Thuốc chữa viêm da dị ứng ở trẻ em

Viêm da dị ứng là một căn bệnh viêm da mãn tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường được kiểm soát bằng cách lựa chọn không dùng thuốc hoặc dùng thuốc đặc trị có thể làm giảm các triệu chứng của viêm da dị ứng ở trẻ. Vậy viêm da dị ứng có triệu chứng gì và thuốc chữa viêm da dị ứng ở trẻ em gồm những thuốc nào?

1. Viêm da dị ứng là gì?

Viêm da dị ứng là một bệnh viêm da mãn tính có xu hướng bùng phát rồi tự khỏi sau một khoảng thời gian. Bệnh thường xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ, ước tính khoảng 1/3 trẻ em mắc viêm da dị ứng từ mức độ trung bình đến nặng.

Viêm da dị ứng ở trẻ em làm cho da trở nên nóng, ngứa, khô và tróc vảy. Mảng da khô do bị viêm da dị ứng thường xuất hiện ở vùng đầu, trán và mặt. Ngứa là dấu hiệu cơ bản ngoài ra bệnh nhân cũng có thể xuất hiện triệu chứng khác như ban đỏ, phù nề, tiêu chảy.

Có 3 loại viêm da dị ứng và chúng có thể có biểu hiện khác nhau và có xu hướng xảy ra ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Các loại viêm da dị ứng ở trẻ em thường gặp bao gồm:

  • Bệnh viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm thể tạng: Bệnh thường xuất hiện với các vết mẩn đỏ, ngứa ở những vùng da hay tại các vị trí co duỗi như bên trong khuỷu tay, phía sau đầu gối và phía trước cổ của trẻ.
  • Viêm da tiếp xúc: Trẻ có dấu hiệu phát ban trên các vùng cơ thể thường xuyên tiếp xúc với những chất gây kích ứng da hoặc do phản ứng dị ứng gây ra, ví dụ như thuốc độc, xà phòng hoặc một số loại tinh dầu. Các vết phát ban da đỏ thường nóng, có thể có nọc hoặc ngứa hay phồng to lên.
  • Viêm da tiết bã: thường xuất hiện ở các vùng da dầu như vùng ngực và lưng. Biểu hiện bệnh xuất hiện với những mảng vảy cứng, da đỏ và khiến da đầu có gàu.

2. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ em

Bệnh viêm da dị ứng ở trẻ em có thể được nhận biết thông qua một số dấu hiệu như sau:

  • Trẻ bị ngứa nhiều vào buổi tối
  • Xuất hiện những mảng da màu đỏ hay màu xám nâu ở tay, chân, mắt cá, cổ tay, cổ, ngực, mí mắt
  • Có những nốt sần nhỏ
  • Da sần, khô và tróc vảy
  • Da nhạy cảm và có thể bị sưng lên do cào gãi.
  • Trẻ hay chà xát vào giường, thảm hoặc những vật dụng xung quanh để giảm ngứa.
  • Trẻ bị phát ban trên nếp gấp bên trong vùng khuỷu tay hay đầu gối của trẻ

Lưu ý: Đối với trẻ sơ sinh, những triệu chứng của viêm da dị ứng thường xuất hiện sớm hơn vào khoảng từ 2 đến 3 tháng tuổi.

3. Nguyên nhân viêm da dị ứng ở trẻ em

Nguyên nhân của bệnh viêm da dị ứng ở trẻ em chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng có một vài yếu tố dị ứng ở trẻ có thể dẫn đến viêm da dị ứng nặng, ví dụ dị ứng thức ăn hay hen.

Ngoài ra, tình trạng kích ứng da dẫn đến viêm cũng có thể xảy ra bởi một số yếu tố dưới đây:

  • Độ ẩm thấp
  • Dị ứng theo mùa
  • Da của trẻ tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa
  • Thời tiết lạnh
  • Thuốc nhuộm, duỗi tóc
  • Cao su
  • Một số loại trái cây có múi, đặc biệt là phần vỏ
  • Hương thơm từ xà phòng, dầu gội
  • Các loại dầu thơm, nước hoa và mỹ phẩm
  • Một số thành phần có trong thuốc đặc trị sử dụng trên da

Thông thường, người bệnh sẽ không bị phát ban dị ứng ngay lần đầu tiên tiếp xúc, nhưng dần dần da của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Lần tiếp theo có thể da của trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng phát ban.

4. Thuốc điều trị viêm da dị ứng ở trẻ em

Dưới đây là một số thuốc viêm da dị ứng ở trẻ em được bác sĩ khuyến cáo sử dụng trong điều trị bệnh cho trẻ:

4.1. Dùng kem dưỡng ẩm trong điều trị viêm da dị ứng

Điều trị viêm da dị ứng ở trẻ em đối với các đợt bùng phát ban đầu nhằm mục đích giảm viêm, đồng thời làm giảm phản ứng miễn dịch để ngăn chặn quá trình gây viêm. Một trong những lựa chọn để điều trị viêm da là dùng kem dưỡng ẩm, bằng cách này có thể hỗ trợ tăng cường hàng rào bảo vệ da cho trẻ. Mặc dù, những liệu pháp đó có thể chưa đủ để giải quyết cơn bùng phát bệnh, nhưng là một phần quan trọng giúp kiểm soát cơn bùng phát.

4.2. Sử dụng Corticosteroid tại chỗ

Thuốc được khuyến cáo dùng cho những bệnh nhân không đáp ứng với việc chăm sóc da thích hợp hoặc sử dụng thường xuyên chất dưỡng ẩm. Tuy nhiên, corticosteroid đường toàn thân không được khuyến cáo sử dụng thường xuyên trong viêm da dị ứng dựa trên nguy cơ có thể bùng phát trở lại và có thể làm nghiêm trọng tình trạng bệnh.

4.3. Cho trẻ dùng thuốc ức chế Calcineurin tại chỗ

Các thuốc này được chỉ định sử dụng cho những bệnh nhi bị viêm da dị ứng không suy giảm miễn dịch hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ khác. Thuốc ít có khả năng hấp thụ toàn thân và ức chế miễn dịch, đặc biệt ít gặp phải các tác dụng phụ như corticosteroid.

4.4. Dùng thuốc kháng sinh

Vi khuẩn và virus có thể đóng một vai trò trong các đợt bùng phát của viêm da dị ứng ở trẻ. Trẻ em bị viêm da dị ứng được kiểm soát kém thường có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn do hàng rào bảo vệ da của trẻ bị tổn thương và hệ thống miễn dịch được điều chỉnh.

4.5. Dùng thuốc ức chế miễn dịch toàn thân và thuốc sinh học

Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân nhắm vào một số thành phần của hệ thống miễn dịch góp phần ngăn chặn sự kích hoạt và điều chỉnh các con đường truyền tín hiệu viêm. Chúng không có tác dụng phục hồi chức năng hàng rào bảo vệ da, nhưng có thể hạn chế các phản ứng miễn dịch gây viêm và ngứa.

Năm 2020, thuốc sinh học dupilumab đã được phê duyệt để điều trị viêm da ở trẻ từ 6 tuổi trở lên với tình trạng bệnh từ trung bình đến nặng và kiểm soát kém.

4.6. Sử dụng thuốc kháng Histamin

Mặc dù thuốc kháng Histamin có tác dụng trong việc kiểm soát ngứa và ngăn ngừa tổn thương da do gãi, tuy nhiên thuốc không có vai trò trong việc giải quyết triệt để viêm da dị ứng.

Do có nguy cơ mắc các phản ứng nghịch lý nghiêm trọng nên thuốc cần được sử dụng thận trọng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài ra, các chất phụ gia trong thuốc kháng Histamin tại chỗ có thể gây tình trạng kích ứng da thêm và không có hiệu quả trong việc kiểm soát ngứa liên quan đến viêm da dị ứng ở trẻ em.

4.7. Các can thiệp không dùng thuốc

Tắm

Tắm là một phần quan trọng của chăm sóc da nên duy trì cho bệnh nhân viêm da dị ứng, nhưng cần phải được thực hiện đúng cách. Nước có tác dụng giúp làm ẩm da. Tuy nhiên, nếu để bay hơi, có thể góp phần làm tăng sự mất nước qua biểu mô, do đó sau khi tắm cha mẹ cần thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ. Ngoài ra cần lưu ý, xà phòng có thể là tác nhân làm tổn thương và làm khô da, nên cần sử dụng cho trẻ các loại sữa tắm có độ pH thấp, không có mùi thơm và không gây dị ứng da bé.

Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây kích hoạt dị ứng:

Không phải lúc nào cũng có thể hoàn toàn tránh được tác nhân gây kích hoạt dị ứng nhưng quan trọng cha mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc bất cứ khi nào có thể. Cần tránh tiếp xúc với các chất cơ học, hóa học hoặc các chất gây kích ứng khác như len sợi, axit hoặc nơi nhiệt độ quá cao...

Hạn chế cho trẻ làm trầy xước da

Việc cào gãi chỉ khiến cho tình trạng viêm da ngày càng tệ hơn. Cha mẹ có thể hạn chế việc này bằng cách bôi chất chống ngứa và cắt móng tay hoặc đeo găng cho bé khi đi ngủ. Ngoài ra cha mẹ nên che đậy các vết viêm da lại tránh tình trạng bé làm trầy xước.

Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc về bệnh viêm da dị ứng và thuốc điều trị viêm da dị ứng ở trẻ em. Hy vọng thông qua bài viết cha mẹ có thể hiểu thêm được nguyên nhân và dấu hiệu bệnh viêm da dị ứng ở trẻ. Tuy nhiên, nếu con nhỏ có bất kỳ triệu chứng bệnh bất thường nào khác cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện y tế để được thăm khám, không nên tự ý điều trị bệnh tại nhà cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan