Phòng ngừa và xử trí chảy máu cam ở trẻ

Chảy máu cam (chảy máu mũi) là bệnh lý vùng tai - mũi - họng khá phổ biến ở trẻ em. Đa phần các trường hợp chảy máu mũi ở trẻ em sẽ tự khỏi và có thể xử trí tại nhà. Trong trường hợp chảy máu cam ở trẻ nghiêm trọng với tần suất nhiều, cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1. Chảy máu mũi là gì?

Chảy máu mũi xuất hiện khi các mạch máu nhỏ nằm ở mũi bị vỡ và chảy máu. Đây là hiện tượng phổ biến ở trẻ 2 - 10 tuổi. Chảy máu mũi được chia thành 2 loại:

  • Chảy máu mũi trước: Chiếm khoảng 90% các trường hợp bệnh nhân chảy máu mũi. Tình trạng chảy máu mũi trước xuất phát từ phía trước mũi, vị trí cụ thể là đám rối Kiesselbach ở phần dưới vách ngăn mũi. Khu vực này có nhiều mạch máu nhỏ, dễ vỡ khi xì mũi hoặc có chấn thương cục bộ do xì mũi, day mũi. Máu mũi chủ yếu chảy ra phía trước, ít khi xuống họng, chảy máu dai dẳng với lượng không nhiều và thường ngừng khi áp dụng các biện pháp sơ cứu;
  • Chảy máu mũi sau: Chiếm khoảng 10% các trường hợp, liên quan tới các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi. Chảy máu mũi sau khá nguy hiểm, khó kiểm soát, cần được chăm sóc y tế. Tình trạng này phổ biến hơn ở người cao tuổi, có huyết áp cao hoặc bị chấn thương vùng mũi mặt. Máu mũi sau thường chảy ở cả 2 bên, chảy ra phía sau, đi xuống họng, chảy với lượng nhiều và có thể nguy kịch.
Nhổ nước bọt ra máu và bị chảy máu cam là triệu chứng của bệnh gì?
Chảy máu mũi thường xảy ra ở trẻ từ 2-10 tuổi

2. Nguyên nhân trẻ em bị chảy máu mũi

  • Thời tiết: Chảy máu mũi thường xảy ra và mùa lạnh, ở nơi hanh khô, độ ẩm thấp. Việc sưởi lò quá nóng làm khô, hư niêm mạc mũi gây chảy máu mũi. Ngoài ra, khi trời nóng, các mạch máu trong mũi giãn nở khiến trẻ cảm thấy ngứa, thường xuyên ngoáy mũi làm vỡ mạch máu gây chảy máu mũi;
  • Chấn thương: Ngoáy mũi, dị vật rơi vào mũi, va đập vào các vật dụng cứng;
  • Bệnh lý khu vực: Phẫu thuật mũi xoang, viêm xoang mạn tính, nhiễm trùng đường hô hấp, ung thư xâm nhập, bệnh u hạt,...;
  • Bệnh lý toàn thân: Nhiễm trùng, cao huyết áp, rối loạn đông máu, xơ vữa động mạch, khối u ác tính, bệnh gan, hệ quả của hóa trị liệu,...;
  • Nguyên nhân khác: Thiếu hụt vitamin C, mắc các bệnh lý di truyền liên quan tới việc thay đổi cấu trúc của thành mạch máu, viêm mạch máu,... làm tăng tính thấm thành mạch dẫn tới chảy máu mũi.

3. Cách xử lý chảy máu cam ở trẻ

  • Xác định bên mũi chảy máu: Khi phát hiện trẻ bị chảy máu cam, phụ huynh trước tiên không để bé dụi mũi tiếp. Sau đó, lau sạch cửa mũi 2 bên, để đầu trẻ hơi cúi về phía trước để máu chảy ra nhằm xác định bên mũi nào đang chảy máu. Đồng thời, tư thế cúi đầu cũng khiến máu cam không chảy ngược về phía họng của trẻ gây nôn ói;
Chảy máu cam ở trẻ và những điều cần biết
Lau sạch cửa mũi và để trẻ hơi cúi đầu về phía trước

  • Cầm máu: Lấy ngón tay đè lên cánh mũi trẻ vào vách ngăn mũi, hơi ngửa đầu trẻ lên một chút, giữ nguyên khoảng 5 - 10 phút để máu ngừng chảy. Chú ý không bóp phần xương sống mũi hoặc chỉ ấn một bên cánh mũi vì việc này sẽ khiến trẻ bị đau và không thể giúp cầm máu. Đồng thời, không được thả tay quá sớm hoặc nhiều lần vì sẽ khiến máu chảy kéo dài do chưa hình thành được cục máu đông ngăn chảy máu;
  • Chăm sóc sau khi cầm máu cho trẻ: Để trẻ nghỉ ngơi ở trạng thái tĩnh. Nếu máu cam vẫn chảy và bị chảy xuống cổ họng thì đặt trẻ nằm nghiêng, hướng dẫn trẻ dùng lưỡi đẩy máu ra ngoài. Phụ huynh chú ý không để trẻ nuốt máu cam vì rất có thể trẻ sẽ bị ngộ độc, nôn mửa, đau bụng và khó chịu.

Kịp thời đưa trẻ tới các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu sau:

  • Sau khi sơ cứu máu vẫn tiếp tục chảy;
  • Chảy máu mũi tái đi tái lại nhiều lần trong thời gian ngắn;
  • Máu chảy ngày càng nhiều và nhanh;
  • Chảy máu mũi do chấn thương nặng;
  • Trẻ có hiện tượng sốt hoặc phát ban do chảy máu cam;
  • Trẻ mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh;
  • Trẻ bị nôn ra máu.

4. Biện pháp phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ

Để phòng ngừa chảy máu mũi ở trẻ em, phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này và có biện pháp ứng phó phù hợp. Cụ thể:

  • Yêu cầu trẻ không ngoáy mũi, day mũi, nhét vật lạ vào trong mũi nếu nguyên nhân chảy máu cam do chấn thương, dị vật;
  • Cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, khi tập thể dục thể thao hoặc sinh hoạt ngoài trời;
  • Không nên để trẻ ngồi quá lâu trong phòng điều hòa vì không khí khô sẽ dễ gây chảy máu cam. Nếu trẻ ngồi hoặc ngủ trong phòng điều hòa, nên sử dụng máy phun sương hoặc đặt một chậu nước nhỏ để cấp ẩm cho không khí trong phòng;
Trẻ sơ sinh ngủ giấc dài quá có nên đánh thức cho bú?
Trẻ ngủ lâu trong phòng điều hòa dễ dẫn tới chảy máu cam

  • Giữ niêm mạc mũi được ẩm: Xịt hoặc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (đặc biệt quan trọng với trẻ thường xuyên bị cảm, nghẹt mũi hoặc dị ứng mũi). Ngoài ra, có thể bôi một chút kem vaseline vào phần trước của vách ngăn mũi để tránh nguy cơ niêm mạc mũi bị tổn thương gây chảy máu;
  • Cho trẻ ăn, uống các thực phẩm giàu vitamin C như trái cây tươi hoặc bổ sung vitamin C nếu nguyên nhân chảy máu cam là do thiếu vitamin C;
  • Khám và điều trị dứt điểm tình trạng viêm mũi cho trẻ vì đây là một trong những nguyên nhân thường gặp gây chảy máu cam;

Ngoài những lý do trên, chảy máu mũi ở trẻ em còn có thể do nhiều nguyên nhân khác. Vì vậy, nếu thực hiện các biện pháp phòng ngừa trên mà trẻ vẫn bị chảy máu cam nhiều lần và thường xuyên thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở chuyên khoa tai - mũi - họng để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, hiệu quả.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

78.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan