Nội soi dạ dày ở trẻ em có ảnh hưởng gì không?

Nội soi dạ dày cho trẻ là một phương pháp hữu ích trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tiêu hóa. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định này cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh băn khoăn liệu nội soi dạ dày trẻ em có hại không, có ảnh hưởng đến trẻ hay không? Bài viết sẽ làm rõ về nội soi dạ dày ở trẻ em, cùng những lợi ích và hạn chế khi áp dụng kỹ thuật này cho trẻ.

1. Nội soi dạ dày cho trẻ là gì?

Trước khi trả lời cho câu hỏi nội soi dạ dày trẻ em có hại không, phụ huynh cần biết rằng nội soi là một kỹ thuật y học tiên tiến sử dụng dụng cụ có gắn camera để khảo sát hình ảnh trực tiếp các cơ quan bên trong cơ thể.

Với nội soi dạ dày ở trẻ em, bác sĩ sẽ sử dụng một dùng ống soi mềm, có kích thước nhỏ hơn người lớn, để thăm dò thực quản, dạ dày, hành tá tràng. Hình ảnh từ camera gắn ở đầu ống soi sẽ được kết nối trực tiếp với màn hình bên ngoài giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và thực hiện thao tác.

Ngoài việc phát hiện các dấu hiệu bất thường thông qua hình ảnh từ camera, kỹ thuật nội soi dạ dày cho trẻ còn cho phép bác sĩ thực hiện các thủ thuật như sinh thiết tổn thương nghi ngờ để làm thêm xét nghiệm chẩn đoán, hay thực hiện các can thiệp điều trị cần thiết cho trẻ như lấy dị vật, cầm máu, điều trị tĩnh mạch trướng thực quản, phình vị, cắt polyp,...

2. Phân loại nội soi dạ dày ở trẻ em

Tùy vào thể trạng, tình trạng bệnh lý và bệnh lý nền của trẻ (nếu có) mà bác sĩ có thể lựa chọn nội soi thường hay nội soi dạ dày có gây mê.

2.1. Nội soi dạ dày không gây mê

Đây là kỹ thuật nội soi dạ dày được tiến hành khi bệnh nhân ở trạng thái tỉnh táo, không chịu tác dụng của thuốc mê. Nội soi không gây mê được đánh giá an toàn, ít tai biến, tuy nhiên gặp phải một số hạn chế nhất định, nhất là ở những bệnh nhân nhỏ tuổi.

Trẻ thường khó chịu, giãy giụa, không hợp tác trong quá trình nội soi dạ dày, điều này dễ làm xây xác đường tiêu hóa, khiến trẻ đau bụng, thậm chí là chảy máu niêm mạc tiêu hóa. Do đó, nội soi không gây mê thường không được khuyến khích đối với trẻ nhỏ, mà thường được chỉ định đối với những bệnh nhân lớn hơn.

2.2. Nội soi dạ dày gây mê

Việc gây mê giúp cho việc nội soi dạ dày ở trẻ em, nhất là những trẻ nhỏ tuổi, được tiến hành thuận lợi hơn, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, kỹ thuật nội soi dạ dày cho trẻ có gây mê cần được thực hiện ở cơ sở y tế uy tín, bởi vì cơ địa trẻ em nhạy cảm và dễ phản ứng với thuốc mê hơn người lớn, bác sĩ gây mê sẽ phải thăm khám lâm sàng và tính toán liều lượng thuốc mê kỹ lưỡng trước khi tiến hành gây mê cho trẻ, nhằm giảm đến mức tối đa các tác dụng phụ không mong muốn hay biến chứng của thuốc mê trong và sau nội soi dạ dày cho trẻ.

3. Lợi ích của nội soi dạ dày ở trẻ em

Nội soi dạ dày ở trẻ em giúp chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý tiêu hóa ở trẻ như: polyp, dị vật tiêu hóa, hẹp thực quản, viêm loét dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản,...

  • Nội soi dạ dày cho trẻ là phương pháp giúp quan sát lòng ống tiêu hóa một cách trực tiếp, từ đó đánh giá, phát hiện các bệnh lý đường tiêu hóa ở trẻ như viêm, loét, u, hay các dị tật khác ở lòng ống tiêu hóa.
  • Khi thực hiện kỹ thuật nội soi dạ dày ở trẻ em, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết tổn thương nghi ngờ bệnh lý để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh khẳng định chẩn đoán: viêm, loét, lành tính hay ác tính
  • Nội soi dạ dày cũng cho phép thực hiện xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) - vi khuẩn liên quan với viêm loét dạ dày.
  • Ngoài ra, nội soi cũng giúp can thiệp điều trị một số bệnh lý tiêu hóa như: hẹp thực quản, chảy máu tiêu hóa, polyp, dị vật mà các phương pháp chẩn đoán khác không tỏ ra ưu thế.

4. Nội soi dạ dày trẻ em có hại không?

Mặc dù nội soi dạ dày cho trẻ tỏ ra ưu việt trong việc chẩn đoán và điều trị một số bệnh tiêu hóa, vẫn có một số hạn chế nhất định khi tiến hành nội soi dạ dày cho bệnh nhân ở lứa tuổi này.

  • Việc đưa ống soi vào cơ thể của trẻ có thể gây nên tình trạng chảy máu, đôi khi dẫn đến thủng ống tiêu hóa. Tỷ lệ này tăng lên đối với nội soi can thiệp điều trị như lấy dị vật, cắt polyp, thắt tĩnh mạch trướng thực quản, nong thực quản. Hiện nay, những loại máy soi chuyên biệt với kích thước phù hợp cho trẻ đã được cho ra đời, nếu được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, thì tỉ lệ tai biến là rất hiếm..
  • Các bất lợi khác của nội soi dạ dày ở trẻ em có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc gây mê trong nội soi, trẻ có thể sốc phản vệ, tụt huyết áp, thiếu oxy máu,... Tuy nhiên, tỷ lệ này rất thấp. Với sự tiến bộ của y học, nhiều loại thuốc mê tác dụng nhanh, thời gian bán thải ngắn, ít tác dụng phụ đã được phát triển và ứng dụng trong nội soi dạ dày, giúp bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục nhanh hơn sau nội soi gây mê, giảm tỷ lệ biến chứng.

5. Chỉ định nội soi dạ dày cho trẻ khi nào?

Trước những lợi ích và nguy cơ của nội soi dạ dày, không nên quá lạm dụng nội soi dạ dày cho trẻ, nhất là đối với trẻ quá nhỏ tuổi, việc nội soi dạ dày ở trẻ em nên được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Việc thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cơ bản thông thường giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán, trong trường hợp cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định nội soi dạ dày cho trẻ để khẳng định chẩn đoán, tìm nguyên nhân, hay nội soi để tiến hành các thủ thuật can thiệp điều trị.

Những tình trạng sau có thể là lý do để bác sĩ đề nghị nội soi dạ dày cho trẻ:

  • Thiếu máu, mất máu không rõ nguyên nhân.
  • Nôn kéo dài và nặng, nôn ra máu.
  • Đi cầu phân đen, máu ẩn trong phân.
  • Đau bụng kéo dài, có thể liên quan đến ăn uống hoặc không.
  • Chậm tăng trưởng, sụt cân mà không rõ nguyên nhân.
  • Tiền sử cha, mẹ, hoặc anh chị em ruột mắc ung thư dạ dày; hoặc trẻ sống chung với bệnh nhân viêm loét dạ dày có HP dương tính.

6. Một số lưu ý khi nội soi dạ dày cho trẻ

Việc chuẩn bị cho trẻ trước khi tiến hành nội soi đóng vai trò hết sức quan trọng để tiến hành kỹ thuật này được an toàn và hiệu quả, giảm các bất lợi không mong muốn.

  • 48 giờ trước khi tiến hành nội soi dạ dày, cần cho trẻ uống nhiều nước, tránh dùng thực phẩm có màu vì nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả nội soi.
  • 24 giờ trước nội soi, không nên cho trẻ ăn thức ăn cứng.
  • Trẻ sẽ phải nhịn ăn uống trước nội soi ít nhất 6 tiếng .

Tóm lại, nội soi dạ dày ở trẻ em là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh và can thiệp ưu việt. Nội soi dạ dày không gây hại cho trẻ, nhưng vẫn có một số bất lợi nhất định, vì vậy không nên quá lạm dụng đối với các trẻ tuổi quá nhỏ. Chỉ định nội soi dạ dày nên được đề nghị bởi bác sĩ chuyên khoa sau khi đã thăm khám lâm sàng và làm những xét nghiệm cơ bản cần thiết. Việc áp dụng kỹ thuật nội soi dạ dày cho trẻ một cách hợp lý giúp phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời một số bệnh lý đường tiêu hóa ở trẻ em.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan