Sự phát triển của trẻ mẫu giáo (từ 29 đến 30 tháng)

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Dù chỉ mới 2 tuổi rưỡi, nhưng trẻ mẫu giáo 30 tháng cũng đã phát triển thêm rất nhiều mặt, hình thành thêm những kỹ năng và thói quen mới. Việc chăm sóc trẻ tuổi mầm non giai đoạn này sẽ khá vất vả nhưng cũng không kém phần thú vị.

1. Sự phát triển chung của trẻ tuổi mầm non

Trẻ mẫu giáo 29 tháng đã có thể tự mặc một bộ quần áo và gọi tên 6 bộ phận cơ thể. Hiện tại con bạn cũng có khả năng giữ thăng bằng trên một chân trong vài giây cũng như xác định màu sắc. Trẻ em ở giai đoạn này đặc biệt thích lặp lại những hành động của mình như chỉ ăn một món, mặc một bộ quần áo nhiều ngày, hay làm một việc theo thứ tự nhất định, như là một cách rèn luyện khả năng kiểm soát.

Ngay cả khuôn mặt dễ thương của con cũng dần thay đổi, không còn giống trẻ sơ sinh nhưng cũng không phải trưởng thành. Đằng sau đôi mắt ngây thơ to tròn là một bộ não luôn quan sát tất cả sự vật, sự việc. Đối với trẻ, thế giới xung quanh cực kỳ hấp dẫn, mời gọi con hào hứng khám phá mọi lúc mọi nơi. Mẹ sẽ liên tục bắt gặp trẻ tò mò, động chạm hết món này tới món khác. Vì thế hãy đảm bảo mọi thứ trong tầm với của trẻ đều an toàn.

Hãy mua cho con một chiếc xe đạp ba bánh và các món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi để phát triển thêm nhiều kỹ năng cần thiết. Phụ huynh có thể ghé các cửa hàng đồ đã qua sử dụng nhưng còn tốt, săn hàng thanh lý, hoặc trao đổi đồ chơi với bạn bè có con cùng tuổi. Trẻ em rất nhanh chán đồ chơi, trong khi những món khác, dù không còn mới, vẫn làm bé hứng thú trong nhiều giờ.

trẻ tự mặc quần áo
Trẻ mẫu giáo 29 tháng đã có thể tự mặc một bộ quần áo và gọi tên 6 bộ phận cơ thể

2. Tò mò về những người khác

Ở tuổi này, bé có thể nhận dạng được một người bạn bằng tên gọi, nhưng vẫn thích chơi một mình, tự chơi mà không cần đợi ai. Khi nhận thức rõ hơn về những gì người khác đang nghĩ và cảm thấy, trẻ tuổi mầm non mới dần thích tương tác với những đứa bạn khác cùng trang lứa. Nhưng dù có bao nhiêu người xung quanh con đi chăng nữa, thì đối với bé bố mẹ vẫn là quan trọng nhất.

Bạn có thể thấy con luôn thông báo với mình những việc sắp làm, nhiều lần yêu cầu bố mẹ xem con biểu diễn. Trẻ mẫu giáo 29 tháng rất trông đợi sự quan tâm và đồng ý từ bố mẹ, luôn muốn mình là niềm vui của cả nhà. Nếu thiếu đi cảm giác quan trọng này, con có thể gặp khó khăn để phát triển cái tôi và kiểm soát cảm xúc ổn định. Cả hai vợ chồng đều nên dành thời gian chơi và tương tác với con, qua đó trẻ sẽ học được sự khác biệt khi chơi với người cùng và khác giới.

3. Khuyến khích sự sáng tạo

Bãi chiến trường bừa bộn là một phần không thể thiếu trong trò chơi nghệ thuật của trẻ em. Vì vậy đừng lo lắng mỗi lần con nỗ lực sáng tạo đều khiến căn nhà của bạn trở nên lộn xộn và hỗn độn. Khi con hoàn thành một “dự án”, bạn hãy dạy bé rằng dọn dẹp cũng là một phần của trò chơi. Mặc dù tác phẩm nghệ thuật với những nét vẽ nguệch ngoạc của con có thể không giống bất cứ thứ gì, nhưng hãy chiêm ngưỡng và đề cao thành quả của con, thậm chí là treo một bức tranh đặc sắc lên tường. Đừng để con thấy bạn vứt đi tác phẩm của bé. Bằng cách này, trẻ mẫu giáo 30 tháng sẽ có thêm sự tự tin để tiếp tục thể hiện bản thân.

Phụ huynh cũng có thể kích thích sự phát triển các giác quan và trí nhớ của trẻ tuổi mầm non thông qua những trò chơi tương tác. Ví dụ, hãy giúp con khắc họa rõ nét ký ức bằng cách nhắc lại hoặc đặt câu hỏi về những thứ quen thuộc như thú bông ở nhà hay chiếc bánh kem trong tiệc sinh nhật trông ra sao, đường đi đến công viên như thế nào...

vẽ
Phụ huynh cũng có thể kích thích sự phát triển các giác quan và trí nhớ của trẻ qua những trò chơi tương tác

4. Nói chuyện với con

Trẻ mẫu giáo 30 tháng bắt đầu phát âm rõ hơn và ghép được vài từ để tạo thành câu có nghĩa. Vì vậy bé rất hào hứng tham gia vào tất cả những cuộc nói chuyện và hiểu thêm về cách hội thoại, biết chờ một chút đến lượt mình nói. Con cũng sẽ nhìn vào miệng khi bố mẹ nói để cố gắng bắt chước cách phát âm và nét mặt biểu cảm.

Trong khi con vẫn còn quấn quýt bên mình, bạn hãy tranh thủ xây dựng kỹ năng của trẻ tuổi mầm non bằng cách khai triển rộng hơn những gì con nói. Ví dụ: nếu con nói “Xe chạy”, bạn có thể tiếp lời “Đúng rồi, chiếc xe màu đỏ đó đang chạy rất nhanh trên đường.” Cách này sẽ giúp con phát triển vốn từ vựng lớn hơn và xây dựng cấu trúc câu phức tạp trong thời gian ngắn.

Con bạn cũng có thể trở nên nghịch ngợm và nói một số từ không hay, kể chuyện sai sự thật, đổ lỗi cho người khác và giấu một số chuyện. Đối với trẻ em độ tuổi này, ranh giới giữa thật và tưởng tượng chưa rõ ràng. Con cũng chưa nhận thức về giá trị của sự thật và tuân thủ các quy tắc như người lớn. Bạn đừng mong đợi trẻ mẫu giáo 29 tháng những hiểu biết vượt ngoài khả năng và trách phạt con. Phải luôn nhẹ nhàng và kiên nhẫn, nhưng rõ ràng và nhất quán với con trẻ.

Khi nói chuyện cần cho trẻ 5-7 giây để suy nghĩ
Trẻ mẫu giáo 30 tháng bắt đầu phát âm rõ hơn và ghép được vài từ để tạo thành câu có nghĩa

5. Lưu ý khi chăm sóc trẻ mẫu giáo 29 tháng - 30 tháng

Nhiều trẻ mẫu giáo 30 tháng rất kén ăn, cương quyết không ăn trái cây và rau củ dù đang đói. Tuy nhiên việc thúc ép chỉ càng khiến bé chán ăn hơn. Thay vào đó, mẹ nên tạo cảm giác thoải mái trong mỗi bữa ăn, thay đổi món thường xuyên hợp khẩu vị và cho bé ăn theo sở thích, nhu cầu.

Nếu bé không thích nhai, hãy kiên nhẫn cho con ăn món dạng hạt và sợi. Dần dần trẻ sẽ học được cách chấp nhận những thực phẩm này và không từ chối nữa. Những khó khăn con gặp phải trong quá trình ăn uống sẽ được cải thiện đáng kể nếu mẹ bình tĩnh và kiên nhẫn tập cho con thường xuyên, không vội vàng hay phản ứng thái quá. Bạn có thể làm mẫu cho con để bé biết cách ăn uống lành mạnh.

Khi trẻ tuổi mầm non bị ốm, tuyệt đối không mua thuốc về tự điều trị tại nhà, đặc biệt tránh lạm dụng thuốc kháng sinh. Nếu bé vẫn tươi tỉnh, chạy nhảy và uống nước đủ thì không quá đáng lo. Ngược lại, khi con có dấu hiệu không chịu uống nước, buồn ngủ, thân nhiệt tăng cao, sợ với ánh sáng, phát ban,... thì nên sớm đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Cuối cùng, nếu có bỏ lỡ lịch tiêm chủng của trẻ 2 tuổi, hãy đưa con đến cơ sở y tế và cập nhật ngay.

Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ là một quá trình dài, vì thế cha mẹ hãy là người bạn đồng hành giúp trẻ phát huy tốt khả năng nghe, đọc, nói, giao tiếp, sự về thể chất cũng như tinh thần. Nếu gặp khó khăn trong việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận được sự giúp đỡ từ các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan