Diễn biến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Nam - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Sốt xuất huyết ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm với các triệu chứng sốt, xuất huyết, thoát huyết tương và có thể dẫn đến rối loạn đông máu, sốc giảm thể tích tuần hoàn, suy tạng. Bệnh lý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong.

1. Sốt xuất huyết ở trẻ em rất nguy hiểm

Sốt xuất huyết do virus dengue gây ra, đây là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính có thể lây lan thành dịch. Vật chủ trung gian gây bệnh là muỗi vằn, loại muỗi này đốt người nhiễm virus dengue sau đó truyền bệnh cho người bình thường qua vết đốt. Bệnh lý xảy ra nhiều tại các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, ở Việt Nam sốt xuất huyết lưu hành phổ biến ở tất cả các vùng miền và thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9 và 10.

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em xảy ra nhiều, nguyên nhân được giải thích là do sự hiếu động, ham chơi nên trẻ thường thích chơi ở những vị trí tối, đây là nơi tập trung nhiều muỗi nên dễ bị muỗi tấn công. Bên cạnh đó, sự vui chơi và hoạt động nhiều làm thân nhiệt của trẻ tăng lên, nhịp thở cũng cao hơn, ra nhiều mồ hôi hơn nên làm cho muỗi dễ bị phát hiện và tấn công. Khi bị muỗi đốt, ý thức trẻ còn thấp và ít có phản ứng, vết đốt của muỗi làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể và tăng nguy cơ bị mắc bệnh.

2. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em có triệu chứng gì?

Diễn biến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em trải qua ba giai đoạn gồm giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Triệu chứng trong từng giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn sốt: Trẻ mắc sốt xuất huyết ở giai đoạn này thường khởi phát với triệu chứng sốt cao đột ngột, thời gian sốt có thể kéo dài từ 2 – 7 ngày. Các triệu chứng kèm theo bao gồm mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau hai hốc mắt và xuất hiện chấm xuất huyết dưới da (chấm đỏ xuất hiện dưới da và không mất đi khi dùng tay ấn vào, thường ở cẳng tay, ngực, thắt lưng, nách, xuất huyết niêm mạc như chảy máu răng, chảy máu mũi, đi đại tiện ra máu). Đối với trẻ sơ sinh còn có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, ho sổ mũi. Thông thường triệu chứng ở giai đoạn này không đặc hiệu và khó phân biệt với các bệnh lý do nhiễm virus khác.
  • Giai đoạn nguy hiểm: Khởi phát từ ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Ở giai đoạn này người bệnh còn sốt hoặc đã hết sốt, các triệu chứng điển hình gồm xuất huyết dưới niêm mạc, xuất huyết đường tiêu hóa, đau hạ sườn phải, đau bụng thượng vị. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, người bệnh bị thoát huyết tương dẫn đến tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi, người mệt mỏi li bì, vật vã, mạch nhanh, chân tay lạnh, tụt huyết áp, huyết áp kẹp không đo được đưa đến tình trạng sốc.
  • Giai đoạn phục hồi: Xảy ra sau 24 – 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm. Ở giai đoạn này người bệnh hết sốt hoàn toàn, xuất hiện hiện tượng tái hấp thu mô kẽ vào lòng mạch. Người bệnh tiểu được, bắt đầu thèm ăn, huyết động học dần ổn định và cảm thấy dần khỏe hơn.
diễn biến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Diễn biến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em trải qua ba giai đoạn

3. Phương pháp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh, các phương pháp điều trị là điều trị triệu chứng. Trường hợp sốt xuất huyết ở trẻ em được bác sĩ cho điều trị ngoại trú và chăm sóc tại nhà, cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ và không quên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện. Theo đó, cha mẹ cần lưu ý các vấn đề như sau:

3.1. Hạ sốt đúng cách

Trẻ sốt cao trên 38 độ cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt chứa hoạt chất paracetamol với liều từ 10 – 15mg/kg, sau 4 – 6 giờ trẻ còn sốt thì cho uống liều lặp lại. Dùng khăn ấm lau nách và bẹn cho trẻ để tránh biến chứng sốt cao, co giật.

3.2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp

  • Chế độ ăn: Cha mẹ nên cho trẻ ăn đồ ăn lỏng, đầy đủ dinh dưỡng và dễ tiêu hóa như súp, cháo, sữa và các bữa ăn nên được chia thành nhiều bữa nhỏ.
  • Nước uống: Cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, trong đó khuyến khích uống oresol bù điện giải, nước sôi nguội, nước lọc, nước cam, nước chanh và nước trái cây...
  • Vitamin: Cha mẹ cần bổ sung thêm cho trẻ các loại vitamin nhóm A, B, C nhằm giúp tăng cường hoạt động chuyển hóa của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

3.3. Tái khám theo lịch của bác sĩ

Cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế tái khám theo lịch của bác sĩ, ngay cả vào buổi sáng, chiều hay là những ngày cao điểm của bệnh. Đặc biệt là khi trẻ có các triệu chứng như sau:

  • Trẻ quấy khóc, bứt rứt, khó chịu, trăn trở hoặc li bì mệt mỏi;
  • Trẻ bị đau bụng;
  • Trẻ bị chảy máu răng, chảy máu cam hoặc nôn ra máu, đi ngoài phân đen;
  • Tay chân trẻ bị lạnh, không vui chơi, bỏ bú và bỏ ăn uống.
diễn biến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao trên 38 độ

3.4. Tránh các tác động xấu

  • Cha mẹ tuyệt đối không cắt lễ hay cạo gió vì làm trẻ đau và có thể làm trẻ chảy máu, nhiễm trùng.
  • Không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Cha mẹ tuyệt đối không để trẻ truyền dịch tại các phòng khám tư hay các cơ sở y tế chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất và điều trị. Bởi nhiều trường hợp người bệnh truyền dịch không đúng làm cho bệnh trở nặng, khi được chuyển đến bệnh viện đã quá trễ và gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
  • Không sử dụng các loại thuốc như aspirin, ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì dễ gây xuất huyết nặng.

4. Các biện pháp phòng sốt xuất huyết ở trẻ em

Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng như sau:

  • Đậy kín các bình chứa nước để tránh muỗi bay vào và đẻ trứng;
  • Diệt bọ gậy, loăng quăng bằng cách thả cá vào các bình chứa nước;
  • Rửa và vệ sinh các dụng cụ chứa nước hàng tuần;
  • Tiêu hủy rác, các dụng cụ phế thải trong và xung quanh nhà như mảnh chai, lọ, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp xe... lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến và dọn vệ sinh môi trường;

Biện pháp phòng muỗi đốt như sau:

  • Mang quần áo tay dài;
  • Sử dụng màn khi đi ngủ, kể cả là vào ban ngày;
  • Diệt muỗi bằng cách dùng bình xịt, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi;
  • Người bệnh bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn để phòng tránh nguy cơ muỗi đốt và lây lan sang người khác;
  • Phối hợp với chính quyền địa phương, ngành y tế trong phòng chống lây lan dịch bệnh.

Ở mỗi giai đoạn, diễn biến của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sẽ khác nhau. Vì thế, cha mẹ cần nắm rõ triệu chứng của từng giai đoạn để có phương hướng chăm sóc trẻ, đồng thời can thiệp y tế khi cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan