Có an toàn khi theo dõi trẻ ngủ qua thiết bị monitor?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chăm sóc em bé sơ sinh là nhiệm vụ to lớn của bất kỳ cha mẹ nào. Với yêu cầu luôn cẩn thận theo dõi con suốt ngày, nhiều loại thiết bị camera theo dõi bé ngủ đã ra đời. Vậy các sĩ nhi khoa nói gì về lợi ích và rủi ro của máy theo dõi bé ngủ?

1. Các loại máy theo dõi bé ngủ

Có nhiều loại máy theo dõi bé ngủ khác nhau. Một vài thiết bị có chức năng nghe âm thanh trong phòng của bé, số khác theo dõi chuyển động và reo chuông báo nếu nhịp thở của bé bị gián đoạn, cũng có loại chỉ là máy quay video đơn giản.

Đối với máy theo dõi nhịp thở và nhịp tim tại nhà dùng cho trẻ sơ sinh đang ngủ, nếu có hiện tượng ngưng thở, hoặc nhịp tim của bé giảm xuống dưới mức nhất định, thiết bị monitor sẽ phát ra âm thanh báo động. Để thực hiện chức năng này, máy sử dụng miếng cảm biến lót dưới nệm hoặc gắn trên cơ thể (như thắt lưng hoặc bàn chân). Nếu chọn sử dụng loại này, bạn phải đọc kỹ hướng dẫn để đảm bảo gắn các cảm biến và dây dẫn ở vị trí thích hợp.

2. Lợi ích thiết bị monitor theo dõi bé ngủ

Tùy thuộc vào nhu cầu của gia đình, việc sử dụng màn hình camera theo dõi bé ngủ có thể giúp bạn yên tâm phần nào. Ví dụ, khi trẻ phải đối mặt với một sự kiện đe dọa tính mạng rõ ràng, chẳng hạn như ngừng thở kéo dài hơn 15 - 20 giây, máy theo dõi bé ngủ có thể là một thiết bị hỗ trợ thiết thực.

Đôi khi, các bác sĩ cũng khuyên bạn nên sử dụng máy theo dõi nhịp thở cho những trẻ có vấn đề về hô hấp mãn tính do các bệnh như hen suyễn nặng, xơ nang hoặc ngưng thở khi ngủ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến nghị lắp đặt một máy theo dõi ngưng thở nếu bé cần thở oxy tại nhà hoặc có vấn đề về hô hấp nghiêm trọng.

Mặt khác, nếu bạn cảm thấy việc luôn nghe được tất cả những âm thanh của trẻ sơ sinh đang ngủ ở phòng bên cạnh giúp mình yên tâm hơn, thì monitor theo dõi bé ngủ sẽ hữu ích.

hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)
Đôi khi, các bác sĩ cũng khuyên bạn nên sử dụng máy theo dõi nhịp thở cho những trẻ có vấn đề về hô hấp mãn tính do các bệnh như hen suyễn nặng, xơ nang,...

3. Rủi ro khi dùng camera theo dõi bé ngủ

Không ngăn ngừa được SIDS

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (viết tắt là SIDS) đề cập đến cái chết đột ngột của trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, mỗi năm có 3.500 trẻ sơ sinh chết vì SIDS, nguyên nhân rất có thể là do tai nạn ngạt thở. Tuy nhiên chưa có nhiều phụ huynh ý thức được sự nguy hiểm của tình trạng này.

Mặc dù được quảng cáo rầm rộ, nhưng thực chất các loại monitor theo dõi bé ngủ không được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa SIDS. Đã có báo cáo về trường hợp trẻ sơ sinh tử vong mặc dù đã được lắp đặt máy theo dõi.

Gia tăng lo lắng, trầm cảm

Một số monitor theo dõi bé ngủ quá nhạy, phát ra âm thanh báo động và đánh thức bạn một cách không cần thiết. Máy cũng có thể làm tăng sự lo lắng của các bậc cha mẹ vì thường xuyên phát ra cảnh báo giả. Thậm chí có một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trầm cảm gia tăng ở những phụ huynh sử dụng chúng.

Làm gián đoạn giấc ngủ

Đối với những thiết bị ít nhạy hơn, bạn vẫn có thể nghe được từng tiếng thở dài hoặc cử động nhẹ của con suốt đêm. Nếu vốn dĩ em bé rất khỏe mạnh, thì âm thanh từ camera theo dõi bé ngủ không chỉ làm rối loạn giấc ngủ của bạn, mà còn có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ bình thường của trẻ. Điều này khiến bố mẹ gia tăng căng thẳng và mệt mỏi.

Mặc dù chiếc máy theo dõi nhịp thở có thể này rất cần thiết cho một số trẻ sinh non bị ngưng thở, nhưng thực sự không hữu dụng đối với trẻ sơ sinh khỏe mạnh bình thường. Nhìn chung, những mặt tiêu cực của thiết bị monitor theo dõi bé ngủ có thể lớn hơn lợi ích.

Ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh
Âm thanh từ camera theo dõi bé ngủ không chỉ làm rối loạn giấc ngủ của bạn, mà còn có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ bình thường của trẻ

4. Nghiên cứu khoa học về máy theo dõi bé ngủ

Bạn dễ dàng tìm thấy rất nhiều bài đánh giá về camera theo dõi bé ngủ trên internet, nhưng không thể kiểm chứng được nguồn thông tin. Thực tế, đã có những nghiên cứu được thực hiện để kiểm tra độ chính xác của thiết bị này.

Cụ thể, một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã kiểm tra và so sánh mức độ hiệu quả của hai thiết bị theo dõi bé ngủ phổ biến tại thị trường của họ, là Owlet Smart Sock 2 và Baby Vida.

Kết quả cho thấy Owlet Smart Sock 2 đã phát hiện thấy tình trạng giảm oxy máu, nhưng không phải lúc nào cũng hoạt động chính xác. Trong khi đó, Baby Vida không thể phát hiện được tình trạng giảm oxy máu, và cũng hiển thị sai cảnh báo nhịp tim thấp.

Như vậy, không có bằng chứng cho thấy những thiết bị monitor này hữu ích trong việc giảm SIDS ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Đôi với những trẻ sinh non, thiếu oxy hoặc các vấn đề hô hấp nghiêm trọng khác, thì nên tuân theo khuyến cáo của bác sĩ riêng. Hơn nữa, đến nay vẫn không có loại máy theo dõi bé ngủ nào được FDA chấp thuận hoặc quản lý. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng không khuyến nghị sử dụng thiết bị này thường xuyên.

hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) .
Không có bằng chứng cho thấy những thiết bị monitor này hữu ích trong việc giảm SIDS ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh

5. Hướng dẫn trẻ ngủ an toàn

Thực hành các kỹ thuật ngủ an toàn tại nhà là rất quan trọng, đã được chứng minh giảm tỷ lệ mắc SIDS, vì vậy nên là lựa chọn đầu tiên của các bậc phụ huynh. Hướng dẫn đảm bảo giấc ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ.
  • Tránh đặt trẻ sơ sinh ngủ trên bề mặt mềm, chẳng hạn như nệm người lớn hoặc ghế sofa thông thường.
  • Tránh đắp chăn, dùng gối và thú nhồi bông khi trẻ ngủ.
  • Không để trẻ sơ sinh ngủ chung giường với bố mẹ.
  • Sử dụng quần áo mỏng khi đưa trẻ đi ngủ. Tránh mặc quần áo dày và bó sát.
  • Tránh hút thuốc, sử dụng ma túy và uống rượu khi chăm sóc trẻ sơ sinh.

Mặc dù camera theo dõi bé ngủ được quảng cáo là một công cụ hiệu quả để ngăn ngừa SIDS, nhưng điều quan trọng là phụ huynh phải biết sự thật khi sử dụng chúng. Nhiều sản phẩm được bán trên thị trường vẫn rất cần thiết và hữu ích cho những người mới làm cha mẹ. Vì vậy bạn hãy nghiên cứu cẩn thận và hỏi ý kiến ​​bác sĩ về sản phẩm trước khi mua về sử dụng.

Ngoài việc chăm sóc giấc ngủ của con, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Bài viết tham khảo nguồn: babycenter.com, parents.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan