Hậu quả khi bé biếng ăn kéo dài

Biếng ăn là một rối loạn ăn uống và sức khỏe tâm thần xuất hiện khi trẻ không muốn ăn và tìm cách nôn mửa thức ăn. Nếu nghi ngờ trẻ gặp chứng biếng ăn bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm lý. Việc điều trị khi bé biếng ăn kéo dài có thể cần đến các liệu pháp tâm lý và thuốc men.

1. Tại sao trẻ biếng ăn kéo dài?

Mặc dù phổ biến nhưng các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ tại sao trẻ em mắc phải chứng biếng ăn kéo dài. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ được cho rằng có liên quan đến tình trạng biếng ăn kéo dài của trẻ, bao gồm:

  • Giới tính: nữ. Trẻ gái có tần suất mắc phải chứng biếng ăn cao hơn so với trẻ trai.
  • Trẻ có một loại tính cách nhất định hay cá tính mạnh. Ví dụ một số đứa trẻ có tính cách cầu toàn hoặc một người có năng lực cao
  • Trẻ có lối suy nghĩ theo cách ám ảnh
  • Tiền sử gia đình có người mắc chứng chán ăn tâm thần.

Những đứa trẻ có một trong những đặc điểm trên có nguy cơ mắc phải chứng biếng ăn cao hơn trẻ khác. Nếu con bạn biếng ăn, tình yêu thương và sự hỗ trợ của bạn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con bạn khỏi bệnh.

2. Hậu quả khi trẻ biếng ăn kéo dài

Biếng ăn kéo dài có thể gây hậu quả lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Những tác động này có thể thay đổi từ các nhiễm trùng nhỏ đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Trong một số trường hợp, các hậu quả có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành, thậm chí kéo dài suốt đời.

  • Tim mạch

Thông thường, bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong ở những người mắc chứng chán ăn trầm trọng. Một trong những tác động tiêu cực phổ biến nhất của chứng chán ăn là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm là tình trạng nhịp tim giảm xuống dưới 60 nhịp mỗi phút. Ở người bình thường khỏe mạnh, nhịp tim có thể dao động từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Con số này thường lớn hơn ở trẻ em. Khi lưu lượng máu bị giảm và huyết áp giảm xuống mức nguy hiểm, tim sẽ trở nên yếu hơn và co lại với kích thước nhỏ hơn.

Một trong những mối nguy hiểm chính đối với tim bắt nguồn từ việc thiếu cân bằng các khoáng chất cần thiết như kali, canxi, magiê và phốt phát. Những khoáng chất này thường hòa tan trong chất lỏng cơ thể. Nhưng với tình trạng mất nước và đói xảy ra khi trẻ biếng ăn kéo dài, việc giảm thể tích huyết tương lưu hành và giảm lượng muối khoáng sẽ tạo ra một tình trạng gọi là mất cân bằng điện giải. Một số chất điện giải, như canxi và kali, rất cần thiết để tạo ra các dòng điện mà cơ thể cần để duy trì nhịp tim bình thường. Đó là lý do tại sao sự mất cân bằng chất điện giải có thể rất nguy hiểm. Tính mạng của trẻ có thể bị đe dọa nếu chất lỏng và khoáng chất không được thay thế. Các biến chứng về tim mạch có nguy cơ xuất hiện cao hơn khi chứng chán ăn kết hợp với các hành vi liên quan đến chứng ăn vô độ.

Trẻ 7 tháng tuổi bị suy tim nặng có điều trị được không?
Bé biếng ăn kéo dài có thể gây ra bệnh lý về tim mạch

  • Hệ xương

Một trong những nguy cơ sức khỏe hàng đầu của chứng biếng ăn kéo dài có liên quan đến xương. Gần 90% phụ nữ mắc chứng biếng ăn gặp phải tình trạng được gọi là Osteopenia, tức là mất canxi trong xương. Có đến 40% những người mắc chứng chán ăn cũng có thể đối mặt với chứng loãng xương, nghĩa là mất mật độ xương. Hơn 2/3 trẻ nhỏ và trẻ em gái vị thành niên biếng ăn không phát triển xương chắc khỏe trong giai đoạn phát triển quan trọng của chúng. Bé trai biếng ăn cũng thường xuyên bị còi cọc. Bệnh nhân càng nhẹ cân thì tình trạng mất xương càng xảy ra một cách nghiêm trọng.

Sự mất xương có thể bắt đầu sớm nhất là sáu tháng sau khi hành vi biếng ăn xuất hiện. Bác sĩ Diane Mickley, đồng chủ tịch của Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia cho biết: “Thanh thiếu niên là một khoảng thời gian hẹp để tích lũy khối lượng xương tồn tại suốt đời.” Vì thế đây là một trong những biến chứng không thể chữa khỏi của tình trạng biếng ăn kéo dài.

  • Hệ thần kinh và tâm thần

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, chứng chán ăn có thể kéo theo các nguy cơ sức khỏe lâu dài gây tổn thương dây thần kinh, ảnh hưởng đến não bộ và các bộ phận khác của cơ thể. Kết quả là, các tình trạng bất thường sau có thể xuất hiện:

  • Co giật
  • Rối loạn suy nghĩ
  • Tê bì hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân (bệnh thần kinh ngoại vi)

Ảnh chụp não của những người mắc chứng biếng ăn kéo dài cho thấy những thay đổi về cấu trúc hoặc hoạt động bất thường trong thời gian mắc bệnh. Một số bất thường này có thể biến mất khi phục hồi cân nặng, nhưng một số tổn thương não có thể vĩnh viễn.

  • Hệ máu

Một trong những tình trạng phổ biến nhất liên quan đến chứng biếng ăn là thiếu máu. Hàm lượng vitamin B12 thấp đến mức nguy hiểm là nguyên nhân chính. Khi chứng chán ăn trở nên cực độ, tủy xương giảm sản xuất các tế bào máu một cách đáng kể. Tình trạng này được gọi là Pancytopenia, và nó cũng có thể đe dọa đến tính mạng.

  • Hệ tiêu hóa

Chán ăn gây hậu quả nghiêm trọng đáng kinh ngạc cho hệ tiêu hóa. Đầy hơi chướng bụng và táo bón rất phổ biến ở những trẻ chán ăn. Vì chán ăn thường đi đôi với hành vi ăn uống vô độ, nên việc ọc sữa hoặc nôn mửa sau đó có thể khiến hệ tiêu hóa tiếp xúc với axit dạ dày dư thừa và dẫn đến các tình trạng như trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét thực quản.

  • Các cơ quan nội tạng

Khi chứng biếng ăn kéo dài, các cơ quan của cơ thể sẽ giảm hoạt động. Đây là biến chứng nghiêm trọng. Dấu hiệu chính đầu tiên của suy đa cơ quan thường là nồng độ men gan trong máu tăng cao. Để đảo ngược điều này, trẻ cần phải được nạp vào cơ thể một lượng calo.

trẻ đau bụng kèm nôn
Tại sao trẻ biếng ăn kéo dài cha mẹ cần gặp bác sĩ để được tư vấn tốt nhất

3. Trẻ biếng ăn kéo dài phải làm sao?

Nguyên tắc quan trọng cần nhớ là biếng ăn kéo dài được xem như một vấn đề sức khỏe tâm thần và y tế, vì vậy trẻ em khó có thể tự phục hồi được. Trẻ cần được điều trị và hỗ trợ nhất quán từ gia đình. Điều này có nghĩa là cha mẹ không nên ngại giám sát chặt chẽ hành vi ăn uống của con mình. Cha mẹ nên đảm bảo con mình ăn nhiều loại thức ăn đa dạng và có đủ dinh dưỡng mỗi ngày.

Bên cạnh đó để hạn chế tình trạng biếng ăn kéo dài trẻ cần được bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Nếu cần thiết có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng về việc bổ sung sao cho hợp lý và hiệu quả với tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan