Bé không tăng cân trong 3 tháng liên tục, có đáng lo?

Nuôi con, trông ngóng con phát triển từng ngày, sự phát triển của bé là niềm hạnh phúc của các bậc phụ huynh. Chính vì vậy khi thấy trẻ chậm phát triển, chậm tăng cân, bạn sẽ không khỏi lo lắng. Vậy nếu bé không tăng cân trong 3 tháng liên tục bạn phải làm sao?

1. Nguyên nhân nào khiến bé không tăng cân trong 3 tháng?

Nguyên nhân khiến bé 3 tháng không tăng cân hoặc chậm tăng cân có thể do không được cung cấp không đủ chất dinh dưỡng, do bệnh lý, trẻ biếng ăn hoặc thức ăn không cân đối..., trẻ kém hấp thu, chưa đáp ứng được mức cao hơn bình thường do sinh non, trong và sau khi bệnh, sau phẫu thuật....

Các nhóm nguyên nhân thường khiến trẻ chậm tăng cân theo từng nhóm tuổi:

  • Trước sinh (gây ra tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, sinh nhẹ cân): Trẻ bị nhiễm trùng trong thai kỳ hoặc tiếp xúc với thuốc hay hóa chất gây chậm tăng trưởng thai; hay do mẹ hút thuốc lá, uống rượu; dị tật bẩm sinh của thai.
  • Sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi): Trẻ sinh non, khả năng bú kém (thường do mẹ hoặc do bình sữa), pha sữa sai, cho trẻ bú không đúng cách, ép trẻ bú, các dị tật bẩm sinh hoặc bệnh lý gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
  • Trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi: Do trẻ bú thiếu, pha sữa sai cách, trẻ không dung nạp protein trong sữa, các bệnh lý vùng miệng, trào ngược dạ dày thực quản hoặc dị tật bẩm sinh.
  • Trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi: Do nuôi dưỡng trẻ sai cách như chọn thức ăn không phù hợp lứa tuổi và khẩu vị của trẻ, cho trẻ ăn dặm muộn sau 6 tháng tuổi, không kiên nhẫn tập cho trẻ ăn khi trẻ từ chối thức ăn mới, do các bệnh lý ở miệng-hầu-họng, ký sinh trùng đường ruột.
  • Trẻ trên 12 tháng tuổi và trẻ lớn: Do trẻ mất tập trung khi ăn, ham chơi, do bệnh tật hay do các sang chấn tâm lý trong gia đình, các vấn đề xã hội khác như do điều kiện kinh tế, sợ thừa cân, hạn chế các loại thức ăn do tập quán..., trẻ bị rối loạn tâm lý, rối loạn nuốt.

2. Bé không tăng cân trong 3 tháng liên tục có đáng lo?

Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ thường diễn ra từ từ, đến khi bạn nhận biết được thường đã muộn. Khi trẻ 3 tháng không tăng cân có thể là một trong những dấu hiệu của tình trạng suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, còn có những biểu hiện khác mà bạn nên lưu ý như: Cân nặng của trẻ giảm 5-10% trọng lượng cơ thể trong vòng 3-6 tháng, kèm theo những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày như hay quấy khóc, kém linh hoạt, ít vui chơi, cơ thể chậm chạp, chậm phát triển vận động, cơ bắp mềm nhão....

Trẻ 3 tháng không tăng cân
Bé không tăng cân trong 3 tháng có thể là dấu hiệu suy dinh dưỡng

Thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của trẻ. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời, khi trẻ cần nhiều dưỡng chất để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng về chiều cao lẫn cân nặng và hoàn thiện các chức năng trong cơ thể.

Hệ miễn dịch của trẻ cũng không đủ khỏe mạnh để chống lại các bệnh truyền nhiễm. Khi trưởng thành, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh mãn tính không lây như huyết áp cao, bệnh tiểu đường... Chứng biếng ăn ở trẻ có thể làm tình trạng trầm trọng hơn, khiến trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn bệnh tật.

Về mặt tinh thần, khi trẻ bị suy dinh dưỡng còn có xu hướng thay đổi hành vi như tỏ ra thờ ơ, hay quấy khóc, gây ảnh hưởng đến khả năng học hỏi và phát triển trong tương lai sau này.

Cách đơn giản nhất để nhận biết tình trạng này đó là theo dõi diễn biến cân nặng của trẻ đều đặn hàng tháng. Tăng cân đều đặn là dấu hiệu cho thấy trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường. Khi bé không tăng cân trong 3 tháng liên tục thì có thể là báo động vấn đề sức khỏe và việc nuôi dưỡng chưa tốt, bạn cần cho bé đi khám để phát hiện đúng nguyên nhân để khắc phục hợp lý.

3. Trẻ 3 tháng không tăng cân phải làm sao?

Cách điều trị tình trạng chậm tăng cân, không tăng cân của trẻ tùy theo nguyên nhân, do đó bạn cần đưa trẻ đi khám. Dưới đây là một số việc bạn có thể làm để giúp trẻ tăng cân:

  • Tăng cường cung cấp các chất dinh dưỡng, năng lượng cho trẻ.
  • Chia nhiều bữa ăn trong ngày để trẻ dễ tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất.
  • Cho trẻ vận động, thể dục vừa phải với cường độ tương đương đi bộ trong 30 phút trước bữa ăn sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn và kích thích tăng trưởng cơ.
  • Nấu thức ăn cho trẻ cần đa dạng, ngon, phù hợp lứa tuổi.
  • Cung cấp thêm cho trẻ các loại vitamin, khoáng chất hoặc vi lượng bị thiếu hụt.
  • Chỉ sử dụng thuốc tăng cân cho trẻ khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ.

Đặc biệt, bạn nên lưu ý những điều sau để có thể cung cấp cho bác sĩ khi cho trẻ đi khám chậm tăng cân:

  • Trẻ có nôn ói, trớ, tiêu chảy hay nhai lại thức ăn không?
  • Trẻ có sợ hay từ chối một số dạng thức ăn hay không? Đó có thể là dấu hiệu của rối loạn nhai hoặc nuốt.
  • Trẻ không ăn hoặc sợ một nhóm thức ăn nào đó có thể là dấu hiệu của tình trạng không dung nạp hoặc dị ứng thức ăn.
  • Trẻ có uống quá nhiều nước hoặc nước trái cây không? Điều này sẽ làm trẻ ăn ít thức ăn đặc hơn và gây thiếu chất dinh dưỡng cần thiết.
  • Trẻ có đang tuân thủ một chế độ ăn kiêng như ăn chay, dị ứng sữa, không có lactose... hay không?
Trẻ 3 tháng không tăng cân
Bạn nên đưa trẻ đi khám nếu bé không tăng cân trong 3 tháng để có hướng điều trị phù hợp

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân khiến bé 3 tháng không tăng cân. Cách đơn giản nhất để nhận biết tình trạng này đó là theo dõi diễn biến cân nặng của trẻ đều đặn hàng tháng. Tăng cân đều đặn là dấu hiệu cho thấy trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường. Khi bé không tăng cân trong 3 tháng liên tục thì có thể là báo động vấn đề sức khỏe và việc nuôi dưỡng chưa tốt, bạn cần cho bé đi khám để phát hiện đúng nguyên nhân để khắc phục hợp lý.

Trường hợp trẻ kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan