine để xoa dịu da. Sản phẩm chứa lúa mạch cũng có thể giúp ích.
  • Cố gắng dưỡng ẩm (sản phẩm dưỡng da không mùi hương thường tốt cho da hơn) liên tục cả ngày. Không có lông mu, da có xu hướng dễ khô và nhiễm khuẩn hơn. Bằng cách dưỡng ẩm, bạn có thể ngăn ngừa xước da, giảm hoặc ngăn ngứa và tăng thêm một lớp mỏng bảo vệ cho da.
  • Không nhổ lông mọc ngược để tránh nhiễm trùng và/hoặc sẹo.
  • Tốt nhất nên đi khám bác sĩ trước khi thử dùng kim để loại bỏ lông ẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

203.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan