Mùa đông - Thời điểm cần cảnh giác trẻ bị viêm tiểu phế quản

Vào mùa đông, khi nhiệt độ trong không khí xuống thấp là điều kiện khiến cho những bệnh hô hấp ở trẻ em gia tăng nhanh, trong đó có bệnh viêm tiểu phế quản. Viêm tiểu phế quản là bệnh lý đường hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ bị viêm tiểu phế quản có nguy cơ bị tái đi tái lại, dễ gây ra biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.

1. Trẻ bị viêm tiểu phế quản có nguy hiểm không?

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý Nhi khoa đặc trưng bởi sự viêm nhiễm cấp tính của các phế quản kích thước nhỏ, có đường kính dưới 2mm hay còn gọi là các tiểu phế quản. Trẻ bị viêm tiểu phế quản nguyên nhân là là do virus hợp bào hô hấp. Do khả năng lây lan rất mạnh của virus nên bệnh có nguy cơ xảy ra thành dịch và là một trong những nguyên nhân thường xuyên khiến cho trẻ phải nhập viện.

Bệnh viêm tiểu phế quản thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, thường gặp nhất là từ 3 đến 6 tháng tuổi. Thành của các tiểu phế quản này không có sụn mà chỉ có cơ trơn nên thường dễ bị co thắt và xẹp lại khi bị viêm nhiễm. Khi trẻ mắc bệnh, các tiểu phế quản này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp, thậm chí tắc nghẽn đường thở. Vì vậy, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nghiêm trọng hơn nữa là trẻ sẽ bị thiếu oxy.

Tất cả các trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản nếu không được chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như: rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện những cơn khó thở ra tái phát, viêm tiểu phế quản lan tỏa. Nguy hiểm hơn sẽ làm trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, viêm phổi - trung thất, xẹp phổi và thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

Bệnh viêm tiểu phế quản sẽ có biến chứng nghiêm trọng hơn ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có bệnh lý nền là bệnh tim, phổi, suy giảm hệ miễn dịch. Hơn nữa, trẻ bị viêm tiểu phế quản mãi không khỏi và tái diễn bệnh nhiều lần còn là nguyên nhân gây ra hen phế quản sau này.

trẻ bị viêm tiểu phế quản
Trẻ bị viêm tiểu phế quản nguyên nhân là là do virus hợp bào hô hấp

2. Triệu chứng bệnh đặc trưng khi trẻ bị viêm tiểu phế quản

Khi trẻ bị viêm tiểu phế quản thường có các dấu hiệu đặc trưng như sốt nhẹ, ho, sổ mũi trong 2-3 ngày đầu. Sau đó, trẻ sẽ ho nhiều hơn, nhiều trẻ ho đến mức nhiều người nghĩ rằng trẻ bị ho gà và phải cho trẻ nhập viện.

Ngoài ra, trẻ bị viêm tiểu phế quản có thể kèm theo các biểu hiện thở khò khè và có thể thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực, khó thở. Đối với trẻ bú mẹ nếu nặng hơn có thể bỏ bú, tím tái do thiếu oxy.

Trẻ bị viêm tiểu phế quản nếu được chăm sóc tốt, sau 5 đến 7 ngày trẻ sẽ bớt khò khè, sau khi khó thở sẽ trở lại bình thường, ho giảm dần rồi khỏi hoàn toàn trong khoảng 10-14 ngày. Tuy nhiên, có những trẻ bị viêm tiểu phế quản mãi không khỏi và bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ. Nếu không được chăm sóc tốt, bệnh viêm tiểu phế quản có thể gây biến chứng như: viêm tai giữa, suy hô hấp, xẹp phổi, viêm phổi...

3. Cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản

Việc chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản đúng cách sẽ góp phần giúp trẻ tránh được bệnh, cũng như giúp trẻ hồi phục tốt hơn.

Với trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản nhẹ, không có biến chứng, trẻ không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ Nhi khoa là hết sức cần thiết. Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống thuốc vì nếu dùng không đúng có thể làm trẻ bệnh nặng hơn hoặc có thể có tác dụng có hại với trẻ nhỏ.

Tại nhà cha mẹ cần chăm sóc trẻ như sau:

Với trẻ nhỏ cha mẹ cần: Tiếp tục cho con bú mẹ hoặc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời, bạn cũng cần chia nhỏ thành nhiều cữ bú, thành nhiều bữa ăn, điều này giúp trẻ giảm tình trạng nôn trớ khi ho nhiều.

Với trẻ lớn cần:

  • Cho trẻ uống bổ sung nước để tránh thiếu nước.
  • Làm thông thoáng đường thở cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn.
  • Nhỏ mũi cho trẻ với 2-3 giọt nước muối sinh lý, tác dụng là làm sạch mũi cho trẻ.
  • Cho trẻ dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Tránh khói thuốc lá vì có thể làm diễn biến bệnh nặng hơn.
  • Cách để giảm ho, long đờm cho bé là bạn có thể sử dụng mật ong hấp với quả quất còn xanh hoặc mật ong hấp với lá hẹ.
  • Nếu trẻ bị sốt, không nên ủ trẻ quá ấm, dùng nước ấm để chườm vào nách, cổ, bẹn. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol nhưng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, cần chú ý liều lượng phù hợp với trọng lượng cơ thể của trẻ.
trẻ bị viêm tiểu phế quản
Cha mẹ cần phải đưa trẻ đến khám bác sĩ trong thời gian nhanh nhất có thể nếu trẻ thở khó khăn hoặc rất nhanh

Cha mẹ cần phải đưa trẻ đến khám bác sĩ trong thời gian nhanh nhất có thể nếu:

  • Trẻ thở khó khăn hoặc rất nhanh.
  • Trẻ thở khò khè hoặc ngủ li bì.
  • Bụng và xương sườn của trẻ co kéo ở mỗi nhịp thở và phập phồng cánh mũi.
  • Da xanh xao, nhợt nhạt hoặc môi trẻ tím tái.
  • Trẻ biểu hiện tức ngực khi thở.
  • Trẻ bị viêm tiểu phế quản mãi không khỏi gây biến chứng nặng làm bít tắc đường thở, biểu hiện hơi thở mệt nhọc, ăn uống kém và nôn trớ nhiều.

4. Phòng ngừa biến chứng của viêm tiểu phế quản

Để dự phòng trẻ bị viêm tiểu phế quản và các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ cần chăm sóc trẻ đúng cách và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

  • Cho trẻ bú mẹ ngay từ lúc mới sinh và duy trì bú hoàn toàn sữa mẹ đến 2 tuổi.
  • Khi trẻ ăn dặm cần cho trẻ ăn uống đủ chất, bao gồm đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng chính: tinh bột, chất đạm, rau xanh - trái cây và lipid từ dầu thực vật.
  • Cho trẻ uống đầy đủ nước hàng ngày.
  • Tiêm phòng đầy đủ vắc xin và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ y tế.
  • Giữ cho môi trường xung quanh sạch sẽ, trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá.
  • Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ vì virus gây bệnh lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với trẻ lớn, người lớn đang bị viêm đường hô hấp cũng như các bệnh lý khác.
  • Cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, đặc biệt là khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hằng ngày.
  • Giữ cho phòng ngủ của trẻ sạch sẽ, vừa ấm áp và vẫn thông thoáng khí.
  • Khi có những biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, bú kém, bỏ bú... cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh kịp thời.

Vào mùa đông, khi nhiệt độ trong không khí xuống thấp là điều kiện khiến cho bệnh viêm tiểu phế quản gia tăng. Đây là bệnh lý đường hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ bị viêm tiểu phế quản có nguy cơ bị tái đi tái lại, dễ gây ra biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Vì thế, cha mẹ cần chú ý đến cách phòng ngừa bằng cách cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, giữ cho không gian thoáng sạch,....

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

92 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan