Tiêm thuốc trưởng thành phổi ở trẻ có nguy cơ sinh non

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Nhiều trường hợp sản phụ được bác sĩ đề nghị nên tiêm thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi nhằm dự phòng nguy cơ suy hô hấp nếu có sinh non, giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh và các bệnh tật khác.

1. Tiêm trưởng thành phổi là gì?

Thuốc trưởng thành phổi là Betamethasone và Dexamethasone. Đây là 2 loại thuốc thuộc nhóm Corticosteroid, giúp thúc đẩy trưởng thành phổi của thai nhi. Tiêm thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi giúp dự phòng nguy cơ suy hô hấp của bé nếu có sinh non. Đây là chỉ định rất quan trọng đối với các bé trong các trường hợp bé bị sinh non hoặc các bé sinh đủ tháng nhưng bị suy dinh dưỡng,...

Nhờ tiêm trưởng thành phổi, trẻ giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng của sinh non như tử vong, hội chứng suy hô hấp cấp, viêm ruột hoại tử, xuất huyết não thấp, nhiễm trùng hệ thống và chậm phát triển,...

2. Cơ chế hoạt động của thuốc trưởng thành phổi

Khi thai phụ được tiêm mũi trưởng thành phổi, thuốc sẽ đi theo các mạch máu, chuyển đến trên cơ thể thai nhi và tác động theo nhiều cách. Cụ thể là:

  • Làm tăng khả năng giúp phổi chuyển phế bào I thành phế bào II;
  • Làm tăng khả năng tổng hợp và giải phóng surfactant (chất chỉ có đủ sau khi thai nhi được 32 tuần tuổi) vào phế nang. Surfactant có vai trò làm giảm sức căng bề mặt của lớp dịch phế nang, giúp chống lại lực đàn hồi của phổi. Nếu không sản xuất đủ lượng surfactant cần thiết, phổi của trẻ sinh non có nguy cơ bị xẹp, dẫn đến suy hô hấp;
  • Tăng thể tích của phổi;
  • Giảm lượng chất lỏng bên trong phổi.

Nhờ vậy, tiêm thuốc trưởng thành phổi giúp giảm nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sinh non.

Suy hô hấp
Với nhiều tác dụng, tiêm thuốc trưởng thành phổi giúp ngăn ngừa suy hô hấp ở trẻ

3. Khi nào nên tiêm mũi trưởng thành phổi?

Thông thường, thai đủ tháng là thai trên 37 tuần - thời điểm này các cơ quan của thai nhi đã trưởng thành, sẵn sàng thích ứng với cuộc sống bên ngoài. Sinh non là trẻ sinh ra từ tuần 22 - 37 của thai kỳ. Ở trẻ sinh non, nhiều cơ quan chưa hoàn thiện về mặt chức năng, nhất là phổi nên tiềm ẩn nguy cơ suy hô hấp rất lớn. Trong trường hợp thai phụ có nguy cơ sinh non, bác sĩ sẽ đề nghị tiêm trưởng thành phổi.

Tiêm mũi trưởng thành phổi thường được chỉ định thực hiện từ tuần 28 - 34 khi thai phụ có dấu hiệu dọa sảy thai hoặc có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày. Nếu chưa sinh thì sau 7 ngày cân nhắc tiêm lại một đợt (nếu vẫn còn nguy cơ sinh non trong 7 ngày tới).

3.1 Dấu hiệu dọa sinh non

Dấu hiệu dọa sinh non gồm:

  • Xuất hiện cơn co tử cung gây đau, ít nhất 2 cơn/giờ;
  • Vỡ ối;
  • Chuột rút đi kèm đau thắt phần lưng dưới;
  • Ra máu hoặc dịch nhầy màu hồng âm đạo;
  • Trì nặng bụng, đau thắt bụng kèm theo tiêu chảy;
  • Có biến đổi ở cổ tử cung được phát hiện khi thăm khám.

3.2 Những trường hợp có nguy cơ sinh non

Nguy cơ sinh non cao trong những trường hợp:

  • Thai phụ: Bị hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, khâu vòng cổ tử cung, u xơ tử cung, dị dạng tử cung (tử cung đôi), tiền sử khoét chóp cổ tử cung, tiền sử sinh non,...;
  • Thai nhi: Thai chậm phát triển, nhau tiền đạo, tiền sản giật, hết ối, vỡ ối, nhiễm khuẩn ối,... Các trường hợp thai IVF, đa thai sinh đủ tháng (từ 37 tuần trở đi) không nhất thiết phải tiêm trưởng thành phổi.
Tiêm mũi lao cho trẻ sinh non
Mẹ bầu có nguy cơ sinh non khi có tiền sử sinh non

4. Loại thuốc trưởng thành phổi và liều dùng

  • Betamethasone 12mg (Diprospan (5+2)mg), chỉ định tiêm bắp 2 lần, mỗi liều cách nhau 24 giờ;
  • Dexamethasone 6mg chỉ định tiêm bắp 4 lần, mỗi liều cách nhau 12 giờ.

Sau khi thai nhi được 34 tuần tuổi, việc tiêm trưởng thành phổi không có tác dụng với phổi thai nên không cần thiết tiêm nữa. Gần đây, thời gian sử dụng thuốc trưởng thành phổi có thể mở rộng cho các đối tượng thai nhi từ 26 - 27 tuần tuổi hoặc cho thai nhỏ hơn 39 tuần tuổi nếu cần phải mổ chủ động.

Khi phát hiện có một trong những dấu hiệu sinh non, thai phụ nên nhanh chóng đi thăm khám và nhận sự tư vấn của bác sĩ. Bác sĩ có thể cho thai phụ sử dụng thuốc làm giảm cơn gò tử cung hoặc tiêm thuốc trưởng thành phổi thai nhi. Đồng thời, thai phụ cũng cần nghỉ ngơi nhiều hơn để tử cung bớt gò.

Tiêm trưởng thành phổi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm các biến chứng của trẻ sinh non, đặc biệt là suy hô hấp. Loại thuốc sử dụng để tiêm trưởng thành phổi có một số tác dụng phụ nhất định nên trước khi tiêm, thai phụ nên hỏi ý kiến của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

94.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan