Dạy trẻ tập đi: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Với nhiều bậc cha mẹ, trẻ con biết đi sớm là dấu hiệu phát triển tốt. Thực ra, biết đi sớm chỉ là dấu hiệu của sức cơ bắp. Đây chỉ là dấu hiệu chứng tỏ cơ năng vận động của một số trẻ nào đó phát triển tương đối sớm mà thôi, chứ không phải sự phát triển thành thục của trí lực.

1. Khi nào nên dạy trẻ tập đi?

Đa số trẻ nhỏ bước những bước đi đầu đời khi được 1 tuổi, cũng có trẻ sớm hơn hay trễ hơn một chút. Để có được những bước đi đầu tiên, trẻ phải trải qua nhiều giai đoạn:

  • Bắt đầu với biết lẫy (3 tháng)
  • Biết ngồi (6 tháng)
  • Biết bò
  • Biết đi

Các mốc tuổi này chỉ là tương đối và không bé nào giống bé nào. Có vài bé bỏ giai đoạn bò mà tiến thẳng từ ngồi sang đứng dậy và đi.

2. Dạy trẻ tập đi như thế nào?

Ở thời kỳ đầu tiên khi bé tập đi, trẻ sẽ đứng ở thế 2 chân dạng rộng ra, cùng với ngón chân hướng ra ngoài, còn hai cánh tay thì dang ra và khuỷu tay hơi gấp lại. Lúc này trẻ không đi theo một đường thẳng mà thường bước theo hướng từ phía bên này sang phía bên kia.

Mặc dù lúc đầu bé tập đi sẽ liên tục bị hụt chân và vấp ngã, song khi đã đi được vài tháng trẻ sẽ đủ tự tin để thực hiện một loạt các thao tác phức tạp như bước chân sang hai bên hay bước lùi, cúi xuống nhặt đồ vật, vừa đi vừa ném bóng.

Thời kỳ phát triển của bé
Để có được những bước đi đầu tiên, trẻ phải trải qua nhiều giai đoạn

3. Có nên dùng xe cho trẻ tập đi?

Có rất nhiều đồ chơi dành cho bé tập đi. Tuy nhiên, điều này là không khuyến khích và không thực sự cần thiết. Trong danh mục hướng dẫn bé thực hành, các chuyên gia sức khỏe không khuyến khích cha mẹ sử dụng các loại xe cho trẻ tập đi với các nguyên nhân sau:

  • Xe cho trẻ tập đi không hề giúp bé biết đi sớm hơn. Nguyên nhân là do việc di chuyển được mà không cần cố gắng sẽ càng khiến trẻ lười tập đi thực sự khi đến lúc. Ngoài ra, trẻ quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ - xương không lớn mạnh được như bình thường.
  • Bé tập đi bằng cách quan sát cách đôi chân của mình di chuyển, nhưng khi ngồi trong chiếc xe tập đi, trẻ không nhìn thấy phần thân dưới của cơ thể chuyển động ra sao, hệ thần kinh bị tước mất những thông tin cảm giác cần có để bé tập đi hiệu quả.
  • Tư thế bé tập đi trong xe tập đi không phải tư thế đứng tự nhiên của con người, cách bé di chuyển trong xe cũng hoàn toàn phi tự nhiên. Bạn cần quan sát cách bé đứng trong xe cho trẻ tập đi, bé thường nửa đứng nửa ngồi, chân cong và chỉ di chuyển bằng cách đẩy đầu mũi chân chứ không như cử động bước đi bình thường là đặt cả gót chân xuống. Nếu ở trong xe cho trẻ tập đi quá lâu thì bé sẽ bị biến dạng xương, gây dị tật chân vòng kiềng chữ O, chữ X và ảnh hưởng đến dáng đi sau này.
  • Theo quá trình phát triển tự nhiên, bé phải biết lẫy/lật (và phải có nhiều thời gian để tự do lẫy/lật) để rèn luyện cơ cổ, cơ vai, sau đó là bé biết trườn bò (và phải có nhiều thời gian để tự do trườn/bò) để rèn luyện cơ cánh tay, cơ chân, nhất là sự phối hợp tay-mắt. Nếu dùng xe cho trẻ tập đi, bé sẽ không có cơ hội trườn bò nhiều quanh nhà để rèn luyện cơ bắp, thậm chí nhiều gia đình cho bé ngồi xe tập đi rất sớm (5 tháng) nên các bé đã bỏ qua giai đoạn bò. Đây là một thiệt thòi rất lớn đối với bé.
  • Xe cho trẻ tập đi còn hạn chế sự khám phá và phát triển của bé. Ở giai đoạn 6 tháng trở đi, các bé biết bò và thường bò quanh nhà, sờ mó vào bất cứ món đồ nào, tìm cách với tay để lấy đồ vật, biết chơi các món đồ chơi, biết tìm món đồ mà mẹ giấu đi,... qua đó, bé phát triển nhận thức và cảm xúc. Nếu cho bé ngồi trong xe cho trẻ tập đi nhiều, bé sẽ không có thời gian chơi dưới sàn nhà và tự mình khám phá như vậy, mà với bé, "thế giới rộng lớn" chỉ bó hẹp quanh cái xe tập đi và vài món đồ chơi gắn trên xe mà thôi. Đó là một sự thiệt thòi thật sự.
  • Xe cho trẻ tập đi rất nguy hiểm, có thể gây chấn thương cho trẻ.
Trẻ tập đi
Dạy bé tập đi đi trên sàn nhà và không mang giày

4. Bố mẹ nên làm gì khi dạy trẻ tập đi?

  • Dạy bé tập đi đi trên sàn nhà và không mang giày như vậy, bé sẽ được tiếp xúc trực tiếp với nền đất. Chỉ khi bé đã đi vững hơn một chút, mẹ mới nên cho con đi lại bằng giày. Giai đoạn từ 0-3 tuổi, bàn chân bé được cấu tạo bởi 70% là sụn. Độ tuổi này cũng là giai đoạn quyết định tới sự phát triển xương bàn chân của bé. Nếu dạy bé tập đi không đúng cách, hay mang phải những đôi giày không thoải mái sẽ dẫn tới sự phát triển sai lệch của xương bàn chân và dễ dẫn tới các hội chứng như bàn chân bẹt, chân vòng kiềng, ngón chân búa, móng mọc ngược vào trong.
  • Dìu, nâng đỡ bé đi từng bước một, nhưng không thúc đẩy hay kéo bé đi theo mình, dễ gây trật cổ tay hay xương vai bé. Bạn có thể quỳ gối trước mặt bé và đỡ bé bằng hai tay khi bé di chuyển trong nhà, khi bé đã đi thành thạo, bạn có thể dùng tay dắt bé đi.
  • Khi bạn thay quần áo cho bé, hãy để bé đứng. Bé đứng nhiều sẽ chắc khỏe cơ, xương chân là tiền đề rất tốt để bé tập đi.
  • Nên lót sàn nhà bằng những miếng xốp, đệm để bước chân bé được vững hơn, không bị trơn trượt, đồng thời bảo vệ bé khi ngã.
  • Khi bé đã biết đứng vịn tay vào đồ vật, bạn có thể huấn luyện bé vịn tay vào ghế, thành giường và bước từng bước, di chuyển từ ghế này sang ghế khác.
  • Hạn chế bế bé, chỉ nên bế lúc cần thiết. Ngoài ra, bạn hãy để bé được tự do ngồi, nằm chơi. Những bé quen được bế bồng sẽ không thích tập đi nữa.
  • Đề phòng những vật cao: Không bao giờ được để bé một mình trên giường, bàn hay những đồ nội thất cao khác trong nhà. Nên sử dụng dây đeo an toàn khi bé ngồi trên xe đẩy hoặc ghế dành cho bé. Tránh cho bé chơi một mình ngoài ban công. Dùng những thanh chặn cầu thang, chặn cửa cũng là cách giữ an toàn cho bé.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

82.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan