Cảnh giác bỏng và hạ thân nhiệt khi tắm cho trẻ sơ sinh mùa lạnh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tắm cho trẻ sơ sinh là cách chăm sóc cần thiết giúp làm sạch da và phòng chống các bệnh lý về da vốn rất hay gặp trong giai đoạn sơ sinh. Trong quá trình tắm, nếu không cẩn thận có thể khiến trẻ bị bỏng hoặc bị hạ thân nhiệt.

1. Bỏng ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân là do nước quá nóng mà làn da của bé thì mỏng manh, rất dễ bị bỏng.

Để phòng tránh bỏng ở trẻ sơ sinh, khi tắm cần kiểm tra nhiệt độ của nước trước khi tắm trẻ. Cho nước lạnh vào chậu trước sau đó mới cho rót nước nóng vào cho tới khi đạt được nhiệt độ thích hợp khoảng 38 độ C để tránh không làm cho thành chậu bị nóng.

Bỏng ở trẻ có 3 cấp độ. Thường gặp nhất là bỏng độ 1, cha mẹ có thể tự chăm sóc trẻ ở nhà.

1.1 Bỏng độ 1

Dấu hiệu nhận biết: Da đỏ ửng, đau, sưng nhẹ, da chưa bị phồng rộp.

1.2 Bỏng độ 2

Dấu hiệu nhận biết: Vết bỏng khiến da bị tấy đỏ, rát, đau nhức và xuất hiện vết phồng rộp có chứa dịch bên trong nhưng không vỡ.

Thường các trường hợp bỏng độ 2, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và điều trị.

1.3 Bỏng độ 3

Dấu hiệu nhận biết: Bề mặt da khô và tróc, nhìn thấy vùng lõm sâu bên trong, bệnh nhân vô cùng đau đớn.

Trường hợp này buộc phải đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu, không được tự ý chữa trị tại nhà.

Bỏng độ 3
Bỏng độ 3 rất nguy hiểm và có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng

2. Hạ thân nhiệt

2.1 Nguyên nhân

  • Cho trẻ bú mẹ chậm sau nhiều giờ
  • Phòng sanh không đủ ấm
  • Trẻ ở trần ngay sau cân và tắm
  • Trẻ bú kém làm giảm sản xuất nhiệt dẫn đến hạ thân nhiệt
  • Trẻ sơ sinh bị ướt, hay không mặc quần áo.

2.2 Các mức độ hạ thân nhiệt

  • Nhẹ: 36 độ -36,5 độ C
  • Trung bình: 32 độ - 35 độ C
  • Nặng : < 32 độ C

2.3 Dấu hiệu chứng tỏ trẻ hạ thân nhiệt

2.4 Xử trí khi trẻ bị hạ thân nhiệt

2.4.1 Nguyên tắc chung

  • Khi phát hiện trẻ bị hạ thân nhiệt phải mặc quần áo đủ ấm cho trẻ, nhiệt độ phòng là 25 - 28 oC và không có gió lùa.
  • Cho trẻ bú mẹ và ăn để cung cấp năng lượng càng sớm càng tốt (nếu trẻ không bú được phải nuôi ăn qua sonde)
Trẻ bú mẹ
Hãy cho trẻ bú sữa mẹ khi bị hạ thân nhiệt

2.4.2 Xử trí tại bệnh viện

Tùy thuộc vào mức độ hạ thân nhiệt mà có cách xử lý phù hợp:

  • Khi nhiệt độ 36 độ C: Cho trẻ tiếp xúc da qua da, cho nằm gần mẹ (nhiệt độ 25 độ C - 28 độ C ). Quấn trẻ bằng vải mềm ấm, dùng lò sưởi nếu phòng lạnh
  • Khi nhiệt độ 32 độ C – 35 độ C: Đặt bé dưới đèn sưởi ấm, dùng nệm chứa nước ấm, quá trình làm ấm phải được liên tục đánh giá tình trạng bé sau mỗi giờ để điều chỉnh nhiệt độ thích hợp.
  • Hạ thân nhiệt < 32 độ C: Cho trẻ nằm lồng ấp điều chỉnh nhiệt độ 35 độ - 36 độ C. Cho trẻ ăn để cung cấp năng lượng. Kiểm tra lồng ấp mỗi giờ.

2.4.3 Xử trí lại nhà

  • Cho trẻ tiếp xúc da qua da với mẹ bằng cách đặt trẻ lên ngực mẹ.
  • Đắp thêm chăn để trẻ ấm phần lưng
  • Kiểm tra nhiệt độ trẻ 1h 1 lần cho đến khi thân nhiệt trẻ hoàn toàn bình thường
  • Nếu bé vẫn lừ đừ, bỏ bú thì phải cho trẻ nhập viện để theo dõi.

3. Cách tắm cho trẻ sơ sinh

Hạ thân nhiệt và bỏng có nguyên nhân thường gặp nhất là do tắm không đúng cách. Hãy thực hiện các bước dưới đây để đảm bảo tắm cho trẻ an toàn.

Bước 1: Cởi bỏ toàn bộ quần áo, mũ, bao tay, bao chân của trẻ, sau đó quấn trẻ trong 1 khăn tắm sạch, ấm.

Bước 2: Bế trẻ trên tay đúng tư thế: cánh tay đỡ lưng, bàn tay đỡ đầu.

Bước 3: Rửa mặt theo thứ tự: mắt, mũi, tai, mồm.

  • Dùng bông nhúng vào nước sạch lau nhẹ mắt từ góc trong của mắt ra ngoài sau đó lấy cục bông khác lau tiếp mắt bên kia theo trình tự tương tự.
  • Sau đó dùng 1 khăn tay nhỏ bằng vải mềm lau mặt từ giữa dọc theo mũi ra 2 bên tai, tránh đưa sâu vào trong tai, chú ý lau kỹ vùng sau tai và nếp gấp cổ.

Bước 4: Gội đầu: làm ướt tóc, xoa xà phòng (dầu gội đầu) từ trước ra sau đầu trẻ. Dùng nước gội sạch, lau khô ngay đầu trẻ.

Bước 5: Tắm trẻ.

Tắm từng phần hoặc tắm toàn thân tuỳ thuộc rốn chưa rụng hoặc đã rụng. Nếu tắm từng phần thì che ấm phần chưa tắm, phần nào tắm xong được lau khô ngay theo thứ tự sau:

  • Tắm cổ, nách, cánh tay, ngực, bụng.
  • Tắm lưng, mông, chân.
  • Tắm bộ phận sinh dục.

Bước 6: Lau khô toàn thân.

Bước 7: Mặc áo, quấn tã, giữ ấm.

Bước 8: Chăm sóc rốn nếu cuống rốn chưa rụng (xem bài chăm sóc rốn).

Bước 9: Đặt trẻ vào giường, ủ ấm.

Bước 10: Thu dọn dụng cụ và ghi phiếu chăm sóc theo dõi.

Lưu ý:

  • Tắm trẻ nơi kín, không có gió.
  • Chú ý vệ sinh kỹ bộ phận sinh dục.
  • Khi gội đầu cần cẩn thận tránh để xà phòng rơi vào mắt trẻ
  • Vệ sinh thau sau khi tắm xong trẻ.

Vào mùa đông khi tắm cho trẻ cha mẹ cần cẩn trọng , vì trẻ em chính là những đối tượng dễ bị hạ thân nhiệt đột ngột, đặc biệt về đêm, khi thời tiết lạnh và có các bệnh lý khác đi kèm. Do đó các thành viên khác trong gia đình, cũng như những nhân viên y tế, cần dành nhiều sự quan tâm và chủ động học hỏi, nắm vững cách sơ cứu khi bị hạ thân nhiệt. Nếu tình trạng không cải thiện, hoặc ý thức tri giác xấu đi thì cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để được xử trí thích hợp và kịp thời, tìm ra nguyên nhân và điều trị, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan