Có nên dạy trẻ tập nói sớm không?

Khả năng ngôn ngữ tự nhiên của trẻ được hình thành ngay từ khi mới sinh ra. Ở những tháng đầu đời bé thể hiện khả năng này qua tiếng khóc, tiếng bập bẹ. Càng lớn càng tiếp xúc và bắt chước nhiều từ thế giới xung quanh thì khả năng nói của trẻ càng thuần thục hơn. Tuy nhiên mỗi trẻ lại có một tốc độ phát triển riêng, có bé biết nói nhanh và cũng có bé biết nói chậm, có trẻ nói nhiều và có trẻ nói ít. Cha mẹ có thể cân nhắc dạy bé tập nói sớm nếu cảm thấy cần thiết.

1. Thời điểm phù hợp để dạy trẻ tập nói

Thường trẻ tập nói trong khoảng 2 năm đầu tiên sau khi chào đời.

  • Từ khi mới sinh đến tháng thứ 18: Trẻ sẽ dựa vào cách người lớn giao tiếp với nhau mà học được quy tắc về ngôn ngữ. Trẻ sẽ bắt đầu dùng lưỡi, môi, vòm miệng và cả những chiếc răng sữa để tạo ra âm thanh, khởi đầu có thể là tiếng khóc, sau đó là những âm bi bô, bập bẹ bắt chước từ những người xung quanh.
  • Từ tháng thứ 18 đến 2 tuổi: Trẻ sẽ bắt đầu chuyển những từ đơn lẻ, riêng biệt thành những câu 2 hay 4 từ, sau đó trẻ sẽ tập sử dụng từ ngữ để mô tả những gì mình nghe, thấy, cảm nhận, suy nghĩ và mong muốn.
  • Từ 2 đến 6 tuổi: Là thời điểm trẻ học cách phát âm giống như người lớn. Ở giai đoạn này nếu trẻ nói ngọng, ngập ngừng thì các bậc cha mẹ cũng không cần quá lo lắng trẻ chậm nói, chỉ cần lắng nghe và quan sát xem trẻ có giống với những bạn đồng trang lứa hay không. Nếu câu trả lời là giống thì yên tâm trẻ sẽ nói đúng dần cho đến khi 6-7 tuổi.
Trẻ tập nói
Giai đoạn 2-6 tuổi là thời điểm trẻ học cách phát âm giống như người lớn

2. Cha mẹ cần làm gì nếu trẻ chậm nói?

Bố mẹ chính là những người đầu tiên giúp trẻ hình thành khả năng phát triển ngôn ngữ. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện gì khiến bạn lo lắng, ví dụ như đến tuổi nhưng bé vẫn chưa chịu nói chuyện, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn của các bác sĩ và chuyên gia, thực hiện kiểm tra về khả năng nghe nói, đánh giá về khả năng ngôn ngữ, cân nhắc một số phương pháp dạy bé tập nói sớm.

3. Phương pháp dạy trẻ tập nói

3.1. Thường xuyên trò chuyện cùng trẻ

Cha mẹ hãy tranh thủ nói chuyện với bé những khi ở cạnh bé và mô tả cho bé thấy những điều bạn đang làm, kết hợp chỉ dẫn, hỏi và dạy bé hát. Cha mẹ có thể dùng những câu đơn giản, dễ nghe và ngắn gọn để bé dễ dàng học cách nói từ bạn hơn. Mặt khác, bạn cũng cần đóng vai lắng nghe, nhìn bé và hồi đáp lại với những gì bé đang nói. Việc thường xuyên trò chuyện sẽ giúp xây dựng các mối liên kết trong não bộ của bé. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những trẻ được nghe âm thanh bi bô từ cha mẹ có khả năng cao sẽ biết nói bập bẹ khi 1 tuổi.

Trẻ tập nói
Thường xuyên trò chuyện cùng con

3.2. Đặt câu hỏi cho trẻ

Khoảng từ 6 tuần tuổi trở đi, bé sẽ quan tâm nhiều hơn đến mọi thứ xung quanh. Do vậy cha mẹ hãy học cách đặt các câu hỏi đơn giản cho bé như: “Con có đói không?”, “Con có muốn ăn không?”. Cùng lúc hãy chỉ cho bé một vài thứ như : “Con nhìn kìa, một bông hoa”, “Bà ngoại kia kìa”... Khi trẻ lớn hơn chút thì hãy nói thêm một vài chi tiết như : “Con nhìn kìa, chiếc xe màu đỏ à?”, “Ngôi nhà kia nhỏ nhỉ?”...

3.3. Sao chép âm thanh của trẻ

Từ 3 - 4 tháng tuổi, những âm thanh “ô”, “a” ban đầu sẽ dần biến thành những tiếng bập bẹ, đây cũng là lúc bé bắt đầu luyện nói với những tiếng như “bababa”, “dadada”...Cha mẹ có thể sao chép, bắt chước lại những thanh âm mà bé phát ra, với mục đích khuyến khích bé nói nhiều hơn.

Trẻ tập nói mama
Trẻ tập nói từ đơn giản khi học nói

3.4. Thể hiện cảm xúc của bản thân

Khi trẻ đang luyện nói bập bẹ, bi bô các câu, trẻ sẽ tự thêm các giai điệu khác nhau vào giọng nói của mình. Đến tầm 6 tháng trẻ sẽ nhạy cảm nhận ra sự tức giận hoặc vui vẻ trong giọng nói của bạn và sẽ bắt chước phát ra nhiều âm thanh thể hiện cảm xúc hơn để thu hút sự chú ý. Cha mẹ hãy nhận ra cảm xúc của trẻ thông qua âm thanh và hồi đáp để giúp bé cảm thấy vui hơn, thích thú với giọng nói của bản thân hơn.

3.5. Tận dụng giai điệu và các bài hát

Một cách rất hay để dạy bé tập nói sớm là thông qua những giai điệu, bài hát dành cho thiếu nhi. Trẻ em thường rất thích nghe giọng hát của cha mẹ. Việc lắng nghe giai điệu sẽ khiến bé hiểu cách bắt đầu và kết thúc một âm thanh, từ đó giúp ích cho bé trong việc học cách phát âm luyến láy sau này.

Trẻ nghe nhạc
Tận dụng giai điệu nhạc thiếu nhi khi dạy trẻ tập nói

3.6. Kết hợp giữa nói và sử dụng cử chỉ minh họa

Trước khi 1 tuổi, nhiều bé sẽ chỉ phản ứng với những điều mình thích hoặc quan tâm. Do vậy việc thu hút sự chú ý của bé bằng những cử chỉ như vẫy tay, chỉ tay có thể hữu ích trong quá trình dạy bé tập nói sớm. Từ những cử chỉ này, bé có thể học được cách lắc đầu khi biểu hiện ý không muốn, gật đầu khi biểu hiện ý muốn. Một số phụ huynh còn dạy con một số ngôn ngữ ký hiệu đơn giản để khuyến khích bé giao tiếp trước khi biết nói.

3.7. Xây dựng vốn từ vựng cho bé

Khi được 1 tuổi, thường bé đã có thể nắm vững được một vài từ. Đây cũng là thời điểm để thúc đẩy bé tập nói ra những từ đầu tiên. Nếu bé nói sai hoặc phát âm sai, bạn hãy sửa lại cho bé. Ngoài ra cha mẹ cũng có thể giúp bé xây dựng thêm vốn từ bằng cách đưa ra cho bé nhiều mẫu về sự lựa chọn và khuyến khích bé sử dụng nhiều từ hơn.

Trẻ ghép từ vốn từ vựng
Trẻ chơi trò ghép từ giúp gia tăng vốn từ vựng

3.8. Sử dụng sách để dạy trẻ tập nói

Trẻ nhỏ thường rất thích những hình vẽ sinh động, tươi sáng, rực rỡ trong sách. Cha mẹ có thể mua sách và hướng dẫn trẻ cách đọc hoặc nhìn tranh ảnh trong đó. Việc đọc truyện là cách hữu hiệu để trẻ tiếp xúc được với nhiều từ vựng hơn, hiểu được cách gắn kết các câu đơn giản thành một câu chuyện. Khi bé thấy thích thú với âm điệu kể chuyện của bạn, thích nội dung câu chuyện và thích hình ảnh, bé sẽ hào hứng kể lại cho cha mẹ về những gì bé đã biết.

3.8. Kiên nhẫn khi trò chuyện với bé

Đến 2 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu biết ghép các từ lại với nhau để hình thành nên những câu đơn giản. Việc dạy trẻ tập nói sớm thường tốn rất nhiều thời gian nên hãy kiên nhẫn, chậm rãi cho bé thời gian để nói chuyện. Ví dụ nếu bạn đặt một câu hỏi, hãy kiên nhẫn khi chờ đợi câu trả lời của bé.

Dạy trẻ tập nói là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ của con trẻ. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập nói và sử dụng nhiều từ vựng hơn, từ đó kiên nhẫn giúp bé hoàn thiện khả năng ngôn ngữ nhé.

trò chuyện với bé
Cha mẹ trò chuyện với bé để giúp bé nhanh biết nói

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan