Nguyên nhân gây loãng xương - biết sớm, dự phòng sớm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Lê Dương Tiến - CK Nội cơ xương khớp, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có 20 kinh nghiệm làm chuyên môn về chuyên khoa Nội. Đặc biệt bác sĩ Tiến có nhiều năm kinh nghiệm về nội cơ xương khớp, thần kinh, nội tiết và tim mạch.

Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này.

Bệnh loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ xương và tổn thương vi cấu trúc của xương bao gồm cả cấu trúc hữu cơ và cấu trúc vô cơ. Điều này làm suy giảm sức mạnh của xương, khiến cho xương dễ bị gãy, đây cũng chính là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương.

1. Nguyên nhân bệnh loãng xương

Có rất nhiều nguyên nhân gây loãng xương, các nguyên nhân này có thể chia làm 2 nhóm chính, đó là nhóm nguyên nhân không thể kiểm soát và nhóm nguyên nhân có thể kiểm soát.

1.1. Nguyên nhân không thể kiểm soát

  • Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có một vài người đã hoặc đang bị bệnh loãng xương thì bạn có nguy cơ cao bị loãng xương.
  • Giới tính: Tỷ lệ nữ giới bị loãng xương cao hơn nam giới.
  • Sắc tộc: Người da vàng và da trắng có nguy cơ bị loãng xương cao hơn người da đen.

1.2. Nguyên nhân có thể kiểm soát

  • Do thiếu hụt hormone: Hormone estrogen có tác dụng bảo vệ xương, do đó những người có nồng độ estrogen thấp sẽ có nguy cơ cao bị bệnh loãng xương.
    • Tình trạng estrogen thấp thường gặp ở phụ nữ tuổi mãn kinh hay những phụ nữ phải cắt bỏ cả 2 buồng trứng vì một lý do nào đó. Tuy nhiên với những bạn nữ trẻ tuổi, nếu kinh nguyệt không đều cũng có thể là do nồng độ estrogen thấp, do đó cũng dễ bị loãng xương, chứ không phải đến khi mãn kinh mới bị. Cũng chính vì vậy mà bệnh loãng xương gặp ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông.
    • Ở đàn ông hormone testosterone đảm nhiệm vai trò bảo vệ xương, do đó những nam giới có lượng hormone sinh dục thấp thì nguy cơ bị loãng xương sẽ cao hơn so với những người có lượng hormon sinh dục bình thường.
  • Từng bị gãy xương: Nếu bạn từng bị gãy xương thì cũng có thể có nguy cơ bị loãng xương cao hơn so với những người khác. Bởi có thể nguyên nhân khiến xương bị gãy là do mật độ xương thấp.
  • Chế độ dinh dưỡng: Nếu trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày thiếu canxi và các khoáng chất khác (vitamin D, vitamin B6, B12, vitamin K magie, photpho,...) hay cơ thể không hấp thu được canxi vì một lý do nào đó thì sẽ dễ dàng dẫn đến bệnh loãng xương. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều một số chất cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tới xương như:
    • Protein: Đây là một chất quan trọng với cơ thể, song khi ăn quá nhiều protein có thể làm giảm canxi.
    • Uống quá nhiều hoặc lạm dụng rượu, cafe sẽ làm giảm sự hấp thu canxi và làm giảm khả năng sử dụng canxi của cơ thể.
Hướng dẫn cách bổ sung canxi an toàn, phòng tránh sớm bệnh cơ xương khớp
Chế độ ăn uống thiếu canxi là một trong những nguyên nhân gây loãng xương
  • Một số bệnh có thể gây loãng xương: Loãng xương có thể là hậu quả của một bệnh nào đó, tình trạng này được gọi là loãng xương thứ phát.
    • Các bệnh về tiêu hóa: Gây cản trở quá trình hấp thu canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác, từ đó ảnh hưởng tới việc tái tạo xương trong cơ thể.
    • Các bệnh về thận: Có thể gây mất canxi, từ đó làm xáo trộn, làm mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và quá trình hủy xương.
    • Các bệnh về tuyến giáp và cận giáp: Bệnh cường giáp trạng sản sinh ra nhiều hormon tuyến giáp làm xương bị yếu. Cường cận giáp làm cho cơ thể tạo ra nhiều hormon cận giáp dẫn tới làm mất xương.
  • Một số loại thuốc gây loãng xương:
    • Thuốc chống co giật hoặc thuốc chống động kinh.
    • Thuốc giảm axit dịch dạ dày có aluminum.
    • Corticosteroid: Prednisone là một loại corticosteroid có thể gây mất xương rất mạnh.
    • Hormon tuyến giáp: Những bệnh nhân bị suy giáp hoặc cắt tuyến giáp phải sử dụng hormon tuyến giáp, khi sử dụng quá nhiều có thể làm xương yếu đi.
  • Tập luyện thể dục: Nếu bạn không tập thể dục sẽ làm cho xương của bạn yếu và dễ bị loãng xương. Tập luyện thể dục thường xuyên sẽ giúp cho xương của bạn chắc khỏe, phòng ngừa được bệnh loãng xương.
  • Cân nặng: Những người nhẹ cân có nguy cơ bị loãng xương cao hơn. Đặc biệt là những phụ nữ có thân hình nhỏ bé, xương nhỏ cần phải cẩn thận do khối lượng xương trong cơ thể thấp.
  • Hút thuốc lá: Làm tăng nguy cơ loãng xương theo một vài cách: các hóa chất trong thuốc lá khiến cho cơ thể khó sử dụng canxi; đồng thời nó còn khiến cho hormone estrogen không thực hiện được nhiệm vụ của mình.

2. Ai dễ bị loãng xương?

Từ các nguyên nhân kể trên, ta có thể tổng hợp những người dễ bị loãng xương đó là:

  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương.
  • Người trên 70 tuổi.
  • Phụ nữ sinh từ 3 con trở lên, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
  • Những người thấp bé, nhẹ cân.
  • Những người có nghề nghiệp tĩnh tại và không tập luyện thể dục thể thao.
  • Người mắc một số bệnh lý như: Cường giáp, suy thận, cắt dạ dày - ruột, cắt buồng trứng,...
  • Những người sử dụng một số loại thuốc kéo dài như thuốc corticosteroid, thuốc chống động kinh, thuốc lợi tiểu,...
  • Người có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi, vitamin D và các nguyên tố vi lượng khác.
  • Những người có lối sống không lành mạnh như: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, cafe, trà đặc,...

3. Làm gì để phòng tránh bệnh loãng xương?

Để phòng tránh loãng xương, các bạn cần chú ý đến các vấn đề chính sau đây:

  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
  • Loại bỏ lối sống không lành mạnh: Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa việc uống rượu, cafe hay trà đặc.
  • Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện và điều trị bệnh sớm (nếu có).

Như vậy có rất nhiều nguyên nhân gây loãng xương, có một số nguyên nhân chúng ta không thể kiểm soát được, nhưng cũng có không ít nguyên nhân chúng ta có thể kiểm soát được. Kiểm soát tốt các nguyên nhân đó chính là biện pháp phòng bệnh loãng xương hiệu quả nhất mà các bạn có thể làm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Trẻ em có nên ăn muối
    Nguồn cung cấp muối và cách cắt giảm

    Nhiều người đang ăn gần gấp đôi lượng muối (natri) mà cơ thể chúng ta cần, phần lớn là do muối được chế biến trong nhiều loại thực phẩm dùng cho các bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra một phần ...

    Đọc thêm
  • ribometa
    Công dụng thuốc Ribometa 4mg/5ml

    Thuốc Ribometa 4mg/5ml (Axit zoledronic) là một bisphosphonate, hoạt động chủ yếu trên xương. Thuốc là chất ức chế tiêu xương qua trung gian hủy cốt bào. Bài viết dưới đây cho bạn đọc biết rõ về tác dụng của ...

    Đọc thêm
  • Evenity
    Thông tin về thuốc Evenity

    Evenity là thuốc được sử dụng để điều trị chứng loãng xương ở phụ nữ khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Cùng theo dõi bài viết để có thêm những thông tin về thuốc Evenity.

    Đọc thêm
  • bệnh lý cơ xương khớp
    Phòng ngừa và điều trị bệnh lý về xương ở người tiểu đường

    Bệnh xương khớp là một trong các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Vì thế, việc phòng ngừa và điều trị bệnh lý xương khớp ở người bệnh tiểu đường rất quan trọng. Việc tuân thủ theo ...

    Đọc thêm
  • Sagafosa
    Công dụng thuốc Sagafosa

    Thuốc Sagafosa có thành phần chính là Sodium Alendronate, được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý xương khớp. Thuốc cần được sử dụng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Cùng tìm hiểu công dụng ...

    Đọc thêm