Lưu ý khi sử dụng thuốc long đờm cho trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thuốc long đờm là loại thuốc làm tiêu chất nhầy trong khí quản, phế quản, cho phép tống chất nhầy ra khỏi đường hô hấp dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vì thuốc long đờm có thể gây ra một số phản ứng bất lợi nên khi sử dụng cần đặc biệt thận trọng, nhất là với đối tượng trẻ em.

1. Thuốc long đờm là gì?

Ho là một trong những triệu chứng của các bệnh ở đường hô hấp. Ho bao gồm: Ho có đờm (ho đờm) và ho không có đờm (ho khan). Việc dùng thuốc điều trị 2 dạng bệnh ho này hoàn toàn khác nhau. Ho có đờm là thể ho kèm tình trạng khạc ra chất nhầy hoặc đờm, là triệu chứng còn lại sau khi bị viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản,... Một loại thuốc hay được dùng để trị ho có đờm là thuốc long đờm.

Thuốc long đờm còn được gọi là thuốc loãng đờm, thuốc tiêu chất nhầy. Các loại thuốc này có tác dụng là làm long cả dịch tiết ra từ niêm mạc khí quản - phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhầy, dẫn đến giảm độ nhớt, độ đặc quánh của đờm nhầy trong phế quản. Nhờ đó, các chất đờm nhầy có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống lông chuyển hoặc bằng hành động khạc đờm.

Thuốc long đờm
Thuốc long đờm làm thay đổi cấu trúc của dịch nhầy trong phế quản

Các loại thuốc trong nhóm long đờm gồm: acetylcystein, ambroxol, bromhexin, carbocysteine, eprazinon,... Thuốc long đờm gồm thuốc long đờm đơn chất chỉ chứa thuần túy thuốc long đờm như Bisolvon (chỉ chứa bromhexin), Acemuc (chỉ chứa acetylcystein), Mucosolvan (chỉ chứa ambroxol),... và thuốc trị ho phối hợp (trong thành phần có chứa sẵn thuốc long đờm như Atussin, Solmux Broncho,...).

Ngoài điều trị ho có đờm, thuốc long đờm còn được sử dụng trong điều trị bệnh nhầy nhớt, các bệnh lý hô hấp có đờm nhầy quánh như viêm phế quản cấp hoặc mạn tính. Riêng acetylcystein còn được sử dụng làm thuốc giải độc cho các trường hợp sử dụng paracetamol quá liều. Còn bromhexin, ambroxol thường được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp đi kèm ho có đờm. Bromhexin làm tăng sự xâm nhập của một số loại kháng sinh vào dịch bài tiết phế quản, tăng khả năng đáp ứng tốt với kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn.

2. Những phản ứng bất lợi của thuốc long đờm

  • Thuốc có thể làm lỏng chất nhầy bảo vệ dạ dày nên dễ làm loét dạ dày;
  • Thuốc long đờm có thể khởi phát cơn co thắt phế quản;
  • Tác dụng phụ khác của thuốc gồm: rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, nhức đầu, tăng men gan nhẹ, phát ban ở da, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, ù tai, viêm miệng, chảy nước mũi nhiều,...

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc long đờm cho trẻ

Trẻ bị ho có đờm có thể được chỉ định sử dụng thuốc long đờm để làm đờm lỏng hơn, dễ dàng thoát từ phế quản ra ngoài. Để tránh các tác dụng phụ bất lợi, khi sử dụng thuốc cho trẻ, phụ huynh cần chú ý tới những vấn đề sau:

Khám nhi tại Vinmec
Bệnh nhân điều trị tại khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

  • Không dùng cho bệnh nhi bị viêm loét dạ dày vì tác dụng phụ của thuốc là gây hủy hoại hàng rào niêm mạc dạ dày;
  • Không dùng hoặc thận trọng khi dùng cho người bệnh hen vì thuốc có thể gây co thắt phế quản ở những người có cơ địa mẫn cảm. Nếu có co thắt phế quản, phải ngừng thuốc và khí dung salbutamol hoặc ipratropium;
  • Không dùng thuốc cho trẻ bị suy nhược, quá yếu hoặc không biết khạc đờm vì sẽ càng tăng ứ đờm trong đường hô hấp khiến bệnh nặng thêm;
  • Nếu có nhiều đờm loãng ở phế quản mà bệnh nhi giảm khả năng ho, phải tiến hành hút ra;
  • Không dùng thuốc đồng thời với các thuốc chống ho hoặc thuốc làm giảm khả năng bài tiết dịch phế quản;
  • Thời gian điều trị bằng thuốc không được kéo dài quá 8 - 10 ngày nếu không có chỉ định của bác sĩ;
  • Tốt nhất bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc long đờm trong điều trị nội trú tại các cơ sở y tế có điều kiện hỗ trợ như hút đờm, vỗ rung (khi cần thiết) để đờm thoát ra ngoài dễ dàng.

Ngoài ra, tình trạng cảm lạnh vào mùa mưa dễ khiến trẻ bị ho, đặc biệt là ho có đờm. Các chuyên gia khuyên phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, cho bé uống nhiều nước, đặc biệt là nước cam và nước chanh để tăng sức đề kháng, giúp bé có thể tự khỏi bệnh sau 1 - 2 tuần mà không cần dùng thuốc. Đồng thời, cha mẹ cần giữ cho bé tránh xa khói thuốc để tránh nguy cơ ho đờm do hút thuốc lá thụ động.

Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dẫn đến ho có đờm, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chỉ định sử dụng loại thuốc điều trị phù hợp. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc về cho trẻ dùng vì sử dụng sai loại thuốc hoặc sai liều lượng sẽ rất nguy hiểm.

Để phòng tránh trẻ bị ho đờm, cha mẹ nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.

Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Tăng cường Lysine cho bé còn giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

171.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan