Lưu ý trong điều trị viêm tinh hoàn sau quai bị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Quai bị là bệnh lý diễn ra toàn thân và mang tính chất cấp tính do nhiễm phải virus và lây lan, biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt và sưng 1 hay 2 tuyến mang tai. Bệnh để lại nhiều biến chứng đáng nói, trong đó phải kể đến viêm tinh hoàn là một biến chứng cần lưu ý xảy ra ở nam giới.

Biến chứng viêm tinh hoàn sau quai bị rất nguy hiểm vì có thể gây tổn thương cho cơ thể khi hoạt động và ảnh hưởng đến những cơ quan khác. Do vậy việc điều trị kịp thời, đúng cách biến chứng này là vô cùng quan trọng để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

1. Tại sao bị viêm tinh hoàn sau quai bị?

Quai bị hay còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai, là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh thường tạo thành dịch vào mùa đông - xuân, phổ biến với đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. Quai bị do virus gây nên và có khả năng lây lan qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành, ngay cả khi chưa khởi bệnh và vẫn lây khi đã khỏi bệnh.

Quai bị để lại một biến chứng rất hay gặp đó là viêm tinh hoàn đối với nam và viêm buồng trứng đối với nữ.

Viêm tinh hoàn sau quai bị ở trẻ em là tình trạng phổ biến nhất với triệu chứng đặc trưng là tinh hoàn sưng to, đau, mật độ chắc, da bìu phù nề, căng, bóng đỏ, thường chỉ diễn ra ở một bên. Viêm tinh hoàn là biến chứng nguy hiểm vì nếu bệnh tiến triển nặng hơn có thể dẫn đến vô sinh ở nam giới.

Nguyên nhân viêm tinh hoàn sau quai bị là do khi cơ thể mắc bệnh quai bị, nếu hoạt động quá nhiều sẽ khiến tiêu hao năng lượng làm cho khả năng đề kháng của cơ thể giảm đi; virus ở những nơi như tuyến nước bọt và những vị trí lân cận khác sẽ lây lan đến tinh hoàn, tụy tạng. Khi đã xâm nhập vào tinh hoàn, virus này sẽ gây tổn thương cho tế bào sinh tinh làm ống sinh tính phù nề, thương tổn và xơ hóa. Do số lượng ống sinh tinh trong cơ thể chỉ từ 400 đến 600 trong một đời sống nên việc tổn thương và xơ hóa ống sinh tinh lâu dài sẽ dẫn đến vô sinh, tuy nhiên tình trạng này cũng không gặp thường xuyên. Ngoài ra, khi đã có những hư hỏng ở ống sinh tinh, người nam giới sẽ rất dễ bị chấn thương khi có những va chạm nhẹ thường ngày như đi lại nhiều, ngồi ép ...

Điều trị viêm tinh hoàn sau quai bị
Quai bị để lại một biến chứng rất hay gặp đó là viêm tinh hoàn đối với nam

2. Điều trị viêm tinh hoàn sau quai bị

Điều trị viêm tinh hoàn quai bị theo nguyên tắc sẽ không có điều trị đặc hiệu mà chỉ tập trung kiểm soát triệu chứng. Những biện pháp điều trị triệu chứng viêm tinh hoàn bao gồm giảm đau, kháng viêm.

Vậy viêm tinh hoàn sau quai bị bao lâu thì khỏi? Thường những biểu hiện của bệnh sẽ tự biến mất sau khoảng từ 10 ngày cho đến 2 tuần. Bệnh nhân có thể được theo dõi điều trị viêm tinh hoàn sau quai bị bằng việc theo dõi chức năng tinh hoàn thông qua các xét nghiệm như nồng độ hormone và tinh dịch đồ.

Lưu ý khi chữa viêm tinh hoàn tại nhà đó là bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi tuyệt đối khi tinh hoàn còn sưng và đau, mang quần trong để treo tinh hoàn, hạn chế chấn thương lúc di chuyển và sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp bệnh đã tiến triển đến mức không còn khả năng sinh tinh thì cần đến những bệnh viện chuyên về nam khoa để điều trị vô sinh cũng như lưu trữ những tinh trùng khi chất lượng của tinh trùng chưa giảm quá nhiều.

3. Phòng ngừa viêm tinh hoàn sau quai bị như thế nào?

Điều trị viêm tinh hoàn sau quai bị
Mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng

Để chủ động phòng chống quai bị cũng như ngăn chặn biến chứng viêm tinh hoàn sau quai bị, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo vệ sinh nơi ở, vệ sinh nơi học tập làm việc, vệ sinh cá nhân nhất là vệ sinh đường hô hấp, đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với viêm nhiễm dẫn đến quai bị.

Đối với trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành chưa có miễn dịch thì cần được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh quai bị. Vắc xin phòng bệnh quai bị là loại vắc xin sống giảm độc lực, dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với vắc xin phòng sởi và Rubella. Thời gian tiêm đối với trẻ nhỏ là từ 12 đến 14 tháng tuổi, nên được tiêm mũi vắc xin kết hợp, sau đó tiêm liều thứ 2 nhắc lại lúc trẻ lên 4 đến 6 tuổi. Phụ nữ có thai cũng nên tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu với 1 liều.

Việc điều trị quai bị hay điều trị viêm tinh hoàn sau quai bị cho đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu. Do đó bệnh nhân cần được điều trị kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, tăng cường dinh dưỡng và vận động hợp lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan