Sáp dầu khoáng (petroleum jelly) trong mỹ phẩm

Nếu thường xuyên sử dụng mỹ phẩm, bạn có biết và quan tâm đến thành phần sáp dầu khoáng, hay còn gọi là petroleum jelly trong mỹ phẩm không? Công dụng của nó là gì, có gây ra tác dụng phụ nào không?

Sáp dầu khoáng (tên tiếng Anh là petroleum jelly), được biết đến là một hợp chất của sáp và dầu khoáng (có nguồn gốc dầu mỏ), là một hợp chất bán rắn tương tự như thạch, với công dụng chính là chữa bỏng và giữ ẩm.

1. Công dụng và lợi ích của sáp dầu khoáng

Với thành phần chính là dầu mỏ, sáp dầu khoáng có những công dụng và lợi ích sau:

  • Chữa bỏng nhẹ, xước da nhẹ: Sáp dầu khoáng có thể giúp làm lành vết thương trên da thường xuyên như vết trầy xước nhẹ, hoặc bỏng nhẹ trên da. Ngoài ra, sáp dầu khoáng cũng được dùng để bôi lên vùng da sau phẫu thuật. Trước khi bôi dầu khoáng, cần vệ sinh sạch sẽ và khử trùng vùng da cần bôi để tránh tích tụ vi khuẩn.
  • Dưỡng ẩm: Với công dụng giữ ẩm, sáp dầu khoáng là kem dưỡng ẩm tuyệt vời cho toàn thân cũng như từng vùng da trên cơ thể như mặt, mũi, môi, bàn tay, gót chân. Những sản phẩm từ sáp dầu khoáng rất hữu dụng khi sử dụng trong mùa khô lạnh hoặc khi bị dị ứng. Với gót chân hoặc bàn tay bị khô nẻ, trước khi bôi sáp dầu khoáng, bạn nên ngâm tay, chân với nước muối ấm, sau đó lau sạch, bôi sáp dưỡng và đeo găng tay hoặc mang tất sạch để việc dưỡng ẩm hiệu quả hơn.
  • Phòng ngừa hăm tã ở trẻ sơ sinh: Sản phẩm từ sáp dầu khoáng đã được nghiên cứu và chứng minh là phòng ngừa hăm tã ở trẻ sơ sinh nhờ tạo ra một hàng rào ngăn cản và bảo vệ da không bị ẩm ướt thường xuyên do tã. Trước khi bôi kem sáp dầu khoáng nên làm sạch và lau khô vùng da cần bôi.
  • Tẩy trang vùng mắt, vết chân chim: Đối với người thường xuyên trang điểm, sáp dầu khoáng rất an toàn để tẩy trang vùng mắt. Để sử dụng, bạn có thể sử dụng cây tăm bông để lăn nhẹ vùng da trên mắt (lưu ý nhớ nhắm mắt lại khi bôi sáp). Bạn cũng có thể bôi lên vùng đuôi mắt để tẩy trang chỗ vết chân chim.
  • Giảm chẻ ngọn: Bôi một lượng nhỏ sáp dầu khoáng lên tóc bị khô do thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc đi bơi có thể giúp làm giảm tình trạng tóc bị chẻ ngọn, đồng thời tạo độ bóng trên tóc.
  • Dùng kèm với thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay, nước hoa: Bôi một lớp sáp dầu khoáng lên da khi chuẩn bị nhuộm tóc hoặc sơn móng tay có thể ngăn ngừa tình trạng ố da khi thuốc nhuộm hoặc sơn dính lên da. Với nước hoa, bôi sáp dầu khoáng làm nền giúp hương nước hoa được lưu giữ trên da lâu hơn.
Sáp dầu khoáng (petroleum jelly) trong mỹ phẩm
Sáp dầu khoáng là kem dưỡng ẩm tuyệt vời cho toàn thân cũng như từng vùng da trên cơ thể

2. Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng mỹ phẩm có chứa sáp dầu khoáng

Mặc dù sáp dầu khoáng có nhiều công dụng và lợi ích, tuy nhiên, chúng chỉ nên được sử dụng ngoài da, không được cho vào miệng cũng như sử dụng như chất bôi trơn ở cơ quan sinh dục vì có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm do vi khuẩn thâm nhập.

Tùy vào sản phẩm và loại sáp dầu khoáng, việc sử dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ tiềm ẩn như:

  • Dị ứng: Những người có làn da nhạy cảm có thể dễ bị dị ứng với sáp dầu khoáng hay những sản phẩm có nguồn gốc thành phần từ dầu mỏ.
  • Nhiễm trùng: Cần làm sạch và khử trùng da trước khi bôi sáp dầu khoáng để tránh tích tụ vi khuẩn, vi nấm. Nếu bình, lọ chứa sáp dầu khoáng bị nhiễm nấm cũng có thể làm lây lan vi khuẩn khi chúng ta bôi lên da có vết thương hở.
  • Tắc nghẽn lỗ chân lông: Sử dụng sáp dầu khoáng có thể bít lỗ chân lông và gây mụn. Vì vậy, để tránh nguy cơ bị mụn, cần làm sạch da trước khi bôi sáp dầu khoáng.
  • Viêm phổi: Nếu bôi sáp dầu khoáng ở vùng mặt, đặc biệt là gần mũi, cần cẩn thận vì hít phải sáp dầu khoáng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phổi, nhất là trẻ em.

3. Sáp dầu khoáng và Vaseline khác nhau ở chỗ nào?

Về cơ bản, Vaseline là một thương hiệu sản phẩm sáp dầu khoáng, thuộc sở hữu của Unilever. Về lý thuyết, không có điểm khác biệt nào giữa sáp dầu khoáng và tên thương hiệu của sản phẩm đó.

Tuy nhiên, Unilever tuyên bố rằng, trong tất cả những dòng sản phẩm mang tên thương hiệu là Vaseline, đều được sản xuất bằng những nguyên liệu được chọn lọc và có chất lượng cao, với quy trình sản xuất đặc biệt. Nếu có điểm khác biệt giữa những dòng sản phẩm từ sáp dầu khoáng thì đó có thể là độ mịn và hương thơm.

Nhìn chung, những sản phẩm thuộc thương hiệu Vaseline của Unilever đều đảm bảo về độ an toàn và có thành phần 100% là từ sáp dầu khoáng. Để chắc chắn chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng, bạn nên đọc kỹ thông tin thành phần được in trên nhãn sản phẩm.

Sáp dầu khoáng (petroleum jelly) trong mỹ phẩm
Vaseline là một thương hiệu sản phẩm sáp dầu khoáng, thuộc sở hữu của Unilever

4. Những điều cần lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm có chứa sáp dầu khoáng

Sáp dầu khoáng là thành phần chính được sử dụng nhiều trong ngành y tế và mỹ phẩm nhờ công dụng giữ ẩm, làm mềm và lành da nhưng vẫn an toàn.

Để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên chọn sản phẩm có thành phần là sáp dầu khoáng tinh khiết, được chưng cất 3 lần (ví dụ như Vaseline) để không gây hại cho da khi sử dụng, vì một số thành phần trong sáp dầu khoáng nguyên chất có khả năng làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư).

Ngoài ra, khi sử dụng sáp dầu khoáng hay bất kỳ hóa mỹ phẩm nào, cần theo dõi những bất thường có thể xuất hiện trên da trong lần đầu tiên sử dụng, ví dụ như dị ứng hoặc phát ban.

Cuối cùng, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc thực vật thay vì sáp dầu khoáng nếu bạn quan tâm và lo ngại việc khai thác, sản xuất hóa mỹ phẩm từ dầu mỏ có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường.

Sáp dầu khoáng được sử dụng nhiều trong ngành y tế và làm đẹp vì có các công dụng giữ và dưỡng ẩm, làm lành da bị trầy xước, bỏng nhẹ,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan