Làm thế nào khi trẻ bị sốt cao, viêm loét họng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Hải từng làm việc tại Khoa Nhi sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Thế mạnh của bác là khám và điều trị nhi khoa tổng quát, khám và điều trị nhi sơ sinh, hồi sức nhi.

Viêm loét miệng là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Vết loét tạo cảm giác đau rát, đặc biệt khi tiếp xúc với thức ăn nên khiến trẻ khó ăn uống, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, chảy nước miếng. Ban đêm trẻ thường khó ngủ và hay ngồi dậy khóc do đau miệng.

1. Nguyên nhân trẻ bị sốt cao, viêm loét họng

Viêm loét miệng ở trẻ em thường biểu hiện là những vết loét nhỏ có kích thước vài milimet. Vết loét có thể đơn độc hoặc xuất hiện thành từng đám thường tập trung ở mặt trong niêm mạc má, vòm họng, lưỡi, môi.

Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị loét miệng và sốt. Nguyên nhân thường gặp nhất là:

  • Tác động cơ học: Trẻ vô tình tự cắn vào lưỡi hay mặt trong gò má; trẻ ăn những thức ăn cứng, nhiều mảnh xơ gây trầy xước niêm mạc miệng như ăn bánh mì nướng, mía...
  • Răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ: Một trong những nguyên nhân viêm loét miệng ở trẻ em là do sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus vào vùng miệng họng. Đa số các bé thường không thích đánh răng và súc miệng nước muối, vệ sinh răng miệng không sạch nên dễ tạo điều kiện gây bệnh. Phụ huynh nên chú ý tập cho bé thói quen đánh răng sạch, súc miệng bằng nước muối để phòng tránh bệnh viêm họng, nhiệt miệng, viêm amidan,...
  • Trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc chế độ ăn không cân đối: Trẻ bị thiếu các vitamin và chất khoáng cần thiết như vitamin B12, vitamin C, chất sắt và acid folic.
  • Lạm dụng kháng sinh: Cơ thể trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các loại kháng sinh, nếu lạm dụng thuốc kháng sinh khi trẻ bị bệnh sẽ dễ gây phản ứng phụ như sốt và nhiệt miệng, loét họng gây khó chịu và đau đớn, thậm chí bé có thể bị dị ứng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm.
  • Trẻ mắc phải một số bệnh lý: Loét miệng ở trẻ em cũng có thể gặp trong một số bệnh lý liên quan đến tình trạng rối loạn của hệ thống miễn dịch hay những bệnh lý truyền nhiễm như thủy đậu, herpes,... Khi trẻ mắc các bệnh này, nguy cơ lây nhiễm trực tiếp và bùng phát thành dịch rất cao. Đặc trưng dễ dàng nhận thấy ở bé bị viêm loét họng do các bệnh này gây nên là có các nốt bọng nước trong vùng miệng và niêm mạc họng vỡ ra gây loét.
Viêm họng ở trẻ em
Một trong những nguyên nhân viêm loét miệng ở trẻ em là do sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus vào vùng miệng họng

Đặc biệt đối với trẻ em, nếu bé bị loét miệng và sốt thì cần lưu ý đến bệnh tay chân miệng. Đây là một bệnh lây lan qua đường phân - miệng thường biểu hiện bằng những vết loét trong niêm mạc miệng và có thể gây tử vong cho trẻ.

Nếu chỉ dựa vào vết loét miệng thì rất khó để phân biệt loét miệng do tay chân miệng hay do các nguyên nhân khác, vì vậy, cha mẹ cần cẩn thận và theo dõi sát sao nếu nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng.

2. Làm thế nào khi trẻ bị sốt cao, viêm loét họng?

Điều quan trọng khi viêm loét miệng ở trẻ em là cha mẹ cần giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ. Vì đau nên nhiều trẻ thường lười uống nước, không nuốt nước bọt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn cư trú trong vùng miệng, họng phát triển, gây bội nhiễm. Tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý súc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy.

Có thể cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý sau ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy.

Về chế độ ăn, cha mẹ nên sử dụng các thực phẩm để nguội, nấu loãng như cháo, súp, sữa... Đồng thời, tăng cường các loại nước quả giàu vitamin, đặc biệt là C để tăng sức đề kháng cho trẻ. Nếu sức đề kháng kém, cơ thể có thể tái nhiễm lại nhiều lần, có trường hợp vừa đỡ mấy ngày đã sốt lại. Cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế cơ thể bị mất nhiều nước.

Bệnh do virus gây ra nên thường tự khỏi sau 3-7 ngày, chỉ cần điều trị triệu chứng, giảm đau. Cha mẹ lưu ý chỉ dùng kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm. Việc tự ý dùng thuốc khiến bệnh không đỡ mà thậm chí nặng hơn vì trẻ có thể bị tiêu chảy do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Trẻ đang biếng ăn vì đau, cộng thêm việc đi ngoài sẽ khiến trẻ càng mệt mỏi hơn.

Loét miệng cũng có thể xảy ra khi bé phải sử dụng một số loại thuốc kháng sinh trong thời gian dài. Trường hợp này, bạn nên lau miệng, nhất là lưỡi bé thật sạch sau mỗi lần uống thuốc.

Khi bé bị loét miệng và sốt cho trẻ uống hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C. Có bé chỉ hâm hấp sốt, nhưng nếu quá đau, cản trở ăn uống có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm đau theo đúng hướng dẫn, 4 - 6 tiếng/lần theo cân nặng của trẻ. Tuy nhiên, không nhất thiết phải uống oresol, trừ trường hợp nếu như trẻ đi ngoài và nôn trớ nhiều. Ngoài ra, việc truyền dịch cũng phải tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, khi bị sốt virus, điều quan trọng là cần được nghỉ ngơi, để cơ thể dồn sức thải virus ra ngoài. Vì thế, nếu trẻ vừa mới hạ sốt, cha mẹ không nên để con đi học, chạy nhảy tung tăng, nếu không bệnh sẽ lâu khỏi.

Paracetamol
Cần hạ sốt cho trẻ nếu cần với liều lượng theo cân nặng

3. Phòng ngừa viêm loét họng, sốt cao ở trẻ

Để phòng bệnh viêm loét miệng ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần:

  • Tập cho bé thói quen rửa tay thường xuyên để tránh tiếp xúc với vi khuẩn. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là có nhiều khoáng chất và các vitamin A, C, E.
  • Hướng dẫn cho trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách, vệ sinh nhẹ nhàng bằng các bàn chải lông mềm. Sau khi trẻ khỏi bệnh, phụ huynh phải thay bàn chải đánh răng của bé để giúp ngăn ngừa bệnh quay trở lại.
  • Hướng dẫn trẻ vệ sinh ăn uống cho trẻ. Không cho trẻ ngậm tay, chân hay đồ chơi vật dụng không sạch.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ bằng dung dịch khử khuẩn và rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn thường xuyên trước khi chăm sóc trẻ.
  • Cho trẻ chích ngừa thủy đậu và các loại vắc xin cần thiết khác.
  • Nếu trẻ bị các bệnh lý truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng thì phải cho trẻ cách ly không tiếp xúc với các trẻ khác.

Nếu nhận thấy các biểu hiện của bệnh viêm loét miệng ở trẻ ở trẻ em,... cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời.

Để phòng tránh sốt cao cũng như viêm loét họng ở trẻ, cha mẹ nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.

Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm.Tăng cường lysine cho bé còn giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

175.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan