Phát ban sau sốt ở trẻ có là bất thường?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Phát ban sau sốt là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ thuộc nhóm tuổi từ 6 - 36 tháng tuổi. Nguyên nhân là do đây là giai đoạn trẻ có sức đề kháng rất kém vì lượng kháng thể tự nhiên của mẹ truyền cho trẻ đã giảm xuống đáng kể mà hệ miễn dịch của trẻ lúc này chưa hoàn thiện.

1. Phát ban là gì?

Bệnh phát ban hay còn gọi là sốt phát ban là tình trạng da của bé xuất hiện những thay đổi về màu da, kết cấu da do một nguyên nhân bất thường nào đó. Lúc này da của trẻ có thể có những dấu hiệu bất thường như mấp mô, ngứa, bong vẩy hoặc bị kích thích.

Một trẻ có thể bị phát ban sau sốt ít nhất là một lần, thậm chí nhiều lần tùy theo tình trạng sức khỏe của trẻ và nguyên nhân gây bệnh. Hầu hết nguyên nhân gây phát ban sau sốt cho trẻ là do virus lành tính, nếu được chăm sóc tốt, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày.

Nếu không được điều trị sớm thì các biểu hiện phát ban sau sốt ở trẻ nhỏ sẽ ngày càng nặng, dễ gây nhiễm trùng và tổn thương lâu dài, dễ để lại sẹo. Chính vì vậy việc áp dụng các biện pháp điều trị nên được tiến hành sớm.

2. Phát ban sau sốt ở trẻ em có nguy hiểm không?

Cha mẹ có thể biết con bị phát ban sau sốt khi trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ 37,5 -38 độ hoặc sốt cao đến 39, 4 độ. Thời gian ủ bệnh phát ban sau sốt trung bình khoảng 1 tuần, tùy vào thể trạng và nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ. Khi tình trạng sốt giảm thì trẻ bắt đầu khởi phát những nốt phát ban trên người. Cụ thể:

Bệnh ban đào ở trẻ em
Bệnh ban đào là một dạng phát ban sau sốt ở trẻ và là bệnh nhiễm trùng do virus gây ra

2.1. Bệnh ban đào

Bệnh ban đào là một dạng phát ban sau sốt, đây là bệnh nhiễm trùng do virus gây ra. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dễ mắc phải khi tiếp xúc với những virus thông qua nước bọt, ho và hắt hơi. Ban đào sẽ xuất hiện sau tình trạng sốt cao đột ngột, từ 38,8°C đến 40,5°C và kéo dài trong khoảng 3 – 7 ngày. Một số trẻ khi phát ban sau sốt sẽ vẫn hoạt động thoải mái và không có triệu chứng nào khác, nhưng những trẻ khác có thể kèm theo biểu hiện các tình trạng như:

  • Ăn không ngon
  • ỉa chảy
  • Ho
  • Sổ mũi
  • Sưng mắt hoặc viêm kết mạc mắt
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Buồn ngủ hoặc khó chịu

Khi cơn sốt dịu bớt, trẻ thường nổi mẩn đỏ trên thân người (khu vực bụng, lưng và ngực) trong vòng 12 – 24 giờ ngay cả sau khi hết sốt. Thông thường, phát ban sau sốt sẽ không được chẩn đoán chính xác cho đến lúc cơn sốt biến mất và phát ban xuất hiện. Trong vòng 24 giờ sau khi thân nhiệt trẻ trở lại bình thường thể trạng trẻ sẽ dần ổn định.

=>> Xem thêm hướng dẫn Cách đo thân nhiệt khi trẻ bị sốt do Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tham vấn chuyên môn.

Đối với hầu hết trường hợp, phát ban sau sốt do bệnh ban đào sẽ có biểu hiện:

  • Các đốm nhỏ màu hồng, rộng khoảng 5mm
  • Vết ban đôi lúc sẽ hơi sưng lên
  • Vết ban xuất hiện trên thân người và dần lan ra tay, mặt, cổ
  • Không có cảm giác đau đớn hoặc ngứa
  • Vết ban biến mất khi ấn vào
  • Nhạt dần sau 1 – 2 ngày.

Trong trường hợp trẻ bỗng dưng sốt cao, bé có thể gặp biến chứng co giật kèm theo. Do vậy, khi chăm sóc con bà mẹ cần quan sát con cẩn thận và đưa trẻ đến phòng khám kịp thời.

2.2. Bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là một dạng bệnh phổ biến do virus gây ra mà trẻ dưới 5 tuổi thường dễ mắc. Bệnh khởi phát bằng sốt, đau họng và chán ăn. Sau đó khoảng vài ngày, các vết loét sẽ xuất hiện quanh miệng. Những vết loét này khiến bé đau đớn, đồng thời các đốm ban đỏ có thể xuất hiện ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, dạng phát ban sau sốt này có thể lan đến đến các bộ phận như: Chi, mông và bộ phận sinh dục. Hiện nay, vẫn chưa có phương hướng điều trị cụ thể cho bệnh tay chân miệng. Thông thường tình trạng này sẽ diễn ra trong vòng 1 tuần.

2.3. Bệnh sởi

Khởi phát bệnh trẻ thường bị sốt, khi dấu hiệu sốt giảm trên lâm sàng trẻ sẽ xuất hiện dấu hiệu phát ban, lúc đầu ở sau tai sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự ban xuất hiện trên da, đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Bên triệu chứng phát ban sau sốt bệnh có thể kèm theo một số triệu chứng như chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt. Virus sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ đặc biệt là biến chứng viêm phổi và viêm não do virus.

2.4. Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn

Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn là tình trạng khiến trẻ bị phát ban sau sốt khá phổ biến. Bệnh sẽ tác động lên hai má của bé và làm cho chúng ửng hồng trông giống như vừa bị tát. Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn khởi phát với các triệu chứng khá giống cảm lạnh và sốt nhẹ. Khoảng 7 – 10 ngày sau, các vết đỏ trên má sẽ xuất hiện. Ban đỏ có thể lan đến thân hoặc tứ chi cũng như đi qua các bộ phận khác của cơ thể.

Đối với hầu hết trẻ em, bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn sẽ đến và đi trong một khoảng thời gian nhất định và không gây ra vấn đề sức khỏe nào cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị thiếu máu, hoặc nếu các triệu chứng của trẻ dường như trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

3. Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?

Sốt phát ban ở trẻ
Trẻ bị phát ban sau sốt và kéo dài hơn 7 ngày hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ

Bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ nếu trẻ có những dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ sốt cao hơn 39,5°C
  • Trẻ bị phát ban sau sốt và sốt kéo dài hơn 7 ngày
  • Phát ban sau sốt không chuyển biến tốt sau 3 ngày
  • Nếu hệ miễn dịch bị tổn hại và bé từng tiếp xúc với người mắc bệnh phát ban sau sốt.

Ngoài sốt, ở giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi, bé có thể mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp do bé bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển vận động, thích khám phá. Bé còn có thể gặp phải một số vấn đề khác nghiêm trọng hơn, nếu không được phát hiện sớm và điều trị sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài về sau vĩnh viễn.

  • Chậm nói ở trẻ 2 tuổi: đây không chỉ là vấn đề về ngôn ngữ mà còn có thể là biểu hiện của bệnh tự kỷ trẻ em hoặc là dấu hiệu báo động cho một số vấn đề nghiêm trọng hơn như mất thính lực.
  • Chậm vận động: các kỹ năng vận động thô, vận động tinh của bé chậm, chậm bò, chậm đứng có thể là dấu hiệu của sự rối loạn về thần kinh rất nguy hiểm.
  • Các vấn đề về còi xương, suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lên cân có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về đường tiêu hóa, chế độ dinh dưỡng không cân bằng.
  • Chậm mọc răng nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đặc biệt là răng vĩnh viễn mọc lệch.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

566.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan