Cách thức giao tiếp phù hợp với trẻ em từ giai đoạn 1 tuổi

Bài viết của Thạc sĩ Trần Ngọc Ly – Chuyên viên Tâm lý, Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Từ mốc 1 tuổi, ngôn ngữ là một trong những lĩnh vực phát triển cần chú trọng cho trẻ. Bài viết sẽ hướng dẫn cha mẹ và người chăm sóc cách thức giao tiếp với trẻ 1 tuổi.

Nhu cầu hiểu ngôn ngữ và thể hiện ý muốn của trẻ. Ngôn ngữ sẽ song hành với các nhu cầu di chuyển, khám phá sự vật, phát triển vượt bậc trong quan sát và bắt chước hành vi của trẻ. Ngôn ngữ gồm có ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hiểu. Ngôn ngữ nói là cách trẻ thể hiện nhu cầu/ quan điểm của mình bằng hành vi cử chỉ hoặc bằng âm lời nói, không chỉ giới hạn ở tiếng khóc như thuở bé. Ở thời điểm 1 tuổi, trẻ cần biết chỉ tay để thể hiện nhu cầu, hoặc để thu hút sự chú ý của người lớn đến một đối tượng khác. Có nhiều trẻ đã biết bắt chước các âm thanh đơn giản hoặc một số từ đơn. Bên cạnh đó, việc hiểu ngôn ngữ cũng thể hiện thông qua khả năng trẻ làm theo được những yêu cầu, giới thiệu của người khác, hoặc nhận biết về các đồ vật xung quanh. Trẻ cần biết lắc đầu, gật đầu hoặc chỉ tay để trả lời câu hỏi của người khác.

1. Giao tiếp với trẻ 1 tuổi ngang tầm mắt với trẻ

Để đáp ứng tốt nhu cầu ngôn ngữ của trẻ ở giai đoạn này, cha mẹ và người chăm sóc trước tiên cần chú trọng đến cách thức tương tác và giao tiếp với trẻ. Cần lưu ý, tầm vóc của trẻ trẻ lúc này thấp hơn rất nhiều so với người lớn, tầm nhìn của trẻ chỉ ngang với đầu gối của người lớn. Do đó, bạn hãy ngồi thấp xuống, ngang tầm mắt với trẻ, giao tiếp mắt với trẻ để trẻ thấy rõ được khuôn mặt, giọng nói, khẩu hình của người đối diện một cách rõ nhất.

Một cách thức khác có thể thực hiện thêm là đặt trẻ ở vị trí cao hơn, ví dụ như đặt trẻ ngồi trên ghế còn người lớn ngồi dưới đất, trẻ đứng trên bậc thang còn người lớn đứng phía dưới, hoặc bế trẻ trên tay... khi trò chuyện với trẻ.

2. Tăng cường giới thiệu với trẻ 1 tuổi về mọi thứ xung quanh

Trẻ 1 tuổi đang bắt đầu hình thành cá tính riêng của mình, nên người lớn cần coi trẻ như một bản thể độc lập. Nói chuyện, giao tiếp với trẻ 1 tuổi cũng như nói với một người có nhận thức, chứ không chỉ đưa ra những câu sai khiến, những câu chê trách hoặc những câu nói tục. Cha mẹ và người chăm sóc cần cần nói với trẻ về mọi thứ xung quanh trẻ.

  • Những việc đang và sắp diễn ra. Ví dụ: “Bố sắp về rồi, bây giờ mẹ con mình xuống chuẩn bị cơm và chờ bố nhé.”
  • Mô tả cho trẻ những gì trẻ đang nhìn thấy – sờ thấy – nghe thấy – ngửi thấy. Ví dụ: “Đây là vườn hoa. Có rất nhiều hoa và bướm. Bông hoa mà con đang cầm là hoa hồng đấy. Ngửi xem có thơm không nào?
  • Nhận xét về những việc trẻ hoặc người khác đang làm. Ví dụ: “Chi đi về không cất dép kìa, lêu lêu
  • Chia sẻ về cảm xúc của người lớn về những sự việc đã diễn ra, hoặc những gì trẻ làm. Ví dụ: “Mẹ không thích việc em bày đồ chơi ra thế này đâu
  • Giới thiệu cho trẻ về những đồ vật đồ xung quanh với những tính từ khác nhau: Gọi tên các bộ phận trên cơ thể của bé, của mẹ, của búp bê; tên gọi những con vật trẻ nhìn thấy kèm tiếng kêu; các đồ vật trong gia đình; tên gọi của các món mà trẻ được ăn...
  • Bổ sung thêm vốn động từ bằng cách nói hoặc giới thiệu về hoạt động của trẻ và những người khác...

Nội dung giao tiếp với trẻ 1 tuổi như là giữa những người bạn với nhau, nhưng sử dụng những câu ngắn gọn, từ dễ hiểu và có trọng tâm. Ví dụ, có thể giới thiệu với trẻ về hoạt động ngủ: “Em ơi, đến giờ đi ngủ rồi. Con đi lấy quần, áo, dầu tràm. Mẹ thay cho rồi đi ngủ nhé...”. Hoặc có thể kết hợp giới thiệu về đường phố khi cho trẻ đi dạo “Đây là nhà sách, mẹ sẽ mua sách cho con. Tiếp đến là siêu thị, mẹ cần vào mua sữa. Đi đến chỗ rẽ là về đến nhà rồi”. Trong lúc đó, từ ngữ và hình ảnh hoặc hoạt động sẽ luôn đi kèm với nhau. Mục đích của việc giới thiệu các hoạt động là để tăng cường khả năng hiểu ngôn ngữ, tăng cường sự chú ý và tích lũy vốn từ cho trẻ, đảm bảo trẻ luôn được “tắm” trong môi trường giàu ngôn ngữ.

3. Nói chuyện với trẻ 1 tuổi về các hoạt động trẻ đang tham gia

Ngoài ra, cha mẹ và người chăm sóc có thể đặt ra một số câu hỏi đơn giản về nhu cầu của trẻ, để trẻ được tham gia vào hoạt động của chính mình. Ví dụ, có thể hỏi xem trẻ muốn lựa chọn đồ chơi nào trong 2 món đồ chơi mẹ đưa ra, ăn món nào trong 2món có sẵn... Hoặc hỏi xem trẻ muốn chơi tiếp hay trẻ sẽ muốn cất đi, hoặc trẻ có cần trợ giúp không. Với một em bé có ý chí, trẻ sẽ tìm cách để trả lời nhu cầu của mình qua ngôn ngữ (“có”, “không”, hoặc “cá” để lựa chọn con cá khi mẹ hỏi) hoặc qua hành động (đẩy đồ này ra xa ám chỉ việc không thích, chỉ tay vào đồ khác để thể hiện sự lựa chọn).

4. Ghi nhận sự cố gắng giao tiếp của trẻ 1 tuổi

Một điều cần lưu ý nữa là bố mẹ hãy ghi nhận ĐÚNG và CHÍNH XÁC những gì trẻ đạt được. Nhiều bố mẹ sẽ có xu hướng yêu và khen con nhiều. Điều đó rất tốt, bởi sẽ hình thành nên sự tự tin cho trẻ và khích lệ trẻ tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, cần chỉ ra được cho trẻ thấy trẻ “tốt” hoặc “ngoan” như thế nào.

Ví dụ, khi trẻ cố gắng bắt chước xếp hình theo bố mẹ, có thể khen trẻ “Con xếp giỏi lắm”, hoặc “Bông quan sát tốt và xây tháp rất cao nhé”. Việc nói rõ hành động không chỉ tăng vốn từ cho trẻ, mà còn cho trẻ biết trẻ đang thực hiện hành vi tốt như thế nào. Kết hợp với lời khen cần có những cử chỉ, hành động phù hợp như đập tay với trẻ, như cười hoặc thể hiện khuôn mặt vui nhộn cho trẻ thấy... Hãy khen vì mọi sự cố gắng của trẻ, dù đôi khi việc trẻ khám phá gây ra những sự đổ vỡ hoặc những rắc rối.

5. Đặt ra các nguyên tắc cho trẻ 1 tuổi giao tiếp

Bên cạnh đó, ở giai đoạn trẻ 1 tuổi, trẻ cần hiểu ý nghĩa của từ “Có” và “Không”, kèm theo thái độ của người lớn, nên hoàn toàn có thể hướng dẫn trẻ tuân thủ một số quy tắc đơn giản. Ví dụ:

  • Chào người khác khi mới gặp, hoặc khi ra về (với sự hỗ trợ của bố mẹ)
  • Dừng hành vi không phù hợp khi người lớn yêu cầu – những hành vi cần dừng lại là những hành vi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ và cho người khác.

Tuy nhiên, với những hành vi khám phá, người lớn nên khuyến khích trẻ thực hiện, và cần đảm bảo sự an toàn cho trẻ.

  • Dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong
  • Lấy đồ khi bố mẹ đề nghị

Những quy tắc và những công việc này trẻ không tự thực hiện được, nên cha mẹ và người chăm sóc cần làm mẫu, đưa ra đề nghị bằng ngôn ngữ hoặc cử chỉ, và thực hiện thường xuyên với trẻ. Khi giao tiếp với trẻ 1 tuổi, cha mẹ sẽ thấy trẻ còn có thể bướng bỉnh hoặc khó nghe theo các yêu cầu của bố mẹ. Nhưng không vì thế mà trẻ “bướng”, “hư” hoặc bố mẹ cần chiều theo mọi hành vi của con. Trong phấn lớn các trường hợp, bạn sẽ cần hướng dẫn con dần dần, thực hiện ở nhiều tình huống để tạo thói quen tốt cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

365 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan