Điều trị bệnh nhi chấn thương thận

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chấn thương thận, bàng quang, niệu quản hay niệu đạo là những tổn thương kín của hệ tiết niệu. Trong số này, trẻ em bị chấn thương thận chiếm tỷ lệ cao nhất với 60 - 90% các trường hợp tổn thương thận không do phẫu thuật.

1. Chấn thương thận là gì?

Thận là bộ phận ở vùng bụng, nằm sau phúc mạc và được che chắn bởi vòm sườn, phía sau lưng được che phủ bởi khối cơ lưng, cột sống. Chấn thương thận xảy ra khi một lực tác động từ bên ngoài, lực từ bên ngoài này có chiều ngược với lực bên trong của thân (dòng chảy của máu và nước tiểu qua thận).

  • Biểu hiện của chấn thương thận ở trẻ em:

Trẻ sẽ có các biểu hiện như: Đau vùng thắt lưng, mức độ đau sẽ tăng dần lên sau khi bị chấn thương; Biểu hiện chướng bụng, buồn nôn; Đi tiểu có máu (nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ đậm). Nếu xảy ra nhiễm trùng sẽ xuất hiện sốt, đau tức vùng hạ sườn. Khối máu tụ bên trong làm căng gồ vùng mạn sườn thắt lưng. Trường hợp chấn thương mức độ nặng sẽ kết hợp các tổn thương phối hợp như gãy xương, vỡ bàng quang, rách da. Sau khi xảy ra chấn thương nếu trẻ biểu hiện bị sốc, choáng, da xanh, niêm mạc nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt thì đây là cấp độ chấn thương nặng nhất.

  • Phân loại cấp độ chấn thương thận ở trẻ em:
    • Độ 1: Đụng dập thận (tổn thương đụng dập tụ máu nông vùng vỏ dưới bao thận);
    • Độ 2: Dập thận nhẹ (tổn thương dập vùng vỏ chưa đến vùng tủy thận);
    • Độ 3: Dập thận nặng (tổn thương dập vùng vỏ lan tới vùng tủy thận, kèm theo rách đài bể thận);
    • Độ 4: Vỡ thận (thận vỡ thành 2 hay nhiều mảnh);
    • Độ 5: Tổn thương cuống thận.
Điều trị bệnh nhi chấn thương thận
Chấn thương thận ở trẻ em được phân loại thành nhiều cấp độ

2. Chấn thương thận ở trẻ em

Các bé trai do hiếu động hơn bé gái nên tỉ lệ bé trai bị chấn thương thận cao hơn so với ở bé gái. Ngoài nguyên nhân chấn thương đến từ tai nạn, tác động lực từ bên ngoài thì chấn thương thận ở trẻ em còn có thể liên quan đến các tình trạng thận bị tổn thương bẩm sinh như thận nước, thận móng ngựa,... Thực tế chỉ ra rằng, nguyên nhân chấn thương thận đến từ lý do bẩn sinh ở trẻ cao hơn, mức độ tổn thương còn nặng nề hơn so với chấn thương thận ở người lớn.

Cơ chế chấn thương do tác động bên ngoài vào thận của trẻ có thể đến từ vật tác động là vật tù hoặc vật sắc nhọn. Chấn thương do vật tù là chấn thương do tai nạn giao thông, té ngã từ trên cao, tai nạn trong sinh hoạt, chơi thể thao. Nguyên nhân đến từ tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ cao. Tỉ lệ làm tổn thương, xé rách nhu thận hay mạch máu thận chiếm khoảng 10 -15% các chấn thương do vật tù. Chấn thương bụng kín theo mạch máu bị tổn thương chiếm tỉ lệ thấp chỉ 0,1%.

Chấn thương do đạn bắn, dao đâm là chấn thương do vật sắc nhọn gây nên. Chấn thương này gây ra những thương tổn mức độ rất nặng và khó lường hơn so với chấn thương thận do vật tù. Nguyên nhân chấn thương do đạn bắn có thể phá huỷ chủ mô thận, lan rộng đến cả các cơ quan khác theo chiều di chuyển của viên đạn. Hầu hết phải cắt thận nếu chấn thương thận do đạn bắn.

3. Điều trị bệnh nhi chấn thương thận

  • Nguyên tắc điều trị:

Đầu tiên cần cầm máu cho người bệnh, bảo tồn thận sau chấn thương, cho bệnh nhân nằm bất động tại giường, đặt ống thông từ niệu đạo - bàng quang để theo dõi tình trạng tiểu ra máu. Tiến hành chườm lạnh vùng thận, truyền dịch, truyền thêm máu nếu cần. Trong quá trình điều trị bác sĩ sẽ kết hợp thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, cầm máu hoặc lợi tiểu cho bệnh nhân. Trong trường hợp tổn thương mức độ nặng có thể bác sĩ sẽ chỉ định làm phẫu thuật. Trường hợp chấn thương mức độ nặng kết hợp các tổn thương phối hợp thì cần điều trị cả những tổn thương đi kèm.

  • Điều trị chấn thương thận nhẹ:

Người bệnh tổn thương thận xuất hiện tiểu máu thì cần nhập viện để bác sĩ điều trị bảo tồn thận cho đến khi nước tiểu trong về trạng thái bình thường. Trường hợp tiểu máu vi thể và UIV bình thường thì bệnh nhân có thể điều trị tại nhà.

  • Điều trị chấn thương thận nặng:
CT trẻ em
Chụp CT để đánh giá mức độ tổn thương thận

Tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương thận và kết quả chụp CT, nếu bệnh nhân ổn định có thể điều trị bảo tồn bằng việc truyền máu, truyền dịch, kê kháng sinh phổ rộng cùng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu kết quả chụp CT nhiều lần cho biết diễn tiến bệnh không cải thiện, dấu hiệu chảy máu vẫn diễn tiến thì bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn và chỉ định mổ thám sát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan