Huấn luyện dùng bô cho trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Không có độ tuổi đúng để bắt đầu dạy trẻ tự đi vệ sinh vì mỗi bé đều khác nhau. Độ tuổi huấn luyện trẻ dùng bô ngày càng gia tăng vì sự ra đời của tã giấy tiện lợi. Tuy nhiên vẫn có nhiều người ủng hộ quan điểm tập dùng bô cho trẻ sơ sinh đến 4 tháng.

1. Khái niệm huấn luyện trẻ dùng bô từ sớm

Huấn luyện dùng bô cho trẻ sơ sinhdạy trẻ tự đi vệ sinh trong toilet hoặc ngồi bô với sự hỗ trợ của mẹ từ rất sớm - thường là từ sơ sinh đến 4 tháng tuổi. Một số cha mẹ dùng cách này sẽ tránh sử dụng tã hoàn toàn, và đưa em bé đến nhà vệ sinh hoặc chiếc bô gần nhất bất cứ khi nào nghĩ rằng bé sắp ị hoặc tè. Những người khác chỉ sử dụng tã trong một thời điểm nhất định, như khi ra khỏi nhà hoặc ban đêm. Khi được 18 tháng tuổi, hầu hết trẻ sẽ "tốt nghiệp" khóa huấn luyện này - nghĩa là bé biết khi nào phải sử dụng nhà vệ sinh và tự mình đến đó.

Trong khi khái niệm huấn luyện dùng bô cho trẻ sơ sinh dường như khá mới mẻ đối với nhiều cha mẹ trẻ ngày nay, thì đây hoàn toàn không phải là một ý tưởng mới. Trước năm 1950, hầu hết trẻ em ở Mỹ đều tự đi vệ sinh được sau 18 tháng và các em bé trên toàn thế giới nói chung đều được đào tạo bài bản trước sinh nhật lần thứ hai.

Nhiều người cho rằng lý do khiến trẻ sơ sinh và cha mẹ ngày nay gắn bó với tã lâu hơn một phần là do quan điểm thay đổi của các chuyên gia, cũng như phát minh ra tã giấy dùng một lần siêu tiện lợi.

Vào những năm 1950, bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia khác bắt đầu ủng hộ cách để trẻ thoải mái, tự do hơn trong việc vệ sinh thay vì huấn luyện khắt khe. Sau đó, ngày càng nhiều chuyên gia đã ủng hộ cách nuôi dạy con cái nhẹ nhàng hơn, lấy trẻ em làm trung tâm. Họ khuyến khích cha mẹ cho phép trẻ đi vệ sinh tự do theo thời gian biểu riêng và chỉ từ bỏ tã lót khi nào bé thật sự sẵn sàng.

Trẻ 4 tháng tuổi
Trẻ 4 tháng tuổi có thể huấn luyện dùng bô từ sớm

Quan điểm này xuất hiện cùng thời gian với phát minh tã giấy dùng một lần. Những chiếc bỉm hiện đại thấm hút đến mức trẻ không cảm thấy khó chịu vì ướt hay bẩn, đồng thời cha mẹ cũng thoải mái và chăm sóc trẻ dễ dàng hơn. Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi độ tuổi trung bình của việc huấn luyện trẻ dùng bô tăng lên, thay vì bắt đầu từ lúc sơ sinh như trước đây.

2. Ưu điểm của huấn luyện dùng bô cho trẻ sơ sinh

Có rất ít dữ liệu khoa học về việc dạy trẻ tự đi vệ sinh nói chung, nhưng có thể liệt kê ra một số ưu điểm như sau:

  • Thúc đẩy liên kết giữa cha mẹ và em bé

Những người ủng hộ khẳng định huấn luyện trẻ dùng bô mang bạn đến gần với con hơn. Bởi vì phải liên tục theo dõi em bé để tìm dấu hiệu sắp tè hoặc ị, bạn dần hiểu rõ nhu cầu của con hơn. Việc này giúp bố mẹ có thể giao tiếp với con ngay từ khi bé chỉ mới 3 tháng tuổi. Người ủng hộ dùng bô cho trẻ sơ sinh cũng thường nuôi dạy con theo kiểu gắn bó (attachment-style parenting). Cụ thể, em bé sẽ ngủ chung giường với bố mẹ, được cho bú mẹ kéo dài và thường xuyên được bế trong một chiếc địu.

  • Thoải mái hơn cho em bé

Một số ý kiến cho rằng trẻ sơ sinh thường quấy khóc là do khó chịu khi phải mặc tã, kể cả tã vải hay giấy. Huấn luyện trẻ dùng bô từ sớm có thể hạn chế được tình trạng này, cũng như giúp bé tránh bị phát ban, hăm tã.

  • Giúp bé phát huy bản năng tự lập

Khi bé trở nên cứng cáp hơn và bắt đầu muốn làm mọi thứ theo ý riêng, việc khuyến khích con tự bò đến bô hoặc tự mình đi vệ sinh sẽ dễ dàng hơn là phải thay tã hàng ngày, nhất là đối với các bé trai năng động, không bao giờ chịu nằm yên.

  • Giảm số lượng tã thải ra môi trường

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường, tã giấy dùng một lần tồn tại hàng thế kỷ mới phân hủy được, và một em bé trung bình dùng khoảng 8.000 chiếc tã. Sử dụng tã vải sẽ hạn chế rác thải ra môi trường, nhưng cũng tiêu tốn các nguồn tài nguyên khác trong quá trình sản xuất và giặt thay. Giảm sử dụng tã không chỉ tốt cho trái đất, mà còn tiết kiệm được một khoản chi phí cho ngân sách của gia đình bạn.

Hăm tã
Huấn luyện dùng bô cho trẻ giúp giảm số lượng tã thải ra môi trường
  • Thuận theo bình thường và tự nhiên

Thực tế, việc huấn luyện dùng bô cho trẻ sơ sinh giống với các tập tục xưa của phụ nữ ở vùng cao, nơi họ thường địu con theo khi đi làm việc ngoài đồng. Các bà mẹ phải cố gắng tránh bị trẻ làm bẩn bằng cách đoán trước nhu cầu đi vệ sinh của bé. Khi người mẹ nhận thấy một tín hiệu cho thấy con mình sắp đi ị hoặc tè, bà sẽ đưa bé ra xa khỏi cơ thể.

Để nhanh chóng đưa em bé đi vệ sinh, người mẹ không cần phải ngồi yên cả ngày và nhìn chằm chằm vào con để tìm kiếm các dấu hiệu. Khi đã thành thói quen, bạn sẽ cảm thấy việc này cũng dễ đoán như đoán ý lúc nào thì bé đói hoặc buồn ngủ.

3. Nhược điểm của huấn luyện dùng bô cho trẻ sơ sinh

Cũng có không ít chuyên gia nghi ngờ về phương pháp này, đồng thời phụ huynh cũng phải nỗ lực rất lớn mới có thể huấn luyện dùng bô cho trẻ sơ sinh thành công. Một số nhược điểm bao gồm:

  • Mất rất nhiều thời gian và tâm huyết

Kỹ thuật dùng bô cho trẻ sơ sinh có nhiều khả năng thành công hơn nếu được áp dụng thường xuyên nhất có thể. Vì vậy, việc dạy trẻ tự đi vệ sinh có thể khó thực hiện nếu hai vợ chồng bạn phải đi làm việc toàn thời gian. Trường mẫu giáo và cả những người được thuê để chăm sóc trẻ cũng hiếm khi sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này.

  • Em bé có thể không sẵn sàng về thể chất

Các chuyên gia phát triển trẻ em cho biết, trẻ sơ sinh bắt đầu nhận thức đầy đủ cảm giác của bàng quang hoặc trực tràng khi được 12 tháng tuổi, và chỉ kiểm soát cơ bản bàng quang hoặc ruột của chúng khi được 18 tháng tuổi. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ em dưới 18 tháng không thể đi vệ sinh một cách có chủ ý, hoặc thậm chí không có cảm giác buồn ị hay tè. Tuy nhiên, khả năng này sẽ khác nhau rất nhiều giữa mỗi trẻ.

Huấn luyện dùng bô cho trẻ sơ sinh sẽ là một trải nghiệm tích cực nếu được thực hiện khi con bạn đã phát triển đầy đủ. Nếu việc này diễn ra sớm hơn trước khi bé sẵn sàng, thì có lẽ không thực sự mang lại lợi ích.

Mẹ và bé
Để trẻ có thể tự đi bô, đòi hỏi sự kiên nhẫn từ ba mẹ
  • Đòi hỏi sự kiên nhẫn

Huấn luyện trẻ dùng bô không phải lúc nào cũng thành công nhanh chóng, nhiều cha mẹ cảm thấy khó khăn và bực tức trong quá trình này. Một số bé có thể sử dụng bô trong vài tuần, sau đó lại “gặp sự cố” thường xuyên. Có những bé đi vệ sinh mà không bao giờ biểu hiện bất cứ cảnh báo nhận biết nào cho cha mẹ. Bác sĩ nhi khoa cũng lưu ý rằng các bậc cha mẹ không nên cảm thấy thất vọng với con mình. Với những trẻ không dễ huấn luyện, quá trình này có thể tạo ra tương tác tiêu cực giữa cha mẹ và con cái.

  • Chuẩn bị dọn dẹp mớ hỗn độn

Trong khóa huấn luyện dùng bô cho trẻ sơ sinh, những sự cố xử lý không kịp rất thường xuyên xảy ra. Mặc dù những người ủng hộ khẳng định phương pháp này ít bừa bộn hơn dùng tã lót, nhưng bạn cần chuẩn bị sẵn tinh thần để lau dọn khi không thể đưa bé đi vệ sinh kịp thời. Chất tẩy rửa gốc enzyme để xử lý chất thải vật nuôi cũng có thể được dùng tốt cho con người.

4. Các bước dạy trẻ tự đi vệ sinh

Theo những người đã có kinh nghiệm, nên bắt đầu huấn luyện trẻ dùng bô từ sơ sinh đến 4 tháng. Bởi vào độ tuổi lớn hơn, trẻ có thể mất nhiều thời gian hơn để học vì đã quen với việc dùng tã. Sau đây là các bước cơ bản:

  • Theo dõi em bé và nhận biết dấu hiệu chuẩn bị đi vệ sinh. Khi nào và bao lâu thì bé sẽ đi vệ sinh? Có một thời điểm cụ thể trong ngày như ngay sau khi thức dậy, hay bất kỳ tiếng động, cử chỉ và biểu cảm cụ thể nào không?
  • Khi nhận thấy dấu hiệu sắp đi vệ sinh của bé, hãy nhẹ nhàng bế bé vào toilet, bô hoặc thậm chí là xô hoặc chậu có kích thước nhỏ để phù hợp với bé.
  • Trong khi bé đang đi, hãy tạo ra tiếng động mà bé sẽ liên kết với việc đi vệ sinh. Nhiều cha mẹ sử dụng âm thanh “si” hoặc “ị” kéo dài. Lặp lại âm thanh này bất cứ khi nào bạn thấy bé sắp đi và trong khi đi. Từ đó bé sẽ học được cách nhận tín hiệu và kết nối với hành động sử dụng bô.
  • Khi “sự cố” xảy ra, hãy chấp nhận dọn dẹp và giữ tinh thần thoải mái. Thái độ của bố mẹ cũng giúp con thoải mái về quá trình này.
Huấn luyện trẻ dùng bô
Trong quá trình dạy trẻ dùng bô, ba mẹ cần giữ tinh thần thoải mái, không trách phạt
  • Vào ban đêm, đặt bô ngay bên giường và cho bé sử dụng trước khi bú mẹ hoặc nếu bé trở mình trong đêm. Trẻ sơ sinh hiếm khi đi tiểu hoặc ị trong một giấc ngủ sâu. Do đó, động đậy hoặc trở mình trong đêm thường là một dấu hiệu bé cần đi vệ sinh.
  • Vào ban đêm, bạn vẫn có thể sử dụng tã, hoặc cho bé nằm một tấm nệm không thấm nước để phòng trường hợp xảy ra sự cố. Linh hoạt sử dụng tã khi ra ngoài để giúp mọi chuyện dễ dàng hơn. Nếu có thể hãy sử dụng tã vải, vì tã giấy ngày nay có khả năng thấm hút tốt đến mức bé thường không nhận ra mình đã bị ướt hoặc bẩn.
  • Giữ thái độ lạc quan, không dùng áp lực hay trách phạt. Bất cứ khi nào con bạn học cách sử dụng bô, hãy tập luyện nên nhẹ nhàng và tích cực, pha chút hài hước nếu có thể. Mục đích là để giúp bé thích nghi và cảm thấy tốt khi sử dụng bô.

5. Huấn luyện trẻ dùng bô từ sớm có hiệu quả không?

Điều này phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa “hiệu quả” là như thế nào. Nếu mục tiêu của bạn là sử dụng ít tã hơn và tạo cơ hội cho bé thực hành một kỹ năng thiết yếu sau này, thì câu trả lời là có. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là đứa trẻ nhỏ không bao giờ cần dùng tã nữa và cũng không bao giờ tè dầm hay ị đùn, câu trả lời có lẽ là không.

Với những những gia đình đã thành công, bé dường như học cách đọc tín hiệu của cơ thể và tự đi vệ sinh ngay khi cảm thấy mắc. Nhưng vẫn có những đứa trẻ khác sẽ cần nhiều thời gian hơn để phát triển kỹ năng này. Thử nghiệm là cách duy nhất để bạn biết con mình thuộc nhóm nào.

Nếu mục tiêu chính của bạn là dạy trẻ tự đi vệ sinh sớm hơn độ tuổi trung bình, bạn có thể thử áp các dụng phương pháp huấn luyện trẻ dùng bô phổ biến. Tuy nhiên, nếu con bạn không thể đáp ứng được, có lẽ bạn nên đợi cho đến khi bé có những dấu hiệu sẵn sàng.

Thay tã, hăm tã
Huấn luyện trẻ dùng bô từ sớm giúp ba mẹ tiết kiệm tã hơn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan