Làm thế nào để chẩn đoán không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa.

Lactose là loại đường chính có trong sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Trong ruột non, enzyme lactase có nhiệm vụ phân hủy đường lactose. Trẻ không dung nạp lactose sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém, đồng thời có các biểu hiện như tiêu chảy, đầy hơi, nôn,... khi bú sữa.

1. Không dung nạp lactose là gì?

Đối với người không dung nạp lactose, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ lactase - loại enzyme cần thiết để tiêu hóa lactose (đường trong sữa bò và các sản phẩm từ sữa khác). Kết quả là, đường lactose không được tiêu hóa sẽ nằm lại trong ruột và gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa. Những vấn đề này khiến người bệnh khó chịu, nhưng không nguy hiểm.

Không dung nạp lactose phổ biến ở trẻ lớn và người lớn, đặc biệt ở một số nhóm dân tộc và chủng tộc. Có khoảng 30 - 50 triệu người ở Hoa Kỳ không dung nạp lactose. Người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha, người Do Thái và người Mỹ bản địa có nhiều khả năng bị không dung nạp lactose hơn những người gốc Bắc Âu.

2. Không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh

Không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh là rất hiếm, bởi vì hầu hết các bé mới sinh ra đều có sẵn men lactase trong ruột để tiêu hóa sữa mẹ. Đôi khi, không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh xuất hiện vì một trong những lý do sau:

  • Rối loạn di truyền: Rất hiếm khi trẻ sinh ra không dung nạp lactose do thiếu men lactase. Điều kiện mắc bệnh là cả cha và mẹ đều phải truyền gen không dung nạp lactose này cho con. Ngay từ khi sinh ra, em bé sẽ bị tiêu chảy nặng và không thể dung nạp đường lactose trong sữa mẹ hoặc sữa hộp làm từ sữa bò. Bé sẽ cần một loại sữa công thức đặc biệt, không chứa lactose.
  • Sinh non: Những đứa trẻ sinh non đôi khi không thể sản xuất đủ lượng lactase. Tình trạng này thường khỏi ngay sau khi sinh và hầu hết trẻ sơ sinh có thể dung nạp sữa mẹ và sữa công thức có chứa lactose sau một thời gian ngắn.
  • Nhiễm virus hoặc bệnh tật: Nếu bé bị tiêu chảy nặng, cơ thể sẽ tạm thời gặp khó khăn trong việc sản xuất men lactase. Trẻ có thể gặp các triệu chứng không dung nạp lactose trong 1 - 2 tuần khi chờ đường ruột phục hồi.
  • Bệnh celiac: Bệnh gây viêm ruột và có thể dẫn đến chứng không dung nạp lactose khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi bắt đầu ăn thực phẩm có chứa gluten. Các triệu chứng điển hình bao gồm tiêu chảy, kém ăn, căng và đau bụng, và sụt cân. Dạng không dung nạp lactose này sẽ biến mất khi điều trị bệnh celiac tiềm ẩn.
trẻ khóc
Bệnh Celiac có thể dẫn đến chứng không dung nạp glucose khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi, bắt đầu ăn thực phẩm có chứa gluten

3. Các triệu chứng không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh

Nếu không dung nạp lactose, trẻ có thể biểu hiện những triệu chứng dưới đây khoảng 30 phút đến 2 giờ sau khi bú sữa mẹ hoặc ăn các sản phẩm từ sữa như pho mát hoặc sữa chua:

  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Bụng phình to
  • Đầy hơi, đánh rắm.

Một số người không dung nạp lactose có thể tiêu thụ một lượng nhỏ sữa mà không biểu hiện triệu chứng. Những người khác sẽ cảm thấy khó chịu mỗi khi ăn thức ăn có chứa dù chỉ một lượng nhỏ lactose.

4. Chẩn đoán không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh

Trình bày với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng trẻ có dấu hiệu không dung nạp lactose. Để chẩn đoán không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của con bạn và:

  • Đề nghị bạn loại bỏ tất cả các nguồn cung cấp lactose ra khỏi chế độ ăn của trẻ trong vài tuần để xem các triệu chứng có giảm bớt hay không.
  • Xét nghiệm không dung nạp lactose, đo lượng đường trong máu trước và sau khi trẻ uống dung dịch lactose.
  • Kiểm độ pH trong phân cũng có thể giúp phát hiện vấn đề hấp thụ đường lactose hoặc các loại carbohydrate khác.

Đôi khi trẻ sẽ được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để đánh giá thêm.

5. Điều trị không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh

Việc điều trị chứng không dung nạp lactose tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, có thể bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Khi được chẩn đoán không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh cần tránh sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ làm giảm các triệu chứng. Con bạn cần uống sữa công thức không chứa lactose và giảm lactose, loại sữa này có bán rộng rãi ở các siêu thị. Khi bắt đầu ăn dặm, bạn cần giảm hoặc loại bỏ các sản phẩm từ sữa khỏi chế độ ăn của trẻ.
  • Thực phẩm bổ sung men lactase: Bác sĩ có thể đề nghị dùng những loại thực phẩm này để giúp con bạn tiêu hóa thức ăn có chứa sữa.
  • Giới thiệu đến một chuyên gia dinh dưỡng: Nếu trẻ không thể dung nạp bất kỳ loại sữa nào, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ ăn uống của trẻ có đủ canxi và vitamin D.
sữa mẹ và sữa công thức
Nếu trẻ không dung nạp glucose, hãy đổi sang loại sữa không chứa glucose và giảm lactose

6. Chăm sóc trẻ sơ sinh không dung nạp lactose

Bạn có thể giúp kiểm soát chứng không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh bằng cách:

6.1. Đọc nhãn dinh dưỡng

Một số thực phẩm dường như vô hại, nhưng thực chất có chứa đường sữa lactose, chẳng hạn như: bánh pancake (bánh rán / nướng chảo), bánh quy, ngũ cốc ăn sáng, hộp khoai tây và súp ăn liền, bơ thực vật, nước sốt salad, bánh mì và thịt nguội...

Vì vậy bạn cần kiểm tra vỏ bao bì cẩn thận để biết các thành phần như váng sữa, sữa đông, phụ phẩm từ sữa, sữa khô và sữa bột không béo. Luật yêu cầu các sản phẩm có chứa thành phần sữa (hoặc các chất gây dị ứng thông thường) phải được ghi rõ ràng trên nhãn như vậy.

6.2. Quan sát cách bé phản ứng với sữa

Một vài người không dung nạp lactose có thể tiêu hóa một lượng nhỏ lactose, trong khi số khác lại rất nhạy cảm dù chỉ tiếp xúc với lượng cực nhỏ. Có thể bạn sẽ phải thử một ít loại thực phẩm sữa và quan sát cách trẻ phản ứng.

Nếu bé rất nhạy cảm, bạn cần tránh tất cả các nguồn có lactose. Nếu không, bạn có thể cho trẻ ăn một lượng nhỏ các loại thực phẩm từ sữa đã thử. Trẻ có thể dễ dung nạp các sản phẩm từ sữa hơn nếu ăn cùng với các thực phẩm khác.

6.3. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé

Nếu buộc phải loại bỏ các sản phẩm từ sữa khỏi chế độ ăn của trẻ, bạn cần đảm bảo rằng trẻ có các nguồn canxi khác, giúp xương và răng phát triển chắc khỏe. Những nguồn canxi không từ sữa bao gồm:

  • Rau xanh
  • Nước trái cây và sữa đậu nành bổ sung canxi
  • Đậu phụ
  • Bông cải xanh
  • Cá hồi đóng hộp
  • Cam
  • Bánh mì tăng cường canxi.

Ngoài ra, các sản phẩm sữa không chứa lactose hiện cũng có bán ở nhiều siêu thị, chứa đủ các chất dinh dưỡng của sữa thông thường mà không có đường lactose.

Các chất dinh dưỡng khác cần quan tâm là vitamin A và D, riboflavin và phốt pho. Sẽ rất hữu ích khi tham khảo ý kiến ​​chuyên gia nếu bạn không biết cách cung cấp cho con tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết mà không có các sản phẩm từ sữa. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn muốn dùng vitamin hoặc chất bổ sung cho trẻ.

Sữa đậu nành
Nếu buộc phải loại bỏ các sản phẩm từ sữa khỏi chế độ ăn của trẻ thì bạn có thể tham khảo các loại sữa như sữa đậu nành, đậu phụ,

7. Không dung nạp lactose có giống với dị ứng sữa không?

Không dung nạp lactose khác với dị ứng sữa. Dị ứng là một phản ứng miễn dịch, trong khi không dung nạp lactose là thiếu các enzym tiêu hóa, nhưng các triệu chứng có thể tương tự. Dị ứng sữa bò rất phổ biến ở trẻ em, ảnh hưởng đến khoảng 2% trẻ em dưới 4 tuổi.

Con của bạn có thể bị dị ứng sữa nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây khi dùng các sản phẩm từ sữa:

  • Thở khò khè hoặc khó thở
  • Ngứa và sưng mặt, môi hoặc miệng
  • Nổi mề đay
  • Bệnh chàm
  • Đau quặn bụng
  • Trào ngược
  • Khóc dạ đề
  • Táo bón.

Trẻ bị dị ứng sữa thường xuất hiện các triệu chứng trong vòng 6 tháng đầu đời. May mắn thay, phản ứng dị ứng có xu hướng thuyên giảm khi bé trưởng thành. Điều này trái ngược với bệnh không dung nạp lactose, thường trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

91.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan