Mẹ bị sốt xuất huyết có nên cho con bú?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra thông qua trung gian muỗi vằn truyền bệnh. Mặc dù bệnh lây theo đường máu, nhưng phụ nữ cho con bú khi bị sốt xuất huyết cũng rất lo lắng nếu nhiễm sốt xuất huyết có cho con bú được không?

1. Sốt xuất huyết lây qua đường nào?

Căn bệnh sốt xuất huyết có khả năng lây lan mạnh trong cộng động, thậm chí là bùng phát thành dịch. Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là loài muỗi Aedes màu đen, thân và chân có đốm trắng xen kẽ nên thường được gọi là muỗi vằn. Chúng ưa thích sinh sôi ở những nơi khuất vắng mà con người không hay để ý tới.

Thực tế, bản thân muỗi vằn khi mới sinh ra cũng đã có khả năng gây bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên chu trình truyền bệnh phổ biến là muỗi đốt bệnh nhân và hút phải máu có nhiễm virus Dengue. Sau đó virus phát triển và nhân lên trong cơ thể muỗi khoảng 1 tuần rồi truyền lên tuyến nước bọt. Lúc này, muỗi đã có khả năng tiếp tục truyền virus vào trong máu con người và lây lan bệnh sốt xuất huyết khi đi đốt người khỏe mạnh.

Về quá trình muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết trong môi trường, có hai cơ chế như sau:

  • Muỗi trực tiếp truyền virus gây bệnh qua nước bọt hay vết đốt vào con người.
  • Muỗi mang virus sốt xuất huyết truyền sang trứng rồi đẻ vào nước. Trứng sau đó nở thành loăng quăng, dần lột xác thành muỗi con mang virus sốt xuất huyết “bẩm sinh”. Sau đó thế hệ này đi đốt con người và lây truyền bệnh trong cộng động.

Khả năng người khỏe mạnh nhận máu của bệnh nhân sốt xuất huyết rồi bị lây bệnh là có thể xảy ra về mặt lý thuyết. Thế nhưng trường hợp này lại không bao giờ xuất hiện trên thực tế bởi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã mất máu thì không thể nào truyền máu.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cho người
Con đường truyền bệnh sốt xuất huyết từ muỗi Aedes (màu đen) sang cho người

Ngoài ra, y học cũng chưa từng được ghi nhận nguy cơ lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết giữa người với người, thông qua việc dùng chung bơm kim tiêm hay tiếp xúc với máu dính vào vết thương hở. Nhìn chung, sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc thông thường giữa người bệnh và người khỏe mạnh, càng không có chuyện sốt xuất huyết lây qua đường tình dục tương tự như con đường lây truyền của HIV. Do đó bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm diệt lăng quăng và không để cho muỗi đốt là cách phòng ngừa sốt xuất huyết đơn giản và hiệu quả nhất.

2. Mẹ bị sốt xuất huyết có cho con bú được không?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải bệnh sốt xuất huyết, từ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cho đến người lớn, trong đó không ngoại trừ đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú. Đối tượng nữ giới đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng khá nhạy cảm vì có liên quan trực tiếp đến trẻ nhũ nhi nên thường được quan tâm đặc biệt.

Vì thế mà đã có không ít bà mẹ đang cho con bú khi bị sốt xuất huyết rất lo ngại và băn khoăn liệu có nên tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ hay không. Cũng có quan niệm cho rằng phụ nữ bị sốt xuất huyết không được để bé bú vì có thể lây bệnh sang cho con thông qua đường sữa. Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu không chính thống tuyên bố tìm ra virus sốt xuất huyết trong sữa mẹ và cho rằng đây có thể là một trong những con đường lây truyền tiềm năng.

Sốt xuất huyết là gì?
Dấu hiệu xuất huyết dưới da của người bệnh mắc sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra

Đối với vấn đề sốt xuất huyết có cho con bú được không thì trên thực tế nếu mẹ cho con bú khi bị sốt xuất huyết sẽ không thể lây bệnh cho bé. Nguyên nhân là bởi vì virus gây bệnh sốt xuất huyết chỉ tồn tại trong máu chứ không phải trong sữa mẹ, do đó không thể lây truyền bệnh từ mẹ sang con, nếu có thì nguy cơ truyền bệnh cho bé cũng cực kỳ thấp. Xét về tương quan có thể đánh giá lợi ích sức khỏe từ việc bú sữa mẹ lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ lây nhiễm sốt xuất huyết. Hơn thế nữa, sữa mẹ, đặc biệt là sữa non, còn chứa kháng thể có khả năng chống lại virus gây bệnh. Nhờ vậy mà trẻ bú mẹ sẽ luôn được tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ sức khỏe. Vì thế những bà mẹ đang cho con bú khi bị sốt xuất huyết mặc dù sẽ mệt mỏi và đau toàn thân nhưng vẫn nên cố gắng cho trẻ bú đầy đủ.

Mẹ cho con bú khi bị sốt xuất huyết sẽ không thể lây bệnh cho bé
Mẹ cho con bú khi bị sốt xuất huyết sẽ không thể lây bệnh cho bé

Ở những trẻ đã lớn tháng và cứng cáp hơn, nếu mẹ đang cho con bú khi bị sốt xuất huyết cảm thấy không yên tâm, hoặc quá mệt mỏi khiến cơ thể không tiết đủ sữa, có thể tạm thời thay thế sữa công thức trong thời gian điều trị bệnh vài ngày cho đến khi mẹ khỏi hoàn toàn. Trong đó, paracetamol vừa là thuốc giúp hạ sốt và giảm đau, vừa được xem là khá an toàn vì chỉ truyền vào sữa mẹ một lượng thuốc rất nhỏ, nên thường được bác sĩ kê đơn điều trị đối với những bệnh nhân nữ cho con bú khi bị sốt xuất huyết. Tuyệt đối không nên tự ý dùng aspirin hay ibuprofen vì chúng có thể khiến tình trạng xuất huyết trở nên nặng hơn. Các bà mẹ cũng nên phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để được theo dõi các triệu chứng và chỉ định nhập viện điều trị khi cần thiết để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Tóm lại, sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn Aedes aegypti mang mầm virus lây truyền sang người qua đường máu chứ không liên quan đến đường hô hấp hay sữa mẹ. Chính vì vậy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng phụ nữ cho con bú khi bị sốt xuất huyết vẫn có thể tiếp tục cho em bé bú như bình thường. Tuy nhiên cần chú ý đề phòng bé cũng bị nhiễm sốt xuất huyết bằng cách tránh bị muỗi đốt, ngủ màn cả buổi sáng lẫn tối, cũng như phun xịt sản phẩm chống muỗi an toàn cho trẻ nhỏ, diệt lăng quăng và dọn dẹp môi trường sống thoáng đãng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan