Phục hồi chức năng trật khớp háng bẩm sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Trật khớp háng bẩm sinh nằm trong danh sách cần được rà soát và chẩn đoán sớm, khi tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai bên khớp háng bị trật ra khỏi vị trí bình thường của khớp háng.

1. Trật khớp háng bẩm sinh là gì?

Trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai bên khớp háng so với vị trị bình thường bị trật trước trên, trước dưới, sau trên, sau dưới hoặc trung tâm. Trật khớp háng có thể phát hiện ngay sau khi sinh hoặc một vài tuần sau sinh.

Trẻ sơ sinh có thể chỉ bị trật khớp háng đơn thuần hoặc phối hợp với các dị tật bẩm sinh khác của hệ vận động như: Cứng khớp bẩm sinh, bàn chân khoèo bẩm sinh, não úng thủy, gai đôi cột sống...

Thực hiện phục hồi chức năng trật khớp háng bẩm sinh được dựa trên những mức độ khác nhau như:

  • Khớp háng không ổn định: Chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 60%), do gân, cơ và dây chằng.
  • Bán trật khớp háng: Một phần chỏm xương đùi bị trật ra khỏi ổ chảo, thường không có biến dạng ở chỏm xương đùi, cổ xương đùi cũng như tại ổ chảo.
  • Trật khớp háng hoàn toàn: chỏm xương đùi nằm hoàn toàn ngoài ổ chảo với các biến dạng của chỏm xương đùi và ổ chảo.
  • Một số nguyên nhân dẫn đến trật khớp háng bẩm sinh có thể kể đến là: Đột biến nhiễm sắc thể. Trẻ bị cứng đa khớp bẩm sinh (bàn chân khoèo, bàn tay khoèo, cứng khớp gối, cứng khớp khuỷu, cứng khớp vai, trật khớp háng... ); Nhiễm trùng của mẹ khi mang thai; Hình thái tử cung hẹp gây nên tư thế thai nhi bất thường.

2. Phục hồi chức năng trật khớp háng bẩm sinh

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật khi những phương pháp điều trị khác không đạt được kết quả như mong muốn

Để tăng tính hiệu quả cũng như giảm thiểu rủi ro trong phục hồi chức năng trật khớp háng bẩm sinh, các bác sĩ cần can thiệp ngay sau khi sinh bằng các biện pháp nẹp chỉnh hình, bó bột chỉnh hình.

Trong trường hợp những phương pháp trên không đạt được kết quả mong muốn hoặc trẻ trên 18 tháng tuổi thì cần cần thực hiện phẫu thuật.

Mục tiêu của pháp đồ phục hồi chức năng nhằm:

  • Nắn chỉnh chỏm xương đùi vào vị trí đúng trong ổ chảo.
  • Duy trì chỏm xương đùi ở vị trí đúng trong ổ chảo ổn định trong khoảng thời gian tối thiểu 12 tuần nhằm kích thích hình thành trục đồng tâm giữa chỏm xương đùi và ổ chảo.
  • Nắn chỉnh chống xoay trước của cổ và thân xương đùi: Do có một tỉ lệ cao phối hợp giữa trật khớp háng và xoay trước của cổ và thân xương đùi.

3. Các kỹ thuật phục hồi chức năng

3.1. Bó bột chỉnh hình khớp háng (Hip Spica Cast)

Phục hồi chức năng khớp háng bằng bó bột được chỉ định khi:

  • Trẻ được chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh đến sớm trước 6 tháng.
  • Trẻ bán trật khớp háng, viêm chỏm xương đùi vô khuẩn..

Chống chỉ định:

  • Trẻ trật khớp háng bẩm sinh trên 36 tháng tuổi
  • Trẻ mắc nhiều dị tật bẩm sinh như cứng đa khớp, thoát vị não tủy

Tiến hành bó bột:

  • Quấn toàn bộ vùng thắt lưng-hông-đùi, hoặc thắt lưng-hông-đùi-cẳng-bàn chân bằng băng cotton hoặc giấy vệ sinh.
  • Quấn bột từ vùng thắt lưng-hông-đùi (Short Leg-Hip Spica Cast) hoặc thắt lưng-hông-đùi-cẳng chân và bàn chân (Long Leg-Hip Spica Cast). Bệnh nhân được bó bột tư thế ếch với khớp háng hai bên gấp về phía bụng và dạng.
  • Giữ chân trẻ ở tư thế này đến khi khô bột.
  • Cố định bột trong 2 - 4 - 8 - 12 tuần(tùy thuộc lứa tuổi bắt đầu bó bột).
  • Tháo bột, vệ sinh sạch chân trẻ, bôi Betadine vào chỗ loét, xước.

Theo dõi sau bó bột tại nhà: Nếu các ngón chân sưng, tím, hoặc trẻ xuất hiện sốt và quấy khóc không rõ nguyên nhân cần tháo bột ngay để kiểm tra.

Thời gian bó bột: 2 tuần/ đợt, khoảng 10- 15 đợt. Cuối đợt bó cần chụp kiểm tra để xem vị trí chỏm xương đùi và ổ chảo đã vào đúng vị trí.

3.2. Nẹp chỉnh hình

Các loại nẹp hay dùng:

  • Nẹp Pavlik Harness: Là loại nẹp đai mềm, được ưa thích và chỉ định rộng rãi nhất.
  • Nẹp kiểu gối Freijka: Là loại nẹp tiện dụng, chỉ định cho những trường hợp khớp háng lỏng lẻo.
  • Nẹp nhựa cứng cố định khớp háng hai bên
  • Nẹp khớp háng làm bằng xốp mềm.

3.3 Thời gian đeo nẹp

  • Ngày sau sinh đến khi trẻ 12 tháng tuổi
  • Liên tục đeo cả ngày và đêm trong 6 tháng đầu
  • Đeo nẹp vào đêm trong 6 tháng tiếp theo.

3.4 Các điều trị khác

Phẫu thuật: Nếu trần ổ chảo quá dốc thì điều trị bảo tồn chắc chắn thất bại bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật sớm

Giữ trẻ ở tư thế dạng rộng khớp háng và gập gối bằng cách:

  • Đóng bỉm vệ sinh
  • Cõng hoặc địu trẻ
  • Đặt trẻ nằm sấp khi ngủ.
Bỉm
Giữ trẻ ở tư thế dạng rộng khớp háng và gập gối bằng cách đóng bỉm vệ sinh

>>Xem thêm: Siêu âm chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh- Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

4. Những lưu ý trong quá trình phục hồi chức năng trật khớp háng bẩm sinh

Ba mẹ cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi gặp một số dấu hiệu bất thường như các ngón chân sưng, tím, đau. Tổn thương phần mềm như gân, cơ, dây chằng; Teo cơ và giảm vận động do bất động lâu.

Ngoài ra, trẻ cần được khám thường quy, chụp khớp háng kiểm tra 3 tháng/lần trong 2 năm đầu.

Trẻ em, người lớn bị trật khớp háng bẩm sinh không được phục hồi chức năng sớm có thể có những vấn đề về tâm lý cần được cán bộ tâm lý hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan