Chăm sóc trẻ sơ sinh thở máy

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Thở máy ở trẻ sơ sinh là biện pháp hỗ trợ hô hấp để đảm bảo sự thông khí cho các bé bị suy hô hấp. Mục tiêu khi cho trẻ sơ sinh thở máy là tối ưu hóa trao đổi oxy và CO2, thông khí phế nang, cải thiện oxygen hóa máu, giảm công thở và phối hợp tốt giữa máy thở với bệnh nhi.

1. Tổng quan về thở máy ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh thở máy là những bệnh nhi cần được hỗ trợ hô hấp hoàn toàn hoặc một phần nhờ vào hai phương pháp thông khí phổ biến như sau:

Các bước tiến hành cho trẻ sơ sinh thở máy bao gồm:

  • Đánh giá bệnh nhi;
  • Chọn máy thở và phương thức thở;
  • Đặt thông số ban đầu và mức báo động;
  • Điều chỉnh thông số máy thở phù hợp;
  • Theo dõi bệnh nhi sau thở máy;
  • Cai máy thở.

Trẻ sơ sinh thở máy thường dành cho những ca bệnh nặng, đặc biệt là suy hô hấp cấp tiến triển, nếu để tuột máy thở có nguy cơ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Bên cạnh đó, bệnh nhi cũng cần có nhiều máy truyền dịch, bơm tiêm điện, ống thông dạ dày... hỗ trợ, vì vậy công việc chăm sóc trẻ sơ sinh thở máy là rất khó khăn và cần người phải có chuyên môn thực hiện. Các kỹ thuật chăm sóc trẻ sơ sinh thở máy chủ yếu là:

  • Chăm sóc nội khí quản hoặc mở khí quản;
  • Chăm sóc mặt nạ thở máy;
  • Chăm sóc máy thở;
  • Theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng.

2. Chỉ định thở máy ở trẻ sơ sinh

Bác sĩ sẽ chỉ định trẻ sơ sinh thở máy xâm nhập (đặt nội khí quản, mở khí quản) hoặc không xâm nhập (mặt nạ thở máy) trong những trường hợp sau:

  • Cơn ngừng thở, thở không hiệu quả hoặc phân áp CO2 máu động mạch > 50 mmHg;
  • Thiếu oxygen máu nặng, phân áp oxy máu động mạch < 60 mmHg với thở oxy, thở áp lực dương liên tục (Continuous Positive Airway Pressure - CPAP);
  • Sốc nặng;
  • Hậu phẫu lồng ngực hoặc bụng trong những giờ đầu;
  • Tăng thông khí giảm phù não ở bệnh nhi tăng áp lực nội sọ.

Thông thường khi đặt nội khí quản cấp cứu thì nên đặt qua đường miệng vì nhanh hơn và kỹ thuật tương đối dễ so với đường mũi. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi thì không cần ống nội khí quản có bóng chèn. Kích thước và độ sâu của chiều dài ống nội khí quản được ước lượng theo độ tuổi và cơ thể của từng trẻ.

Nếu gặp biến chứng sẹo hẹp hiếm gặp sau một tháng thở nội khí quản thì phải mở khí quản. Tuy nhiên chỉ định mở khí quản ở trẻ sơ sinh thở máy dài ngày vẫn còn bàn cãi. Thời điểm mở khí quản thường chỉ được đặt ra sau khi thở máy từ 7 - 10 ngày. Ưu điểm của phương pháp này là dễ chăm sóc, dễ hút đờm, giảm khoảng chết. Khuyết điểm là phải dùng ống nội khí quản bằng nhựa có bóng chèn để tránh thoát khí. Hơn nữa những tiến bộ về kỹ thuật chăm sóc hiện nay cũng giúp hút đờm qua nội khí quản dễ dàng.

Trẻ khó thở
Trẻ sơ sinh thở máy có thể được chỉ định trong trường hợp trẻ khó thở, thở áp lực dương liên tục

3. Chăm sóc trẻ sơ sinh thở máy

3.1. Chăm sóc nội khí quản hoặc mở khí quản

Mục tiêu chăm sóc trẻ sơ sinh thở máy xâm nhập là nội khí quản hoặc mở khí quản phải thông thoáng, đảm bảo các ống dây ở đúng vị trí và tránh nhiễm khuẩn. Các kỹ thuật bao gồm:

  • Thông thoáng đường hô hấp bằng kỹ thuật vỗ rung, hút đờm;
  • Thực hiện thay băng ống nội khí quản, mở khí quản đúng quy trình, đúng vị trí và đảm bảo sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn;
  • Kiểm tra áp lực bóng chèn (cuff) của nội khí quản, mở khí quản.

3.2. Chăm sóc mặt nạ thở máy

  • Kích cỡ mặt nạ phải vừa với mặt bệnh nhi;
  • Không cố định mặt nạ quá chặt để tránh gây loét chỗ tì đè sống mũi hoặc quá lỏng làm rò khí ra ngoài, dẫn tới giảm áp lực đường thở;
  • Cố định mặt nạ phía trên vòng qua đầu trên tai, phía dưới vòng qua sau gáy;
  • Có thể bỏ máy khi bệnh nhi ho;
  • Bỏ máy thở không xâm nhập khi bú để tránh gây sặc, nước vào phổi.

Trẻ sơ sinh thở máy có thể khó chịu do gặp những tác dụng không mong muốn như chướng bụng, cảm giác ngạt thở...

3.3. Dinh dưỡng

Trẻ sơ sinh bắt đầu thở máy thường được nuôi ăn tĩnh mạch, thành phần dinh dưỡng cần có Lipit và không nên cung cấp toàn bộ năng lượng bằng Glucose để hạn chế tăng CO2.

Khi trẻ đã ổn định khoảng sau 24 giờ thở máy thì có thể:

  • Nuôi ăn tĩnh mạch một phần hoặc qua sonde dạ dày;
  • Sữa dinh dưỡng kèm bột 10% xử lý men hoặc Enalac 25% tùy theo độ tuổi;
  • Chia nhỏ bữa ăn, nhỏ giọt chậm trong khoảng 1 - 2 giờ.

3.4. Phòng ngừa nhiễm khuẩn

Các kỹ thuật phòng ngừa nhiễm khuẩn thở máy ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Kê bé nằm đầu cao 30°;
  • Tuân thủ các quy tắc cơ bản phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện;
  • Khử khuẩn máy thở và thay dây máy thở đúng quy trình;
  • Đảm bảo vô khuẩn khi hút đờm và thực hiện các thủ thuật;
  • Vệ sinh răng miệng cho trẻ;
  • Vật lý trị liệu hô hấp và vận động;
  • Xoay trở người mỗi 2 giờ;
  • Cai máy thở kịp thời, sớm chuyển sang thở không xâm lấn.
Vệ sinh răng miệng cho bé
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn cần vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên

3.5. Phương pháp kangaroo kết hợp với thở máy

Chăm sóc trẻ bằng phương pháp kangaroo là đặt mẹ và trẻ tiếp xúc da kề da, áp dụng cho tất cả các trẻ mới sinh, đặc biệt là các bé sinh non hoặc nhẹ cân. Ở một số bệnh viện lớn, các bác sĩ cũng có thể lựa chọn phương pháp kangaroo kết hợp với thở máy để cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ. Có trường hợp sau vài ngày điều trị, tình trạng hô hấp của trẻ được cải thiện, nhịp thở đều, không còn cơn ngừng thở và trẻ bắt đầu tập ăn bằng đường miệng. Phương pháp này có khả năng giúp trẻ tự thở nhanh hơn, cơ thể hồng hào, độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (mao mạch) SPO2 đạt từ 96 - 98%, không có cơn tím và khó thở, tập bú mẹ cũng như tiêu hóa tốt.

Những bệnh viện có thể thực hiện được phương pháp kangaroo kết hợp với thở máy đòi hỏi phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn như:

  • Đánh giá đúng tình trạng sức khỏe của trẻ;
  • Kỹ năng chăm sóc phối hợp hồi sức cấp cứu sơ sinh và chăm sóc kangaroo của đội ngũ nhân viên y tế;
  • Trang thiết bị y tế đầy đủ và hiện đại.

Thở máy ở trẻ sơ sinh là một cấp cứu cho trẻ bị suy hô hấp sau sinh, đòi hỏi phải được thực hiện nhanh chóng và chăm sóc đúng quy trình. Để hạn chế trường hợp trẻ sơ sinh thở máy, người mẹ cần theo dõi và quản lý thai nghén tốt nhằm phát hiện và điều trị kịp thời nếu có nguy cơ sinh non. Đồng thời các cán bộ y tế tại phòng đẻ, phòng mổ cũng phải được tập huấn nâng cao kỹ năng hồi sức sơ sinh, giảm nguy cơ tử vong, tăng cường sức khỏe và phát triển toàn diện cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan