Phòng tránh sâu răng ở trẻ hay bú đêm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ hay bú đêm là nguyên nhân dẫn đến sâu răng ở trẻ nhỏ. Sâu răng ở trẻ nhỏ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường do đó cần có những biện pháp hiệu quả nhằm phòng tránh sâu răng ở trẻ hay bú đêm.

1. Vì sao bé bú đêm bị sâu răng?

  • Trẻ có thói quen bú sữa mẹ vào ban đêm hay ngậm bình khi ngủ làm sữa bám lâu vào răng trẻ, tạo môi trường axit dễ phá hủy men răng, thuận lợi để cho các vi khuẩn trong khoang miệng xâm nhập vào và phá hủy răng của bé. Ngoài ra trong lúc ngủ, chỉ có một lượng nhỏ nước bọt được tiết ra, do đó các chất lỏng có đường từ trong sữa sẽ đọng lại trên răng nhiều hơn so với ngày. Sau nhiều đêm như vậy răng trẻ rất dễ bị sâu.
  • Trẻ bú bình vào ban đêm với sữa công thức vào ban đêm có nguy cơ sâu răng cao hơn so với bú sữa mẹ. Do sữa công thức có hàm lượng đường cao kèm hoa quả chứa nhiều đường. Thức ăn chứa càng nhiều đường càng dễ chuyển hóa thành axit lactic dễ làm hư hại men răng của trẻ.
  • Mẹ trẻ chưa biết cách vệ sinh răng cho trẻ. Mẹ luôn nghĩ răng sữa sau này sẽ thay thành răng vĩnh viễn nên không quan tâm nhiều đến vệ sinh răng, cùng với nhiều thói quen xấu, không đưa trẻ đi khám nha sĩ hậu quả dẫn đến gây tình trạng đa sâu răng, nhất là các răng cửa sữa ở hàm trên và hàm dưới.

Xem thêm: Sâu răng ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết lúc mới chớm

2. Hậu quả của sâu răng ở trẻ em

Làm thế nào để làm dịu cơn đau dạ dày của bé?
Trẻ sâu răng sẽ bị đau nhức răng không nhai được thức ăn
  • Trẻ bị đau nhức, không nhai được thức ăn. Lớp men răng của răng sữa mỏng và yếu. Do đó, sâu răng lâu ngày nếu không được điều trị làm cho trẻ bị đau nhức đặc biệt vào ban đêm. Ngoài ra, trẻ không nhai được thiếu dinh dưỡng trẻ dễ bị đau dạ dày làm giảm sức khỏe ảnh hưởng đến học tập,...
  • Ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Răng bị phá hủy một cách nhanh chóng, hay gặp ở các răng phía trước hàm trên và hàm dưới của trẻ dưới 3 tuổi Hậu quả thường xuất hiện những lỗ sâu răng lớn màu đen sẫm hoặc có thể bị phá hủy dần rồi gãy ngang.
  • Trường hợp nặng, sâu răng có thể gây nhiễm trùng tủy răng, phải nhổ răng, đôi khi có thể gây nhiễm trùng huyết...
  • Ảnh hưởng đến các mầm răng vĩnh viễn bên dưới. Răng sữa là tiền đề quan trọng cho răng vĩnh viễn. Răng sữa sâu, các chân răng vĩnh viễn ở dưới răng sữa sẽ không mọc đều, đúng chỗ, lệch hàm cắn, có màu vàng hay nâu.
  • Trẻ khó phát âm. Sâu răng ở trẻ làm cho bé khó phát âm hoặc phát âm không chuẩn.

3. Cách phòng tránh sâu răng ở trẻ hay bú đêm

  • Trẻ sau 6 tháng đã được ăn dặm không sợ bị hạ đường huyết vào ban đêm nên trẻ cần được giảm số lần bú, đặc biệt vào ban đêm. Mỗi lần bú không quá 30 phút.
  • Không nên cho trẻ ngậm vú vừa bú, vừa ngủ như một thói quen. Trẻ được 6 tháng tuổi nên cho trẻ uống nước tráng miệng trước khi đi ngủ.
  • Nếu bé đòi bú bình mới chịu ngủ được thì nên cho trẻ bú bình nước lọc. Nên cho trẻ thôi bú bình khi được hơn 1 tuổi.
  • Cố gắng giữ miệng bé sạch sẽ. Sau mỗi lần ăn hay bú sữa đặc biệt vào ban đêm trước khi đi ngủ cần vệ sinh răng miệng ngay, dùng gạc hay gạc chùi sạch răng cho bé.
  • Cũng nên hạn chế lượng nước ép trái cây cho trẻ. Dưới 12 tháng các chuyên gia khuyến cáo trẻ không nên uống nhiều nước trái cây, vì loại nước này chưa nhiều đường dễ gây sâu răng.
  • Khi trẻ được hơn 12 tháng, ba mẹ nên chọn những loại thực phẩm, đồ uống ít đường, và nên cho bé uống cốc thay vì bú bình, rất hại cho răng. Nên tập cho trẻ uống nước lọc là loại nước chính và là loại nước lành mạnh.
  • Tập đánh răng cho trẻ. Đến khi bé được 12 tháng tuổi, thì bắt đầu cho bé tập đánh răng với nước không thôi. Khi bé được khoảng 18 tháng nên tập đánh răng với kem đánh răng của trẻ em có lượng fluoride thấp. Sau 6 tuổi, bé có thể đánh răng với kem đánh răng bình thường chưa fluoride như của người lớn.
  • Tránh lây nhiễm vi khuẩn sâu răng sang cho bé. Người lớn không dùng chung thìa muỗng với bé, không dùng miệng nhai thức ăn cho trẻ, hay thử nếm thức ăn cho trẻ xem thức ăn nguội hay chưa...
  • Cho trẻ đi khám răng định kỳ và khám ngay khi có biểu hiện của sâu răng để được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan