Bé trai 9 tháng nặng 8kg có phải là thiếu cân, suy dinh dưỡng?

Cân nặng là một trong những yếu tố đánh giá quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ luôn đặt ra những câu hỏi về cân nặng tiêu chuẩn của trẻ theo từng độ tuổi, chẳng hạn như bé trai 9 tháng tuổi nặng 8 kg có phải là thiếu cân, suy dinh dưỡng hay không? Bài viết hôm nay sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi trên.

1. Sự phát triển của trẻ em ở giai đoạn 9 tháng tuổi

Em bé 9 tháng tuổi đang bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Quá trình phát triển thể chất bao gồm sự phát triển về cân nặng, cùng với đó là sự tăng trưởng về chiều cao của trẻ. Theo đó, trẻ ở giai đoạn này đã bắt đầu , trườn và có thể tự kéo mình đứng lên rồi đi lần quanh bàn ghế. Quá trình phát triển thể chất của trẻ còn được thể hiện qua việc trẻ có thể cầm ném đồ vật, biết cho các ngón tay vào miệng, nắm chặt tay và có thể uống nước bằng cốc. Đây cũng là thời điểm bé bắt đầu biết chỉ tay vào đồ vật và đã bắt đầu mọc răng.

Bên cạnh quá trình phát triển về thể chất, sự phát triển về cảm xúc của trẻ 9 tháng tuổi cũng được thể hiện rõ ràng. Ở giai đoạn này, bé đã biết thích thú với mọi thứ xung quanh, tỏ ra lo lắng, căng thẳng hay bật khóc khi cha mẹ rời đi chỗ khác. Trẻ ở độ tuổi này đã có thể ngủ qua đêm, tuy nhiên trẻ cũng thường hay thức dậy vào ban đêm và khóc đặc biệt là khi không có cha mẹ bên cạnh.

Quá trình phát triển trí tuệ ở trẻ em 9 tháng tuổi được thể hiện thông qua việc trẻ đã có thể nhận biết tên mình, hiểu được một vài từ, có thể bập bẹ và bắt chước các âm thanh của người lớn. Trẻ đã có thể vẫy tay chào tạm biệt hay chơi các trò chơi như ú òa...

Xem ngay: Cho bé 9 tháng ăn gì để tăng cân và chiều cao?

2. Bé trai 9 tháng tuổi nặng 8 kg có phải là thiếu cân, suy dinh dưỡng?

Các bậc cha mẹ có con nhỏ thường đặt ra câu hỏi rằng liệu bé trai 9 tháng tuổi nặng 8 kg thì có đủ cân nặng tiêu chuẩn hay không? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi trẻ sẽ có tốc độ phát triển khác nhau, tùy thuộc vào các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống bao gồm cả yếu tố di truyền và môi trường. Để xác định xem trẻ có đang phát triển với tốc độ khỏe mạnh về cân nặng hay không, bảng cân nặng tiêu chuẩn theo độ tuổi do Tổ chức Y tế thế giới công bố (WHO) hiện nay là con số chính xác nhất. Theo đó, bé trai 9 tháng tuổi có cân nặng tiêu chuẩn khoảng 8,9 kg, chiều cao đạt chuẩn khoảng 69,6 cm. Cũng theo bảng cân nặng tiêu chuẩn của WHO, bé trai 9 tháng tuổi suy dinh dưỡng khi mức cân nặng từ 7,2 kg trở xuống.

Như vậy, bé trai 9 tháng tuổi nặng 8 kg là mức cân nặng bình thường. Tuy nhiên, trẻ có mức cân nặng này thường sẽ nhỏ hơn các bạn cùng tuổi. Chính vì vậy, cha mẹ nên xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng và chăm sóc phù hợp.

Xem ngay: Trẻ 9 tháng ăn gì để tăng chiều cao?

em bé 9 tháng tuổi
Cân nặng của em bé 9 tháng tuổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau

3. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho em bé 9 tháng tuổi

Đối với trẻ em ở giai đoạn phát triển, đặc biệt là các bé 9 tháng tuổi nhẹ cân việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ là vô cùng quan trọng. Trẻ ở giai đoạn này ngoài sữa mẹ, bé cần được ăn dặm thêm cháo đặc, bột, trái cây... Chế độ ăn hàng ngày của trẻ gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ đảm bảo chứa đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng cơ bản gồm bột đường, chất béo, đạm, vitamin và khoáng chất như sau:

  • Bột đường chứa nhiều trong các thực phẩm là gạo, lúa mì, yến mạch, các loại đậu...
  • Chất đạm chứa nhiều trong các thực phẩm như tôm, cua, cá, thịt, lòng đỏ trứng...
  • Vitamin và khoáng chất chứa nhiều trong các thực phẩm như rau củ, trái cây đặc biệt là các loại rau màu xanh đậm và trái cây họ cam quýt.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa như bơ, phô mai, yaourt...

Khẩu phần ăn trong ngày đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của em bé 9 tháng tuổi bao gồm khoảng 500 – 600 ml sữa mẹ, ba bữa chính là bột, cháo ăn dặm hoặc cơm nhão kết hợp với dầu ăn, rau xanh, trái cây. Trong đó, lượng dinh dưỡng trong một bữa ăn khoảng 60 – 90 g gạo tẻ trắng, 60 – 90 g tôm (hoặc cá, thịt..), 15g dầu mỡ, quả chín và rau xanh... Ba bữa phụ cha mẹ có thể cho trẻ ăn phô mai, trái cây, yaourt, bánh quy...

Bên cạnh đó, trẻ em 9 tháng tuổi đã có răng cửa và bắt đầu quá trình tập nhai. Do vậy, cha mẹ có thể tập cho trẻ ăn cháo nguyên hạt và rau của quả băm nhuyễn mà không cần xay hay nghiền nát như giai đoạn trước. Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ nên được thay đổi thường xuyên, đa dạng và cung cấp đủ chất để giúp bé ăn ngon miệng hơn. Đặc biệt với những trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, việc cung cấp vi chất sắt trong thực đơn của trẻ như thịt đỏ, gan lợn, gan gà... là cần thiết.

Khác với giai đoạn 6 tháng đầu đời, trẻ em 9 tháng tuổi đã quen với các bữa ăn dặm nên cha mẹ cần cho trẻ uống nước đầy đủ để tránh hiện tượng táo bón. Cùng với đó, giai đoạn 9 tháng tuổi trẻ vẫn chưa sử dụng được các sản phẩm như lòng trắng trứng, sữa tươi, các loại hải sản thuộc vỏ cứng như ốc, trai, sò.. vì nguy cơ dị ứng thực phẩm cao.

Một số món ăn dinh dưỡng cho trẻ ở giai đoạn này như cháo cá hồi nấu bí đỏ, cháo gan gà và khoai lang, cháo thịt heo và rau ngót, cháo tôm và cải bó xôi...

4. Một số lưu ý của cha mẹ khi chăm sóc trẻ em giai đoạn 9 tháng tuổi


Hiểu rõ được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ giúp cha mẹ có chế độ chăm sóc tốt nhất. Theo đó, cùng với chế độ dinh dưỡng cha mẹ nên lưu ý một số vấn đề như sau để em bé 9 tháng tuổi phát triển toàn diện hơn:

  • Cha mẹ nên cho bé ngủ trưa, ngủ tối theo đúng giờ nhất định và khuyến khích trẻ ngủ trong nôi của mình.
  • Cha mẹ nên xây dựng chế độ phát triển trí tuệ cho trẻ bằng việc đọc sách cho bé nghe hàng ngày, chọn các sách có nhiều hình vẽ, màu sắc và chất liệu thú vị. Mẹ nên tập cho bé sờ, nói theo và chỉ các đồ vật xung quanh, đọc các bài thơ theo vần điệu và hát cùng với bé. Cha mẹ cũng nên cho trẻ làm quen với ngôn ngữ thứ hai nếu có sử dụng ngôn ngữ đó trong gia đình.
em bé 9 tháng tuổi
Cha mẹ nên đọc sách cho em bé 9 tháng tuổi nghe giúp bé phát triển trí tuệ

Cha mẹ nên đảm bảo môi trường chăm sóc trẻ an toàn nhất. Chẳng hạn như cha mẹ không nên để nôi chăm trẻ quá cao vì trẻ ở độ tuổi này đã có thể níu để đứng dậy. Các vật dụng như dây điện thoại, dây điện, dây kéo cửa chớp không được treo lủng lẳng quanh nhà, đảm bảo môi trường không có thuốc lá hoặc các chất gây nghiện cho bé. Các đồ vật nặng, thuốc và các hóa chất độc hại phải được đậy kín nắp và để xa tầm tay của trẻ...

Ngoài việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan