Chiều cao, cân nặng bé trai 18 tháng tuổi

Sự tăng cân nặng và chiều cao theo tuổi được xem là một trong những yếu tố đánh giá tình trạng phát triển của trẻ. “Chiều cao và cân nặng của bé trai 18 tháng tuổi bao nhiêu” thì đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn là câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ quan tâm để có thể xây dựng chế độ dinh dưỡng và phát triển tốt nhất cho trẻ.

1. Sự phát triển của bé lúc 18 tháng tuổi

Giai đoạn 18 tháng tuổi được xem là giai đoạn phát triển nhiều về thể chất và trí tuệ ở trẻ. Quá trình phát triển thể chất bao gồm sự tăng cân nặng của bé trai 18 tháng tuổi và bé gái 18 tháng tuổi, cùng với đó là sự tăng trưởng về chiều cao của trẻ. Đây cũng được xem là thời kỳ mà trẻ tăng trưởng và phát triển nhiều kỹ năng như kỹ năng vận động, kỹ năng ngôn ngữ, phát triển nhận thức, khả năng giao tiếp và thể hiện cảm xúc.

Sự phát triển về kỹ năng vận động được thể hiện thông qua việc trẻ có thể tự di chuyển, nhún nhảy bằng cách vịn vào các vật dụng trong nhà, nhiều bé đã có thể chạy mặc dù chưa vững và có thể bị ngã. Bên cạnh đó, trẻ đã bắt đầu học được khả năng chú ý khi thả vật dụng ra khỏi tay, biết tự cởi quần áo ra và giơ thẳng tay chân lúc mặc quần áo. Sự phát triển về kỹ năng vận động còn được thể hiện thông qua việc trẻ đã biết cách lật các trang sách, có thể vẽ nguệch ngoạc và biết ném các đồ vật lên cao.

Ở giai đoạn 18 tháng tuổi, khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng được phát triển nhiều. Chúng được thể hiện thông qua việc trẻ bắt đầu bắt chước các từ mà cha mẹ hay người khác nói, biết sử dụng từ đơn thay cho một câu hoàn chỉnh. Cùng với đó trẻ đã có thể nói được khoảng 30 từ, sử dụng được các cụm từ đơn giản và hiểu được các khái niệm trên, dưới, tắt và nóng.

Bên cạnh sự phát triển về chiều cao và cân nặng của bé trai 18 tháng tuổi và bé gái 18 tháng tuổi, quá trình phát triển nhận thức của trẻ cũng được tăng lên. Theo đó, trẻ đã bắt đầu có khái niệm về thời gian như nghỉ ngơi sau khi ăn trưa hay tắm trước khi đi ngủ. Trẻ bắt đầu chủ động khám phá các vật dụng xung quanh bằng cách sờ vào và di chuyển chúng (lắc, ném, đập), biết đặt đồ vật vào thùng và lấy ra lại, biết sắp đặt các hình khối và đồ chơi theo kích thước. Sự biểu đạt và cảm xúc của trẻ ở giai đoạn này cũng phát triển rõ rệt thông qua các cảm xúc thất vọng, giận dỗi khi không được đáp ứng một nhu cầu nào đó hay biểu lộ sự yêu thích với một số người và đồ vật, tỏ ra lo lắng khi không có cha mẹ hay người thân bên cạnh.

Xem ngay: Tư vấn lịch tiêm chủng đầy đủ và đúng nhất cho trẻ 18 tháng tuổi

2. Chiều cao và cân nặng của bé trai 18 tháng tuổi

Mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau, tùy thuộc vào các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống bao gồm cả yếu tố di truyền và môi trường. Để xác định xem trẻ có đang phát triển với tốc độ khỏe mạnh về cân nặng hay không hãy dựa vào bảng cân nặng tiêu chuẩn theo độ tuổi do Tổ chức Y tế thế giới công bố (WHO) là con số chính xác nhất. Vậy theo bảng cân nặng tiêu chuẩn, bé trai 18 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đủ? Theo đó, bé trai 18 tháng tuổi có cân nặng tiêu chuẩn khoảng 10,9 kg (trong khoảng từ 8,8 kg – 13,7 kg) và chiều cao đạt chuẩn khoảng 82,3 cm (từ 76,9 cm – 87,7 cm).

Trẻ em 18 tháng tuổi là giai đoạn cần có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé. Chế độ dinh dưỡng và môi trường bên ngoài là hai yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cân nặng của trẻ. Chế độ ăn thiếu dưỡng chất sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng, làm chậm quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Theo đó, bé trai 18 tháng tuổi cao bao nhiêu cm là đang có chế độ dinh dưỡng phù hợp? Các bậc cha mẹ nên xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống phù hợp với chiều cao, cân nặng hiện tại và theo từng giai đoạn để từ đó giúp trẻ đạt được mức cân nặng theo tiêu chuẩn chung.

Xem ngay: Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi

cân nặng bé trai 18 tháng tuổi
Thông tin về cân nặng bé trai 18 tháng tuổi để cha mẹ tham khảo

3. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ 18 tháng tuổi

Các bậc cha mẹ thường đặt câu hỏi về chiều cao, cân nặng bé trai 18 tháng tuổi là bao nhiêu thì đạt chuẩn, để từ đó cha mẹ có thể xây dựng cho bé chế độ dinh dưỡng và chăm sóc phù hợp. Theo đó, trẻ ở giai đoạn này đã ăn được nhiều loại đồ ăn, thực phẩm khác nhau. Vì vậy, xây dựng một chế độ chăm sóc hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về cân nặng, chiều cao và trí tuệ.

Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ ở giai đoạn này cần chứa đủ 900 – 1400 calo mỗi ngày và cần đảm bảo đủ 6 nhóm chất dinh dưỡng bao gồm protein, glucid (đường, bột), lipid, nước, vitamin và chất khoáng.

Khẩu phần ăn cho trẻ 18 tháng tuổi gồm 3 bữa chính và 1 bữa phụ, khoảng cách giữa các bữa khoảng từ 3 – 4 giờ với đầy đủ các chất dinh dưỡng như sau:

  • Thực đơn bữa sáng nên cho trẻ ăn các thức ăn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn để có đủ năng lượng cung cấp cho các hoạt động trong ngày của trẻ.
  • Cha mẹ nên giảm lượng thức ăn vào bữa tối để trẻ dễ tiêu, ăn không quá no sẽ giúp trẻ đi vào giấc ngủ dễ hơn.
  • Trong thực đơn dinh dưỡng của trẻ, cha mẹ cần bổ sung trái cây, rau quả vì chúng có chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất. Lượng rau quả cần thiết trong ngày từ 50 – 100 g.

Ngoài thức ăn là thịt mềm, cha mẹ cần thường xuyên luân phiên thay đổi với các loại thực phẩm có giàu canxi như cua đồng, tôm, cá, hến... và các loại thực phẩm tốt cho trí não như cá ngừ, cá hồi giúp bổ sung Omega 3, DHA..Bên cạnh đó, mẹ nên chú ý bổ sung thêm rau và chất béo từ dầu ăn thực vật, mỡ cá vào thực đơn hàng ngày của trẻ.

4. Một số lưu ý của cha mẹ khi chăm sóc trẻ ở giai đoạn 18 tháng tuổi

Bên cạnh chế độ chăm sóc giúp con có thể phát triển tốt nhất về thể chất và trí tuệ, cha mẹ nên có một số lưu ý như sau:

4.1. Đảm bảo giấc ngủ và sự phát triển của trẻ

Để chiều cao và cân nặng bé trai 18 tháng đạt chuẩn, bên cạnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì ngủ đủ giấc là vô cùng quan trọng. Hầu hết trẻ em vẫn còn hai giấc ngủ ngắn mỗi ngày, vì vậy cha mẹ nên tập cho bé có giấc ngủ dài, ngắn đúng giờ và khuyến khích trẻ ngủ trên giường riêng.

Cùng với sự phát triển về thể chất, cha mẹ nên có chế độ phát triển về trí tuệ cho trẻ như đọc sách cho trẻ nghe hàng ngày, cho phép trẻ sờ, nói theo và chỉ đồ vật. Cha mẹ cũng nên chọn các sách có nhiều hình vẽ, màu sắc và chất liệu thú vị, đọc các bài thơ theo vần điệu và hát cùng với bé hay gọi tên các đồ vật một cách nhất quán, cho trẻ làm quen với ngôn ngữ thứ hai nếu có sử dụng ngôn ngữ đó trong gia đình.

cân nặng bé trai 18 tháng tuổi
Đảm bảo bé ngủ đủ giấc để cân nặng bé trai 18 tháng tuổi đạt chuẩn

4.2. Đảm bảo sức khỏe cho trẻ

Trẻ ở giai đoạn 18 tháng tuổi cần được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, vì vậy cha mẹ cần theo dõi sức khỏe và tiêm vắc xin định kỳ cho trẻ theo yêu cầu của bác sĩ. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen đánh răng 2 lần một ngày với bàn chải mềm, đầu nhỏ và không nên dùng kem đánh răng có chứa flour.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý nên bảo vệ da và mắt bé khỏi tia cực tím mặt trời, không nên đưa bé ra ngoài trong khoảng từ 10h sáng đến 3h chiều dù là vào mùa hè hay mùa đông.

4.3. Đảm bảo an toàn cho trẻ

  • Cha mẹ không nên để nôi trẻ nằm quá cao vì ở giai đoạn này trẻ đã có thể níu để đứng dậy.
  • Cha mẹ không được để dây điện thoại, dây điện hoặc dây kéo cửa chớp treo lủng lẳng, dùng cổng chắn ở cầu thang để tránh té ngã, dùng rào chắn quanh hồ bơi, đảm bảo nhà là môi trường phát triển an toàn cho bé.
  • Cha mẹ phải để thuốc, các chất độc đậy kín nắp, cất giữ dao, các đồ vật nặng và các đồ chùi dọn xa tầm tay của trẻ.
  • Bảo đảm bàn ghế, giá sách, đồ gỗ được giữ cố định an toàn và không thể rơi vào người bé.
  • Cha mẹ nên cho bé mang giày để bảo vệ chân khi ra ngoài. Giày nên có đế mềm mại, đàn hồi và mũi giày đủ rộng và đủ dài để không bó chặt chân bé.

Như vậy, chiều cao và cân nặng của bé trai 18 tháng tuổi đạt chuẩn là sự kết hợp của chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt và vận động phù hợp. Bên cạnh đó sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ sẽ là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Ngoài ra, trẻ 18 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan