Chăm sóc và điều trị cho trẻ sơ sinh bị hở vòm họng

Sứt môi- hở vòm hoặc hở hàm ếch là loại dị tật bẩm sinh thường gặp với tỷ lệ 1/700 trẻ ra đời tại Việt Nam. Mặc dù dị tật này không gây tử vong nhưng có thể làm trẻ khó khăn trong ăn uống, giao tiếp và hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, nếu cha mẹ được cung cấp đầy đủ kiến thức về chăm sóc trẻ mắc phải dị tật này có thể giúp trẻ cải thiện chất lượng cuộc sống một cách tốt nhất.

1. Trẻ sơ sinh bị hở vòm họng là gì?

Khe hở môi và vòm miệng là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hay gặp ở trẻ sơ sinh, trong đó khe hở vòm miệng chiếm 40%. Trẻ có thể có khe hở vòm miệng đơn thuần hoặc phối hợp cùng hở khe môi. Ngoài ra, trẻ có khe hở vòm cũng có thể nằm trong các hội chứng toàn thân như Pierre Robin, Treacher Collin, Vander Woude,... Khe hở vòm miệng có thể gây ra các rối loạn khiến trẻ khó ăn, khó bú, dễ sặc và dễ mắc các bệnh đường hô hấp cũng như rối loạn phát âm, rối loạn tâm lý. Trẻ còn có thể gặp một số ảnh hưởng khi bị dị tật sứt môi- hở vòm họng như:

  • Ảnh hưởng thẩm mỹ khuôn mặt: do khe hở làm biến dạng môi, mũi, xương ổ răng, xương hàm, xô lệch răng, sai khớp cắn
  • Xáo trộn tâm lý: trẻ tự ti, mặc cảm, tâm lý kém,...
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ

2. Nguyên nhân gây ra hở vòm họng ở trẻ sơ sinh

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hở vòm họng ở trẻ sơ sinh nhưng có thể chia làm 2 nhóm nguyên nhân chính sau đây:

  • Nguyên nhân do di truyền từ cha mẹ sang con
  • Nhóm nguyên nhân bên ngoài: là những yếu tố tác động đến người mẹ trong thời kỳ mang thai, cụ thể là trong khoảng thời gian từ tuần thứ 4-12 của thai kỳ. Đó là các yếu tố vật lý (tia X), hoá học (Dioxin, Thalidomide), vi sinh (nhiễm Rubella, cúm,...) sử dụng thuốc không đúng hoặc tình trạng sức khoẻ và thói quen sống của mẹ lúc mang thai (bị stress, suy dinh dưỡng, béo phì, hút thuốc, uống rượu,...)

3. Phương pháp điều trị cho trẻ sơ sinh bị hở vòm họng

Trẻ sơ sinh bị hở vòm họng cần được chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt hơn, bú bình bằng sữa dành riêng cho trẻ dị tật khe hở vòm miệng với cấu trúc thân bình mềm, đầu ti dài, có van chống sắc (bình chuyên dụng). Tuy nhiên phương pháp điều trị chính vẫn phải là phẫu thuật với tiêu chuẩn chung là:

  • Phẫu thuật sứt môi: trẻ từ 3-6 tháng tuổi, cân nặng 5-6kg. Thông thường áp dụng nguyên tắc “ba số 10” thường được áp dụng để chọn thời điểm phẫu thuật môi cho bệnh nhi: 10 tuần tuổi, nặng 10 pound, Hb= 10 mg/ml
  • Việc mổ môi sau 1 tuần tuổi là không có cơ sở khoa học.

Phẫu thuật khe hở vòm: trẻ từ 12 tháng đến 18 tháng tuổi, cân nặng trên 10kg. Về phương pháp phẫu thuật tạo hình vòm lúc 9-12 tháng tuổi tuỳ vào tình trạng sức khoẻ và mức độ khe hở vòm miệng sẽ theo các bước:

  • Đặt ống thông khí tai nếu có chỉ định
  • Đánh giá ngôn ngữ lần đầu lúc trẻ 2,5 tuổi
  • Trị liệu ngôn ngữ sau 3 tuổi và hẹn tái khám mỗi 6 tháng
  • Nếu tình trạng rối loạn âm nặng và không cải thiện trị liệu thì trẻ sẽ được nội soi mũi hầu ống mềm để chẩn đoán mức độ thiểu năng vòm hầu khi trẻ 4-5 tuổi
  • Tiếp tục đánh giá ngôn ngữ lúc 9 tuổi trước khi ghép xương cung hàm
  • Nếu trẻ phải phẫu thuật tạo hình xương hai hàm sẽ được đánh giá trước và sau phẫu thuật.

4. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị hở vòm họng

Quá trình chăm sóc trẻ dị tật hở vòm họng cần bắt đầu từ khi trẻ ra đời và cần phối hợp của nhiều chuyên khoa bao gồm: nhi khoa, dinh dưỡng, tai mũi họng, răng hàm mặt, ngôn ngữ và quan trọng nhất là sự kiên nhẫn của cha mẹ.

Vào thời kỳ sơ sinh:

  • Hầu hết trẻ hở vòm họng không bú mẹ được và cũng không bú được bằng sữa bình thông thường,do đó trẻ cần bình sữa chuyên dụng để bú sữa mẹ vắt ra hay sữa công thức
  • Thời gian trẻ bú cũng dài hơn và mất sức hơn để đạt được cùng một lượng sữa thông thường. Số lần mẹ cho bé bú cần nhiều hơn, thời gian cho một lần không quá dài (nên dưới 15 phút) để tránh làm trẻ kiệt sức
  • Khi trẻ trên 1 tuần tuổi nên gặp bác sĩ dinh dưỡng nhi để tư vấn số lượng sữa cần thiết cho trẻ theo nhu cầu năng lượng
  • Ngoài dinh dưỡng cùng cần đảm bảo chăm sóc trẻ trong điều kiện tốt nhất: giữ vệ sinh da- mắt- rốn. Vệ sinh bình sữa và dụng cụ hút sữa, giữ ấm, tiêm phòng, tránh các môi trường lây nhiễm

Chăm sóc trẻ hậu phẫu khe hở vòm họng:

  • Rửa sạch vết mổ hàng ngày
  • Tránh mọi va đập và tránh tay bé cào xước lên vết mổ
  • Nếu có viêm mũi, chảy mũi cần điều trị ngay để nước mũi không làm nhiễm trùng vết mổ
  • Ăn sữa đút thìa, sau 2 tuần có thể bú bình chuyên dụng như trước mổ
  • Hạn chế đi nắng trong năm đầu
  • Đánh giá sự phát triển ngôn ngữ và xương hàm trên hàm năm sau mổ
  • Huấn luyện cho trẻ thổi ống khi trẻ 2 tuổi để tăng cường chức năng cơ năng màn hầu, cơ hàm hầu

Thời kỳ điều trị ngôn ngữ: đa số trẻ hở môi vòm miệng đều có rối loạn ngôn ngữ như: ngọng nói, ngọng mũi hở, do đó cần được khám và điều trị ngôn ngữ. Thời điểm bắt đầu tuỳ thuộc vào sự phát triển của từng trẻ nhưng thường khoảng 4 tuổi

Thời kỳ tiền học đường (2-6 tuổi): không phải kết thúc phẫu thuật là giai đoạn chăm sóc trẻ hở vòm họng đã hết mà đây chính là thời kỳ trẻ gặp các vấn đề như sâu răng, cung răng lệch lạc, méo mó, lép tầng mặt giữa, bất thường ngôn ngữ và rối loạn tâm lý nên rất cần sự chăm sóc của phụ huynh. Giai đoạn này cần điều trị các vấn đề:

  • Chăm sóc răng miệng để trẻ ăn nhai tốt, hỗ trợ phát triển ngôn ngữ. Các răng nanh và răng hàm sữa là phương tiện để neo chặn, gắn khí cụ chỉnh hình xương hàm trên và cung răng
  • Điều trị phát âm: luyện thổi ống cần có sự quan sát của chuyên gia ngôn ngữ
  • Điều trị viêm VA, viêm tai giữa
  • Điều trị chỉnh hình răng và xương hàm: thường lúc trẻ 6 tuổi với các nhiệm vụ nong mở xương hàm trên theo hình chữ V, kéo xương hàm trên ra trước, ngăn chặn thiểu sản

Thời kỳ học đường (6-18 tuổi):

  • Chăm sóc răng
  • Chỉnh hình cung răng và xương hàm
  • Ghép xương ổ răng (8-12 tuổi)
  • Điều trị tâm lý

Thời kỳ trên 18 tuổi:

  • Phẫu thuật chỉnh sửa cánh mũi
  • Sửa sẹo xấu môi nếu có
  • Phẫu thuật cắt đẩy xương hai hàm
  • Phẫu thuật giãn xương hàm nếu khe hở cung hàm quá lớn

Trên đây là những thông tin quan trọng về cách chăm sóc trẻ bị hở vòm họng. Cha mẹ hoặc người thân cần tham khảo kỹ và cần thiết nên trao đổi cùng với bác sĩ chuyên môn để có được cách chăm sóc, điều trị phù hợp cho trẻ hở vòm miệng trong từng giai đoạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan