Thế nào là liệu pháp hormone thay thế (HRT)?

Liệu pháp thay thế hormone (HRT) có thể giúp giảm mồ hôi trộm, bốc hỏa và các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ loãng xương. Một số loại HRT chứa cả progesterone và estrogen, một số chỉ có estrogen và đôi khi testosterone cũng được sử dụng. Phương pháp điều trị thay thế hormone cũng được sử dụng trong liệu pháp và điều trị nội tiết tố nam cho những người trải qua thay đổi giới tính.

1. Liệu pháp hormone thay thế là gì?

Liệu pháp hormone thay thế (HRT) hay còn gọi là liệu pháp hormone mãn kinh (MHT) hoặc liệu pháp hormone sau mãn kinh (PHT, PMHT). Liệu pháp này được áp dụng nhằm điều trị các triệu chứng xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh của phụ nữ. Các triệu chứng này bao gồm teo, khô âm đạo; trào huyết; mất xương và kèm theo một vài triệu chứng khác. Nguyên nhân chính gây ra những triệu chứng trên là do nồng độ nội tiết tố sinh dục bị giảm mạnh trong thời kỳ mãn kinh.

Các loại thuốc nội tiết tố chính được sử dụng trong HRT là estrogen và progestogen. Progestogen thường được sử dụng kèm theo estrogen đối với phụ nữ chưa cắt bỏ tử cung, được gọi là “liệu pháp hormon thay thế phối hợp” hay đơn giản là “liệu pháp hormone”. Liệu pháp estrogen đơn độc (không có progesterone) có liên quan đến tăng sản nội mạc tử cung và ung thư tử cung, việc uống progestogen giúp giảm những nguy cơ này.

2. Sử dụng liệu pháp hormone thay thế (HRT)

Liệu pháp hormone thay thế
Hormone estrogen được sử dụng ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm dạng viên uống, miếng dán trên da, dạng gel bôi hoặc thuốc xịt

Hormone estrogen được sử dụng ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm dạng viên uống, miếng dán trên da, dạng gel bôi hoặc thuốc xịt, tất cả đều có cùng một công dụng là cung cấp đều đặn estrogen cho cơ thể theo một liều lượng nhất định.

Với liệu pháp này, estrogen sẽ được phóng thích vào máu, sau đó được đưa đến các mô và các cơ quan đang cần, tuy nhiên, nó chỉ phóng thích một lượng nhỏ estrogen và các mô của âm đạo. Những trường hợp bị khô âm đạo có thể áp dụng liệu pháp hormone tại chỗ dưới dạng viên đặt, vòng âm đạo hoặc kem bôi.

Đối với loại viên uống, liệu trình cho mỗi tháng thường là từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt sẽ dùng viên uống estrogen, và trong 10 ngày tiếp theo sẽ dùng viên uống progestogen. Những ngày còn lại của kỳ kinh sẽ ngưng thuốc hoàn toàn, khoảng 1 tuần. Tác dụng của việc sử dụng thuốc có thể gây ra chảy máu âm đạo, nhưng không phải kinh nguyệt tự nhiên, lượng máu chảy ra có màu nhạt hơn và ít hơn kinh nguyệt bình thường, tình trạng này sẽ kéo dài từ 2-3 ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu âm đạo xảy ra bất thường như máu nhiều và kéo dài ngày, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để sớm được điều trị.

Khi sử dụng miếng dán trên da, estrogen trong miếng dán sẽ được giải phóng dần dần vào máu mà không cần thông qua gan. Người bệnh sẽ được cho uống kèm progesteron khi dùng miếng dán.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng dạng miếng cấy dưới da. Nó có khả năng giải phóng dần một lượng estrogen ổn định vào máu, tuy nhiên bạn cần phải cấy lại sau khoảng vài tháng và chi phí bỏ ra sẽ nhiều hơn so với dạng viên uống.

Để điều trị các triệu chứng như khô âm đạo, bạn có thể dùng dạng kem bôi trực tiếp vào âm đạo. Thuốc sẽ thẩm thấu qua da và nhanh chóng đi vào máu. Tuy nhiên, biện pháp này thường chỉ được dùng trong một thời gian ngắn.

Cần lưu ý rằng việc dùng phối hợp nhiều dạng thuốc có chứa estrogen cùng một lúc sẽ dẫn tới quá liều và gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như đau, cương tức vú, căng tức bụng, buồn nôn, tăng cân. Khi xuất hiện những dấu hiệu trên, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn giảm liều dùng.

Bởi vì mỗi người sẽ có một liều đáp ứng với estrogen, vì vậy bạn nên nghe theo sự tư vấn của bác sĩ và tuân thủ nghiêm túc đơn điều trị. Ngoài ra bạn cũng nên theo dõi thường xuyên, nếu xảy ra điều gì bất thường, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để nhận được giải pháp điều trị khác. Thêm vào đó, bạn cũng không được dùng chung đơn thuốc với người khác để tránh những hệ quả không mong muốn có thể xảy ra.

3. Các trường hợp không được chỉ định sử dụng HRT

Liệu pháp hormone thay thế
Liệu pháp chống chỉ định với người nghiện thuốc lá nặng

Trong một vài trường hợp, người bệnh không thể sử dụng liệu pháp thay thế hormone vì nó có thể mang lại một số nguy cơ khác, bao gồm gia tăng khả năng bị ung thư hoặc tái phát ung thư, làm đông máu bất thường. Dưới đây là những trường hợp cụ thể không được chỉ định sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT):

  • Người mắc bệnh thuyên tắc mạch
  • Người nghiện thuốc lá nặng
  • Người bị cao huyết áp
  • Người bị bệnh thận hoặc gan nghiêm trọng
  • Người bị bệnh túi mật
  • Người có các khối u ác tính ở vú hoặc nội mạc tử cung
  • Người bị xơ cứng tai
  • Những người trong gia đình có bà, mẹ, chị hoặc em bị ung thư vú, ung thư cổ tử cung
  • Những người ra huyết âm đạo không rõ nguyên nhân
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Tai biến mạch máu não
  • Tiểu đường
  • Bệnh lupus ban đỏ

4. Một số lợi ích khi sử dụng liệu pháp hormon thay thế (HRT)

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp estrogen toàn thân (đi kèm hoặc không đi kèm progestin) là biện pháp điều trị hữu hiệu nhất cho chứng trào huyết và đổ mồ hôi trộm. Bên cạnh đó, liệu pháp bổ sung estrogen còn giúp làm giảm các triệu chứng vận mạch, đẩy lùi lão hóa, giảm các triệu chứng teo khô ở sinh dục, rất tốt cho hệ thống xương, ngăn ngừa và làm giảm hiện tượng xốp, tiêu xương, hạn chế được tỷ lệ gãy xương. Nó cũng rất có lợi cho hệ tim mạch và cải thiện được tình trạng xơ vữa mạch máu.

Ngoài ra, bổ sung estrogen còn giúp làm tăng ham muốn tình dục, tăng cường trí nhớ, tăng tưới máu não và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

5. Nguy cơ của liệu pháp hormon thay thế (HRT)

Liệu pháp hormone thay thế
Liệu pháp hormone thay thế có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim

Thực chất, liệu pháp hormon thay thế không thể cung cấp và đáp ứng đầy đủ lượng estrogen cho phụ nữ như khi chưa mãn kinh, do nó chỉ đưa được một lượng nhỏ estrogen vào trong cơ thể. Mặt khác, việc điều trị bằng hormon thay thế cũng tồn tại nhiều nguy cơ nếu không sử dụng đúng liều lượng. Các tác hại khi điều trị estrogen bao gồm:

  • Tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Nguy cơ này có liên quan đến tuổi tác, tình trạng bệnh đang mắc phải và thời điểm người bệnh bắt đầu uống hormon thay thế.
  • Liệu pháp hormone phối hợp và liệu pháp chỉ chứa estrogen làm tăng nguy cơ đột quỵ và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
  • Liệu pháp hormone phối hợp cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Liệu pháp hormone có hoặc không có progestin gây ra nguy cơ cao mắc bệnh túi mật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.gov, Medicalnewstoday.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.4K

Dịch vụ từ Vinmec